Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Góp ý kỳ thi THPT quốc gia: Ba cái lo cho kỳ thi 2016

Tạp Chí Giáo Dục

Trước kỳ thi THPT quốc gia 2016, có ba cái lo chính mà ngành giáo dục cần đặc biệt quan tâm là đề thi, coi thi và chấm thi.

Đề thi

Trước kỳ thi THPT quốc gia 2015 diễn ra, Bộ GD-ĐT đã thận trọng bằng cách đưa ra mẫu đề thi minh họa và lấy ý kiến xã hội để hoàn thiện. Sau khi nhiều địa phương tổ chức thi thử, xã hội lại chưa hết lo lắng về mức độ khó của đề thi khi kết quả thật “thảm hại”. Ở nhiều địa phương, có nhiều trường 100% học sinh thi thử có điểm thi rớt tốt nghiệp. Bộ GD-ĐT cũng đã hứa là sẽ điều chỉnh để giảm mức độ khó, tăng mức độ dễ nhằm hướng đến đối tượng xét tốt nghiệp. Lời hứa ấy đã được thực hiện khi hầu hết đề thi các môn lần này được cho là “dễ thở”, phần lớn thí sinh đều hoan hỷ sau khi làm bài. Và kết quả cũng khá cao ở tất cả các môn.

Thế nhưng, bên cạnh đó vẫn còn nhiều cái lo về kết quả làm bài, như: Phổ điểm cao mà tính phân loại thấp ở một số môn, gây khó khăn cho việc xét tuyển; một số đề thi quá mở, quá chú trọng kỹ năng mà xem nhẹ kiến thức chuyên môn, học sinh không cần mất công ôn luyện cũng có thể làm bài được… Điều này sẽ dẫn đến tác động xấu cho các mùa thi tới, hệ lụy cho việc học như học sinh ỷ lại, thiếu sự nỗ lực, thiếu cố gắng trong học tập…    

Thí sinh xem lại bài sau buổi thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015. Ảnh: N.Anh

Rõ ràng với một đề thi cho hai mục đích, cán cân sẽ dễ bị lệch nếu quá xem trọng một bên nào. Bài toán khó này Bộ GD-ĐT còn nợ lời giải cho kỳ thi năm nay!

Coi thi

Việc coi thi năm 2015 phân thành hai loại cụm, cụm do các trường ĐH chủ trì và cụm địa phương do các sở GD-ĐT đảm trách – chủ yếu để xét tốt nghiệp. Dư luận lại lo lắng về mức độ công bằng của nó, sợ rằng cụm thi ở địa phương coi thi thoáng hơn, dẫn đến bất công cho thí sinh trên cả nước. Nhưng điều đó đã không thấy xảy ra tiêu cực. Và chúng ta có quyền tin tưởng về sự nghiêm túc của nó. Thế nhưng niềm tin ấy có được duy trì lâu bền? Thái độ mạnh mẽ, cứng rắn, kiên quyết của lãnh đạo Bộ GD-ĐT và các cụm thi còn “lửa nhiệt huyết” cho kỳ thi 2016? Đó là những câu hỏi mà xã hội có quyền nghi hoặc. Hơn nữa, dù thi ở cụm nào thì thí sinh cũng phải qua cửa ải xét tốt nghiệp. Thế mà trong suốt kỳ thi THPT quốc gia 2015 đã có một áp lực quá lớn đè lên vai thí sinh thi ở cụm do các trường ĐH chủ trì. Nếu chịu khó so sánh thì có thể thấy ở cụm thi do sở GD-ĐT đảm trách, thí sinh có tâm lý thoải mái bao nhiêu thì ở cụm thi kia, cảm giác “hệ trọng”, nghiêm ngặt bấy nhiêu… Vì một lẽ đơn giản là hầu hết các cụm thi này xem mục đích chính là để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Cho nên việc coi và cả việc chấm thi đều hướng mục đích này. Điều này dễ tạo ra sự bất công cho thí sinh về áp lực tâm lý. Không chỉ ở phía thí sinh mà ở cả vai trò của người coi thi và chấm thi nữa.

