Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Dạy toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh: Học sinh tiếp cận tốt chương trình

Tạp Chí Giáo Dục

Một buổi học toán bằng tiếng Anh của học sinh lớp 10A6, Trường THPT Lương Thế Vinh (TP.HCM). Ảnh: Anh Khôi

Chế độ đãi ngộ phù hợp với giáo viên (GV), thống nhất về tài liệu dạy học, xây dựng khung đánh giá chung về năng lực học tập của học sinh (HS)… là những vấn đề nổi bật được đưa ra tại hội thảo “Chuyên đề dạy học các môn toán và khoa học bằng tiếng Anh” do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức vào ngày 2-10.
Tính đến đầu năm học 2012-2013, TP.HCM có 10 trường THPT tham gia dạy toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh. Theo đánh giá sơ bộ từ Phòng Trung học Sở GD-ĐT TP.HCM về công tác thí điểm chương trình dạy môn toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh sau 4 năm thực hiện (2008) cho thấy, chương trình đã bước đầu đáp ứng được nhu cầu học các môn khoa học bằng tiếng Anh của HS THPT, giúp các em bước đầu làm quen với các thuật ngữ chuyên ngành, nâng cao khả năng tư duy và cập nhật kiến thức khoa học bằng ngoại ngữ.
Phong phú nguồn tài liệu
So với các địa phương trong cả nước, TP.HCM là một trong những đơn vị đi đầu trong việc triển khai thực hiện thí điểm giảng dạy các môn toán và khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh. Do chưa có một quy định cụ thể nào về công tác triển khai nên hầu hết các trường THPT thực hiện thí điểm đều phải tự mày mò hướng đi cho mình từ khâu biên soạn tài liệu, bồi dưỡng GV cho đến khâu đánh giá năng lực HS. Ông Trần Đức Huyên, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cho hay, đơn vị này hiện có 200 HS theo học các môn toán, lý, hóa với thời lượng 2 tiết/tuần. Nội dung các bài học đều do các GV tự biên soạn dựa theo chương trình chuẩn của Bộ GD-ĐT và tham khảo các nguồn tài liệu trên internet từ chương trình của các nước nói tiếng Anh. Trường còn liên kết với các trường chuyên trong cả nước để trao đổi tài liệu,  GV… Tương tự, tài liệu giảng dạy của Trường THPT Lương Thế Vinh cũng dựa vào chương trình College Mathematics của Hoa Kỳ để chọn ra một số chuyên đề trọng tâm của chương trình toán lớp 10 giảng dạy bằng tiếng Anh. Trường THPT Gia Định giao cho GV phụ trách thiết kế dựa trên các giáo trình và tài liệu dạy học đang được sử dụng phổ biến tại Hoa Kỳ. Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cũng sử dụng nguồn tài liệu phong phú chủ yếu trên internet và sự hỗ trợ từ Trường Canley Vale High School (Úc). Tuy nhiên, bà Phạm Thị Lệ Nhân, quyền Hiệu trưởng nhà trường cho biết, tất cả các tài liệu được sử dụng đều có sự chọn lọc kỹ lưỡng nhằm hỗ trợ cho HS trong quá trình học tập. “Các đề thi Olympic quốc tế hoặc các cuộc thi tổ chức trong khu vực hiện nay đều sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh và đều có một chuẩn kiến thức nhất định nên việc giúp các em HS tiếp cận để hội nhập quốc tế là điều rất cần thiết”, bà Lệ Nhân cho hay.
Do nguồn tài liệu, nội dung giảng dạy của mỗi trường không giống nhau nên việc đánh giá năng lực của HS cũng mới chỉ thực hiện trong phạm vi từng trường chứ chưa thể mở rộng giữa nhiều trường với nhau. Tuy nhiên, không vì thế mà kết quả đánh giá HS mang tính chủ quan, nhất thời. “Kết quả kiểm tra kiến thức bằng tiếng Anh 2 môn toán và khoa học do ĐH New South Wales tổ chức cho thấy, HS nhà trường luôn đạt trên trên chuẩn khu vực. Trường cũng mới giành giải nhất cá nhân trong cuộc thi toán do Lãnh sự quán Malaysia và Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức”, bà Lệ Nhân cho biết thêm.
Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện ở các trường hiện nay chính là nguồn GV giảng dạy. Hầu hết nguồn GV hiện nay tại các trường THPT đều là GV thỉnh giảng từ các trường ĐH trong và ngoài nước, chỉ một số ít trường tự đào tạo GV có khả năng dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh như THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hùng Vương… Trong khi đó, chính sách đãi ngộ cho các GV dạy chương trình này cũng chưa thỏa đáng, phần lớn dựa trên sự thỏa thuận giữa phụ huynh – nhà trường với GV. “Các GV vừa phải giảng dạy theo chương trình của Bộ GD-ĐT, vừa biên soạn tài liệu, lại vừa phải nâng cao năng lực trong khi nguồn ngân sách Nhà nước chưa quy định khoản chi nào phục vụ cho việc này”, ông Huyên nhấn mạnh.
Chủ động xây dựng các quy định
Có mặt tại buổi hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã biểu dương tinh thần đi đầu trong chương trình dạy toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh trong đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân” do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2008. Thứ trưởng khẳng định: Về cơ bản, chương trình toán và một số môn khoa học tự nhiên trong chương trình của Bộ GD-ĐT không có gì thay đổi. Việc thí điểm dạy học bằng tiếng Anh chỉ nhằm giúp HS tiếp cận tốt hơn các kiến thức từ nước ngoài, phục vụ tốt hơn cho việc học tập của các em. “Đây mới chỉ là công tác thí điểm nên hiện tại Bộ GD-ĐT chưa có một quy định cụ thể nào về tài liệu giảng dạy, chế độ đãi ngộ cũng như cách thức đánh giá năng lực của HS. Do đó, các trường học phải chủ động phối hợp cùng Sở GD-ĐT và địa phương để xây dựng các quy định về các điều khoản này. Bộ sẽ căn cứ vào đánh giá của các địa phương để ban hành các thông tư, văn bản cụ thể”, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định.
Đánh giá về công tác thí điểm đã thực hiện, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng: Các trường THPT học tại TP.HCM đã rất sáng tạo, năng động trong việc thí điểm chương trình giảng dạy môn toán và khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh. Các nguồn tài liệu, nội dung giảng dạy và năng lực GV đều đáp ứng mục tiêu nâng cao khả năng ngoại ngữ cho HS THPT, giúp các em tiếp cận tốt hơn kiến thức các môn khoa học trên thế giới.
Ngọc Anh
“Sắp tới, Sở GD-ĐT sẽ hợp tác với đơn vị ủy quyền của ĐH Cambridge để hỗ trợ các trường trong việc xây dựng tài liệu giảng dạy, đào tạo đội ngũ GV cũng như hệ thống đánh giá năng lực học tập của HS. Bên cạnh đó, sở cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các trường xung quanh các vấn đề liên quan để sớm ban hành các văn bản pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các trường trong quá trình thực hiện”, ông Sơn nói.
 

Bình luận (0)