Ngoại ngữ - Du họcKinh nghiệm du học

Cuộc sống du học sinh: Một nước Mỹ khác và một tôi khác

Tạp Chí Giáo Dục

Khi ở nhà tớ vẫn nghĩ về nước Mỹ với những tòa nhà chọc trời, xe cộ nối tiếp nhau… Nhưng tớ đã có suy nghĩ khác khi đặt chân đến đó.

Khi ở nhà tớ vẫn nghĩ về nước Mỹ với những tòa nhà chọc trời, xe cộ nối tiếp nhau từng hàng trên đường, nhưng khi sang tới nơi tớ mới biết rằng nước Mỹ vẫn còn nhiều lắm những khu ổ chuột, những cảnh nghèo khổ. Và lần đầu tiên, tớ đã tham gia hoạt động tình nguyện trong một trại trẻ mồ côi cùng với các bạn của tớ. Ở nhà, tớ chỉ quen với sự chăm sóc của ba mẹ, nhưng giờ đây tớ đã biết chăm sóc cả những người khó khăn ở quanh tớ.

Tớ đã có thể tự lấy cho mình chiếc áo khoác.

“Nhìn em chị không nghĩ là em tính toán thế đâu nha” – chị bán hàng đã nói thế với tớ đấy. Từ ngày sang đây, tớ quen dần với cuộc sống tự lập, tự đi chợ, mua đồ nấu ăn, tự sắp xếp cho cuộc sống của mình. Những công việc nho nhỏ thôi, nhưng lại giúp cho tớ lớn lên rất nhiều. Mùa đông, trời lạnh, cái lạnh tê buốt hơn rất nhiều so với ở Việt Nam. Tự lấy cho mình cái áo khoác, chạnh lòng nghĩ về ngày trước mỗi khi đông về, mẹ phải quát lên bắt lấy áo mới chịu mặc, tự dưng thấy nhớ nhà kinh khủng. 
Ở nhà, tớ học tiếng Anh chỉ có “I” và “you” nhưng khi sang đây, tớ biết, không phải lúc nào xưng hô cũng “cào bằng” như vậy được. Một lần đến nhà một bạn người Mỹ chơi, tớ tình cờ bắt gặp một cuộc nói chuyện giữa bà nội và em trai bạn ý, bà hỏi “Do you eat some biscuits?”, cậu bé trả lời “Yes” liền bị bà nhắc “Please”, và ngay lập tức, cậu bé phải nói lại “Yes, please”. Từ đó tớ mới hiểu dù ở bất cứ ngôn ngữ nào thì sự lễ phép, lịch sự cũng cần phải được đặt lên hàng đầu, nhớ nha các bạn! 
Ở nhà, tớ chẳng mấy khi nói cảm ơn cả, vì thấy nó cứ khách sáo sao ý, còn xin lỗi thì có thi thoảng nhưng mà ít thôi. Sang bên này, thì trong bất cứ cuộc đối thoại nào của tớ cũng có thêm từ "Thank you" hoặc "Im sorry" khi cần thiết, không phải là tớ đã trở nên ngoan hơn hồi ở nhà mà bởi vì tớ thấy nó cần thiết trong cuộc sống hiện tại này của tớ. Mỗi lần tớ nói ra 2 tiếng ấy có cảm giác mình lịch sự hơn và được tôn trọng hơn trong mắt người khác. Giờ thì "Thanks""sorry" đã trở thành câu cửa miệng của tớ rồi đấy!
Ngày ở nhà, mọi người nói với tớ là đi du học dễ lắm, chỉ cần sang đấy học, 100% có tấm bằng đẹp mang về. Nhìn bọn du học sinh đấy, chơi suốt mà về vẫn vào được công ty nước ngoài lương tháng vài nghìn đô. Nhưng khi đến nơi, tớ phải mất vài tháng mới quen được với nhịp độ học ở đây. Thời gian học trên lớp không quá nhiều, vì vậy bạn phải chú ý nghe giảng thật kĩ, sau đó thì phải có tinh thần tự học cao để tìm tài liệu xem kĩ hơn những vấn đề mình đã được học trên lớp. Phải thực sự chăm chỉ mới có được một tấm bằng tốt, không hề đơn giản chút nào. Học sinh Việt Nam cũng phải cày ngày cày đêm mới có được kết quả tốt như vậy, không thiếu những trường hợp phải về nước trước thời gian học bởi không theo kịp chương trình. Hãy học tập chăm chỉ để không lãng phí thời gian và công sức của mình cũng như của ba mẹ, bạn nhé!

Bên đây học cũng nhiều lắm, chứ chẳng phải "dễ xơi" đâu.

Giờ thì tớ biết, đi du học không chỉ mang lại kiến thức hay một tấm bằng, nó còn giúp tớ hiểu thêm rất nhiều về nền văn hóa, cuộc sống ở Mỹ thật không giống như tớ hằng nghĩ chút nào cả. Và điều quan trọng hơn cả, tớ thấy mình thật sự đã lớn, đã trưởng thành hơn thật nhiều mọi người. Ông cha ta có câu “Trăm nghe không bằng một thấy”, hãy đi và tự mình kiểm chứng bạn nhé.

Theo Pháp luật & xã hội

 

Bình luận (0)