Chấm thi

Trong ba cái lo, nỗi lo lệch điểm trong chấm thi là lớn nhất. Đây là “điệp khúc muôn thuở”. Nỗi lo này càng được nhân lên khi số lượng bài thi ở nhiều hội đồng chấm năm 2015 là rất lớn và 2016 chắc chắn sẽ tăng mà giám khảo chấm thì có hạn.

Với một đề thi cho hai mục đích, cán cân sẽ dễ bị lệch nếu quá xem trọng một bên nào. Bài toán khó này Bộ GD-ĐT còn nợ lời giải cho kỳ thi năm nay!

Năm 2015, nhận thấy điều này, dưới sự chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, các hội đồng chấm thi đã làm việc hết sức nghiêm túc. Tính nghiêm ngặt được tuân thủ tối đa. Từ nội quy phòng chấm đến quy trình khép kín qua các vòng chấm (2 vòng chính và thêm vòng 3 nếu điểm lệch trên mức cho phép), rồi công tác chấm thanh tra, việc thống nhất bài chấm, lên điểm… Điểm vượt trội nhất, tiện lợi cho người chấm so với năm trước, theo ý kiến các giám khảo, đó là để có độ chính xác cao, các phiếu chấm một số môn có kèm theo đáp án trả lời. Với quy trình như thế, nếu năm 2016 được phát huy, có thể an tâm phần nào về khâu chấm thi. Tuy nhiên, còn nhiều điều lo lắng cho sự công bằng của việc chấm thi. Thứ nhất là về nhân lực. Do số lượng bài thi quá lớn nên phải huy động tối đa nhân lực từ nhiều trường THPT lẫn ĐH, CĐ; từ thành phố lẫn địa phương tỉnh, từ giáo viên trực tiếp dạy lớp 12 cho đến giáo viên không chuyên dạy khối lớp này… Khác với trước đây, chỉ giáo viên dạy lớp 12 mới được chấm bài thi tốt nghiệp. Mặc dù – theo nhận định của Bộ GD-ĐT – phần lớn giám khảo đều có chuyên môn, nhưng tính chuyên nghiệp chấm thi thì chưa thật đảm bảo. Trong lúc đó, nhiều đáp án chấm đòi hỏi sáng tạo của thí sinh, nhất là các môn xã hội. Vì thế cần sự linh hoạt chứ không lệ thuộc hoàn toàn vào đáp án. Mà chỉ có giáo viên trực tiếp dạy khối lớp 12 này mới có sự đánh giá chính xác năng lực, kỹ năng… của đối tượng mình dạy. Cho nên dư luận có quyền nghi ngờ về bất công bằng này.

Rõ ràng, với những gì đạt được trong kỳ thi đổi mới năm 2015, ngành giáo dục còn nợ lại nhiều bài toán nan giải cho kỳ thi năm 2016 phía trước!

Trần Ngọc Tuấn (GV THPT tại TP.HCM) 

Bị áp lực về thời gian chấm

Việc Bộ GD-ĐT đưa ra thời gian kết thúc việc chấm thi, đã khiến hội đồng chấm phải rượt đuổi theo hạn định. Áp lực ấy đè lên vai giám khảo. Họ phải tăng tốc độ chấm, mà nhiều hội đồng chấm thì không khống chế số lượng của từng giám khảo trong từng buổi, từng ngày. Tâm lý chung là càng nhanh càng tốt. Đây chính là điểm lo lắng nhiều nhất về chất lượng chấm thi của kỳ thi năm nay! Vì thế, thiết nghĩ Bộ GD-ĐT nên tính đến phương án tổ chức thi hợp lý hơn (vào khoảng cuối tháng 6) để không phải chạy nước rút cho việc chấm thi, lên điểm…

 

Bình luận (0)