Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thí điểm giữ trẻ 6-18 tháng tuổi: Con công nhân vẫn “ngoài vòng phủ sóng”

Tạp Chí Giáo Dục

Để khắc phục những khó khăn, bất cập của giáo dục mầm non (GDMN), ngày 14-6-2014, HĐND TP.HCM đã ra nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐND về hỗ trợ GDMN. Ngày 10-6, Ban Văn hóa Xã hội – HĐND TP đã giám sát việc thực hiện nghị quyết này tại Sở GD-ĐT TP.HCM.

Có thể nói, một trong những nội dung quan trọng của nghị quyết 01 là việc tiếp nhận trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi tại các trường MN công lập. Trong đó ưu tiên nhận con công nhân, bởi thời gian qua vì trường công lập “nói không” với nhóm trẻ này nên phụ huynh phải gửi con ở những nơi không an toàn. Hậu quả là có nhiều tai nạn đáng tiếc đã xảy ra với trẻ, thậm chí còn gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Con công nhân… đi đâu?

Thực hiện nghị quyết 01 của HĐND, năm học 2014-2015, Sở GD-ĐT TP tổ chức thực hiện thí điểm nhận trẻ từ 6-18 tháng tuổi tại 13 trường MN của 8 quận, huyện: Q.7, 12, Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức, Bình Chánh, Củ Chi và Nhà Bè. Kết quả là tại 8 quận, huyện này có 13 trường MN công lập tiếp nhận 60 trẻ 6-12 tháng và 115 trẻ từ 13-18 tháng.

Ngoài 8 quận, huyện thí điểm thì Q.6, 10, 11 và Gò Vấp cũng tổ chức nhận trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi, đó là các trường MN 19-5, MN Măng Non I (Q.10); MN Rạng Đông Quận, MN Rạng Đông 5 (Q.6); MN Hoa Phượng Đỏ, MN Anh Đào (Q.Gò Vấp); MN Quận (Q.11) với khoảng 170 trẻ.

Trẻ nhóm 6-18 tháng được nuôi giữ tại Trường MN Sơn Ca 8, Q.12, TP.HCM

Bà Nguyễn Thị Kim Dung – Trưởng phòng GDMN, Sở GD-ĐT TP – cho biết: “Sở GD-ĐT đã phối hợp với Trung tâm Dinh dưỡng TP tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, nhân viên nấu ăn về kỹ thuật thực hành xây dựng thực đơn, khẩu phần dinh dưỡng và chế biến món ăn cho trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi. Đồng thời, các quận, huyện cũng đầu tư kinh phí (từ 120 đến 200 triệu đồng) để cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị phù hợp cho các lớp 6-18 tháng tuổi. Các trường đều đảm bảo đủ giáo viên theo quy định, mỗi nhóm từ 2-3 cô; tùy điều kiện của từng đơn vị, bố trí thêm 1 nhân viên nuôi dưỡng. Theo đó, các nhóm lớp 6-18 tháng tuổi nhìn chung hoạt động ổn định. Trẻ khỏe mạnh, vui vẻ và có nhiều tiến bộ. Phụ huynh cũng rất vui và an tâm khi gửi con”.

Song, điều đáng nói ở đây là con công nhân trong các lớp 6-18 tháng tuổi này rất ít. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hầu hết phụ huynh có con tại các lớp 6-18 tháng là giáo viên, kế toán, bác sĩ, công an… còn công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) thì rất… hiếm.

Ông Trương Lâm Danh – Phó trưởng ban Pháp chế, HĐND TP – bức xúc: “Công nhân thì nhiều, nhất là công nhân nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Tuy nhiên, sau một năm thí điểm, số trẻ trong lớp 6-18 tháng tuổi lại quá ít”. Vậy đâu là nguyên nhân?

Trường công… chỉ làm theo giờ hành chính

Trong số 13 trường MN công lập thí điểm giữ trẻ 6-18 tháng tuổi chỉ có vài trường liền kề KCX, KCN như Trường MN 19-5 (Q.7) gần KCX Tân Thuận, Trường MN Đồng Xanh (H.Nhà Bè) gần KCN Hiệp Phước… Các trường còn lại đều cách xa KCN, KCX nên khá bất tiện cho việc gửi con của công nhân. Thực tế, trong năm học 2014-2015, các phòng GD-ĐT quận, huyện chọn trường MN thí điểm giữ trẻ 6-18 tháng hầu hết đều không dựa vào tiêu chí thuận tiện giao thông cho phụ huynh là công nhân mà chọn theo tiêu chí trường có cơ sở vật chất tốt (một số trường mới được khánh thành), hoặc trường có đội ngũ giáo viên nhiều kinh nghiệm nuôi dạy trẻ nhóm nhỏ.

Mặt khác, các trường công lập chỉ nuôi giữ trẻ trong giờ hành chính (từ 7 giờ sáng đến 4 giờ 30 chiều), không làm ngày thứ bảy. Trong khi đó, công nhân phải làm tới 5 giờ mới tan ca, thậm chí nhiều người còn thường xuyên phải tăng ca. Và tất cả công nhân đều phải làm thứ bảy. Với những thực tế này mà hầu hết công nhân đều không được hưởng lợi từ nghị quyết 01, chính xác là từ chủ trương mở lớp 6-18 tháng tuổi tại trường MN công lập.

Ông Nguyễn Hồng Hà – Phó trưởng ban Văn hóa Xã hội, HĐND TP – cho rằng: “Các trường MN công lập nên mở dịch vụ giữ trẻ sau giờ tan trường, thứ bảy. Vì chỉ là giữ chứ không dạy nên không nhất thiết phải là giáo viên mà chỉ cần cấp dưỡng, bảo mẫu. 2-3 trường liền kề có thể phối hợp với nhau mở lớp để tạo điều kiện cho phụ huynh là công nhân gửi con…”.

Về vấn đề này, bà Dung cho biết: “Không trường nào dám hợp đồng với người ngoài để trông giữ trẻ sau giờ tan trường, thứ bảy vì không đảm bảo an toàn cho cháu. Còn giáo viên, nhân viên trong trường thì vì nhiều lý do nên các cô cũng không muốn làm thêm. Trong đó lý do chính là mỗi ngày các cô làm 10 tiếng liên tục, không nghỉ trưa nên hết giờ làm việc là đã mệt lắm rồi, không thể tiếp tục trông giữ cháu. Thứ bảy các cô cũng muốn nghỉ ngơi, ở nhà lo cho gia đình…”.

Theo đó, bà Kim Dung đề nghị là phải tăng cường xây dựng các trường MN trong KCN, KCX. Những ngôi trường này sẽ hoạt động theo giờ làm việc của công nhân để trông giữ con họ…

Bài, ảnh: Hòa Triều

 

Bình luận (0)