Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Vụ Sông Tranh 2: EVN xin nhận lỗi trước dân

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 30-9, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi thị sát và tiếp xúc với cử tri vùng động đất xung quanh dự án thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam).
Buổi tiếp xúc cử tri còn có sự hiện diện của 5 thứ trưởng các bộ ngành liên quan đến diễn biến vụ việc ở thủy điện Sông Tranh 2.

Dịp này, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của người liên quan đến sự cố thủy điện Sông Tranh 2 đang được dư luận quan tâm.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi thị sát kiểm tra an toàn đập thủy điện Sông Tranh 2 – Ảnh: Đăng Nam

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, ông Đặng Phong – chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My – cho rằng từ ngày động đất xảy ra, thiệt hại về vật chất và tinh thần của người dân rất lớn; nhiều công trình nhà dân, trường học trụ sở hư hỏng, dân không dám ở trong nhà xây mà phải chạy ra ở ngoài nhà tạm, nhà phụ.

Theo ông Phong, dù Chính phủ chưa cho tích nước nhưng do hồ không có cửa xả đáy nên dân rất lo vì hồ chứa đến 461 triệu m3 nước. Từ thực tế đó, ông Phong kiến nghị: chủ đầu tư phải đồng hành với địa phương để giải quyết những khiếm khuyết tại các khu tái định cư; kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện cho địa phương xây dựng cầu kiên cố qua xã Trà Sơn, đây là xã gần thị trấn nhưng lại là xã duy nhất chưa có đường ôtô về tới trung tâm xã; xây dựng cầu qua Sông Trường; tiếp tục đầu tư làm đường Nam Quảng Nam.

Chia sẻ quan điểm này, cử tri Huỳnh Tấn Sâm (thị trấn Trà My) cho rằng dân rất hoang mang vì sợ động đất, nhà nứt, lún; người dân hạ lưu Sông Tranh 2 cũng lo lắng. Ông Sâm kiến nghị: vì tính mạng của dân nên chủ đầu tư, Chính phủ phải có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng động đất; nếu cần thuê chuyên gia nước ngoài, nhà chuyên môn giỏi về nghiên cứu động đất, dự báo lâu dài; chất lượng đập lâu dài, trả lời dứt khoát cho dân liệu đập có chất lượng đảm bảo và an toàn không. Nếu lâu dài đập không an toàn thì nên có giải pháp tính toán trước để dân phòng tránh, không để xảy ra thảm họa rồi hối tiếc. "Lâu nay các nhà khoa học nói khác nhau, anh nào cũng giáo sư, tiến sĩ rồi dân biết tin ai", ông Sâm nói.

Cũng như ông Sâm, cử tri Đinh Mươk (dân tộc Cor) cho rằng: "Dư chấn của động đất đã nặng nề rồi, giờ cứ để vậy thì dư chấn sẽ xảy ra trong lòng dân. Dân bất an, ắt việc điều hành của chính quyền sẽ bất ổn. Vì thế phải xử lý hết sức khôn khéo".

Đại diện chủ đầu tư – Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Hoàng Quốc Vượng – thứ trưởng Bộ Công thương, chủ tịch HĐQT EVN – ngay sau khi bước lên bục phát biểu đã xin nhận lỗi trước người dân Trà My vì “đã làm xáo trộn cuộc sống của nhân dân địa phương”.

Ông Vượng cho biết EVN đã cử cán bộ, chuyên gia thường xuyên theo dõi đập nhằm phát hiện kịp thời các yếu tố bất thường để ứng phó; đồng thời xây dựng quy trình vận hành hồ chứa; xây dựng phương án phòng chống lụt bão, phương án xấu nhất là vỡ đập để xử lý. EVN cam kết phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm tra thống kê nếu có thiệt hại do động đất gây ra để kịp hỗ trợ bà con.

Phát biểu kết thúc cuộc tiếp xúc, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Đảng, Chính phủ rất quan tâm đến sự cố Sông Tranh 2. Chính phủ đặt an toàn tính mạng, tài sản của người dân lên trên hết, cho nên Chính phủ sau khi nghe ý kiến tham mưu đã chỉ đạo chưa cho Sông Tranh 2 tích nước.

"Không phải vì bỏ ra vốn quá lớn (hơn 5.000 tỉ đồng) mà Chính phủ làm ngơ cho tích nước để phát điện. Bà con phải hiểu cho điều này. Tôi đề nghị các bộ, ngành liên quan tiếp thu hết các ý kiến của người dân để có cơ sở xử lý tiếp theo. Trước mắt là làm các việc để đảm bảo an toàn cho Sông Tranh 2", ông Phúc nhấn mạnh.

Ông Phúc yêu cầu: "EVN chỉ đạo cho Ban quản lý thủy điện 3 (thuộc EVN, đơn vị chủ đầu tư công trình thủy điện Sông Tranh 2) lập phương án đền bù cho 250 nhà dân cùng 10 cơ sở trường học, hạ tầng của địa phương bị hư hỏng do động đất gây ra. Nâng cao trách nhiệm, không đùn đẩy cho nhau, tất cả là vì quyền lợi của người dân".

Đ.NAM – T.VŨ  (TTO)

Bình luận (0)