Các em học sinh đang tranh luận về các tình huống do Ban tổ chức đưa ra. Ảnh: B.V |
Vừa qua, tại Trường THCS Đồng Khởi (Q.Tân Phú, TP.HCM) đã diễn ra chuyên đề “Hướng dẫn kỹ năng ứng xử và giao tiếp qua mạng xã hội”, nhằm trang bị cho học sinh các kỹ năng sử dụng mạng xã hội (facebook) hữu ích cho nhu cầu học tập và giải trí hàng ngày.
“Những tác hại của việc sử dụng facebook không đúng cách? Bạn cảm thấy thế nào khi người dùng facebook dùng những từ khích bác, châm chọc? Khi sử dụng các thông tin phản cảm để câu like, câu view sẽ dẫn đến những hậu quả gì? Khi sử dụng trang cá nhân, có những đường link lạ, bạn có nên click vào không, bạn có nên like hay chia sẻ không, tại sao?”… Đó là những câu hỏi được đặt ra sau các tiểu phẩm tái hiện những tình huống bạn bè cũ nhận ra nhau nhờ facebook, cùng trao đổi việc học tập, hòa giải sự bất hòa gia đình, hẹn đánh nhau ở phố đi bộ vì chê nhau xấu, coi tiên đoán dung nhan người yêu tương lai, “up” tin ca sĩ bị giựt giỏ xách để câu like, mải mê chơi facebook nên bị điểm kém.
Từ những tình huống trên, hơn 700 em học sinh đã chia thành nhiều nhóm thảo luận sôi nổi và rút ra những kinh nghiệm cho bản thân. Trong tâm trạng bối rối “không biết làm gì trước tình huống có người buông lời châm chọc, khích bác trên facebook” của Thanh Trúc (học lớp 9/6), nhiều ý kiến cho rằng nên đóng vai trò là người hòa giải, nhưng cách tốt nhất là không nên “châm thêm dầu vào lửa”. Đó cũng là ý kiến của Thanh Thảo (học lớp 9/4). Thảo cho biết em tham gia facebook 3 năm qua và xác định chỉ sử dụng nó để trao đổi việc học tập và liên lạc với bạn bè, tuyệt đối không quan tâm đến những lời gây hiềm khích, câu like. Trước những đường link lạ, em Thúy Vi (học lớp 9/2) cho biết sẽ luôn tránh xa để không bị ảnh hưởng bởi những hình ảnh xấu.
Khi đưa thông tin trên facebook, tránh viết tắt vì sẽ dễ gây hiểu lầm, mà cần đưa thông tin dễ hiểu bằng ngôn ngữ thuần Việt. |
Nhằm giúp học sinh sử dụng facebook an toàn, thầy Hồ Trung Hiếu (giáo viên môn tin học của trường) lưu ý, các em khi đăng ký thông tin trên facebook, cần tránh chế độ Public (chia sẻ công khai) và chế độ Friend, mà chỉ nên chọn chế độ Only me. Ở chế độ này, chỉ một mình người đăng ký có thể vào xem. Thầy Hiếu cũng khuyến khích học sinh nên tạo group (nhóm) để thuận tiện và an toàn trong việc trao đổi bài vở. Bên cạnh đó, học sinh cũng cần tránh những thông tin lừa đảo như bán sim khuyến mãi, không nên kết bạn tràn lan, không đăng nhập vào những trang web đen, không khích bác trên facebook để tránh bị phiền toái. Minh chứng cho điều này, thầy cho biết vừa mới có trường hợp một học sinh lớp 7 bị các anh chị lớp 9 đe dọa chặn đường đánh, do đã lên facebook tham gia… chửi một chị lớp 9. Khi đưa thông tin trên facebook, các em học sinh cũng nên tránh viết tắt vì sẽ dễ gây hiểu lầm, mà cần đưa thông tin dễ hiểu bằng ngôn ngữ thuần Việt.
Học sinh đang biểu diễn một tiểu phẩm tại chuyên đề |
Thầy Tạ Duy Hồng, Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.Tân Phú, cho biết: “Đây là chuyên đề giáo dục kỹ năng cho học sinh, mà mở đầu cho kế hoạch này là các kỹ năng ứng xử và giao tiếp trên mạng xã hội”.
“Mong rằng chuyên đề “Hướng dẫn kỹ năng ứng xử và giao tiếp qua mạng xã hội” sẽ giúp học sinh có nhận thức đúng và những kỹ năng sử dụng facebook theo hướng tích cực nhất, nhằm phục vụ tốt cho việc học tập và nhu cầu giải trí của các em. Trong thời gian tới, ngành giáo dục sẽ triển khai chuyên đề này ở tất cả các trường THCS trên địa bàn quận”.
Bài, ảnh: Bích Vân
Nỗi ám ảnh của facebook Facebook là mạng xã hội đem đến cho con người nhiều lợi ích như trao đổi thông tin, chia sẻ tình cảm…, thế nhưng bên cạnh đó, facebook cũng là nỗi ám ảnh đã gây ra những nỗi đau lớn cho nhiều người. Là một giáo viên dạy ở thành phố hiện đại bậc nhất nước nhưng tôi tự cho mình lạc hậu với facebook. Nhiều học sinh hỏi facebook của tôi, tôi đáp: “Thầy cũng có “phây”, nhưng hiếm lúc thầy vào lắm. Ngày nào cũng làm việc trên máy tính, nhưng thầy không vào “phây”. Thực sự mà nói, thấy nhiều người lên “phây” đưa những thông tin nhảm nhí quá nên thầy hiếm vào. Thỉnh thoảng chỉ đưa lên đó vài bài viết giới thiệu cho mọi người đọc thôi”. Nghe tôi tâm sự như vậy, đa phần các em cụt hứng với facebook của “người thầy lạc hậu” này. Qua đó, tôi cũng tâm sự với các em về việc chơi “phây”. Các em cũng đồng tình với những gì tôi nói. Tuy nhiên, tôi cũng không biết các em “thực hành” như thế nào. Khi bạn bè, người thân gọi điện hỏi facebook của tôi, tôi liền nói tên “phây” của mình và cũng dặn trước rằng tôi hiếm khi vào đó. Có hôm người bạn hỏi, tôi nói: “Bây giờ tôi đang lên mạng đây. “Phây” trước mắt nhưng tôi không vào”. Và tôi cũng cho bạn biết lý do của mình, đó là lên mạng chỉ để nghe nhạc, sưu tầm những thước phim có giá trị giáo dục thiết thực để dạy cho học sinh hoặc lên mạng đọc những bài báo hay để nuôi dưỡng tâm hồn… Tôi không phải là người cứng nhắc, nhưng nếu lên “phây” vô tình đọc được những câu chữ, xem những hình ảnh phản cảm sẽ khiến cho bản thân “nhức đầu” thêm. Facebook là tốt. Facebook đâu có tội. Chỉ có con người có tội với nhau trên đó. Giá như qua facebook, người ta sống tốt đẹp hơn, văn minh hơn, nghĩa tình hơn thì tốt biết mấy. Đằng này, giá trị tốt đẹp ấy không được phát huy mà lại phát sinh nhiều điều xấu, điều ác. Để rồi… facebook để lại nỗi ám ảnh cho không ít người. Đừng để facebook trở thành nỗi đau và sự ám ảnh của người khác cũng như làm xấu hình ảnh do chính mình tạo ra. Thái Việt Hùng (GV Trường THCS – THPT Bác Ái, TP.HCM) |
Bình luận (0)