Ngày 11-12, Bộ GD-ĐT phối hợp với ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức tọa đàm lấy ý kiến đóng góp của các sở GD-ĐT, các trường ĐH-CĐ tại khu vực miền Nam và miền Trung cho dự thảo Khung trình độ quốc gia Việt Nam (VQF).
PGS-TS Trần Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TPHCM phát biểu tại tọa đàm
Xây dựng “xương sống” cho hệ thống đào tạo
Nhìn nhận vào thực trạng của hệ thống giáo dục, ông Trần Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT cho biết, đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học (ĐH), hầu hết các cơ sở đào tạo chưa tạo dựng được mối quan hệ chặt chẽ với thế giới việc làm. Chương trình đào tạo được phát triển dựa trên năng lực sẵn có của trường, chưa chú trọng đến yêu cầu của thế giới nghề nghiệp. Trong khi đó, nhà tuyển dụng cũng chưa chủ động tham gia vào quá trình đào tạo và hỗ trợ phát triển nghề nghiệp cho người học.
Để giải quyết những vấn đề tồn tại trên, trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực ASEAN và trên thế giới đã xây dựng, ban hành khung trình độ khu vực (EQF, AQRF) và khung trình độ quốc gia (NQF) của từng quốc gia, việc xây dựng Khung trình độ quốc gia Việt Nam (VQF) là hết sức cần thiết.
Theo ông Trần Anh Tuấn, NQF sẽ quy định các bậc của trình độ đào tạo, yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng, năng lực của người học, đồng thời yêu cầu khối lượng kiến thức và hệ thống các văn bằng, chứng chỉ của từng bậc học. NQF được xem như là căn cứ quan trọng để thống nhất hệ thống đào tạo, nâng cao chất lượng và hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và hợp tác quốc tế trong giai đoạn hiện nay.
Theo ông Nguyễn Văn Đường, Thư ký Ban soạn thảo Khung trình độ quốc gia Việt Nam, VQF được xây dựng với 4 nội dung cơ bản: bậc đào tạo, chuẩn đầu ra (kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và tự chịu trách nhiệm), khối lượng học tập (tích lũy theo tín chỉ), văn bằng tương ứng. Trong đó, hệ thống đào tạo của nước ta sẽ có 8 bậc: nghề bậc I (10 tín chỉ), II (20 tín chỉ), III (30 tín chỉ), trung cấp (40 tín chỉ), cao đẳng (60 tín chỉ), ĐH (120-180 tín chỉ), thạc sĩ (từ 30-60 tín chỉ) và tiến sĩ (90 tín chỉ). Phạm vi xác định chuẩn đầu ra của VQF gồm 7 tiêu chí: kiến thức lý thuyết, kiến thức thực tế, kỹ năng nhận thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp, năng lực tự chủ, trách nhiệm cá nhân.
Cần nhiều điều chỉnh
PGS-TS Thái Bá Cần, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng băn khoăn: “Cơ sở để ban soạn thảo xây dựng dự án này đó là luật. Trong khi đó, các văn bản và hệ thống luật của chúng ta hiện nay khá rối rắm. Vì vậy, trước tiên phải điều chỉnh lại luật (Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục Nghề nghiệp), sau đó ban soạn thảo cần phải có các chuyên gia ở từng lĩnh vực đào tạo thì làm việc sẽ chuẩn hơn. Chứ như dự thảo hiện nay còn rối và chưa rõ, không thể nào yêu cầu một người thạc sĩ lại có kỹ năng nghề nghiệp cao hơn với một anh kỹ sư được”. PGS-TS Thái Bá Cần cũng cho rằng nên xem xét lại việc có thêm một cơ quan để theo dõi, đánh giá liệu có cồng kềnh quá hay không khi khung trình độ quốc gia ban hành thì cả hệ thống đào tạo phải thực thi.
Nhìn một cách thận trọng hơn, TS Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng: “Việc xây dựng khung trình độ quốc gia là vấn đề sống còn đối với giáo dục – đào tạo. Do đó, phải rõ ràng và có sự cam kết của các thủ lĩnh đầu ngành gồm Bộ GD-ĐT, Bộ LĐTB-XH, Bộ Tài chính”.
Một vấn đề mà ban soạn thảo chính thức “xin lỗi” các trường y, đó là chương trình đào tạo bác sĩ chuyên khoa 1, bác sĩ chuyên khoa 2 vắng bóng trong 8 bậc của khung trình độ quốc gia. Lý do mà ban soạn thảo nêu ra là qua tham khảo các khung trình độ của thế giới cũng như trong khu vực, đồng thời các quy định của luật hiện hành thì hai chương trình đào tạo này không thể đưa vào. PGS-TS Trần Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TPHCM, phân tích: “Sinh viên ngành y đa khoa học 6 năm ra trường, hưởng mức lương chỉ bằng những sinh viên học 4 năm, học bác sĩ chuyên khoa I thêm 2 năm (như học thạc sĩ) nhưng lại không được xếp trong khung trình độ quốc gia, hóa ra là các trường y đào tạo lậu sao? Như vậy là không công bằng với chương trình bác sĩ chuyên khoa I và II. Do đó, tôi đề nghị ban soạn thảo nên nghiên cứu và xem xét lại cho hợp lý”.
Theo Bộ GD-ĐT, khung trình độ quốc gia được xây dựng dựa trên khung tham chiếu các trình độ của các nước trong khu vực và tham khảo các chuẩn chất lượng của quốc tế. Do đó, khi thực hiện theo khung trình độ quốc gia sẽ đảm bảo sự minh bạch về chất lượng đào tạo, sự liên thông giữa các bậc đào tạo dễ dàng, thúc đẩy việc trao đổi sinh viên và lao động. Trong đó, điểm nổi bật là hệ thống văn bằng, chứng chỉ nghề nghiệp được các quốc gia trong khu vực và quốc tế công nhận. |
THANH HÙNG/SGGP
Bình luận (0)