Tối hôm qua, tôi nhận được điện thoại của chị phụ huynh, chị lo lắng nói: “Chết rồi, thằng con chị nó yêu con nhỏ kia. Chị phát hiện nó hay nhắn tin, chát chít, còn thường xuyên dẫn con bé đi ăn chè, uống nước. Chị quyết định cắt hết viện trợ, không cho học thêm gì nữa, không phây không mail gì hết. Chị cấm dùng điện thoại luôn. Nó không đồng ý, viện cớ điện thoại để hỗ trợ học hành. Chị đòi sống đòi chết, nó cũng đem điện thoại về giao rồi nhưng chị không an tâm lắm. Nó học dưới phố, chị ở quê thì làm sao theo dõi được. Em có cách nào giúp chị với!”. Tôi chưa kịp nói gì thì chị tiếp: “Chị sợ như vụ thằng D., còn con nít mà đua đòi yêu đương để con người ta dính bầu rồi phải bỏ học làm bố… Chị lo quá, có khi chị kéo nó về quê, không cho học hành gì luôn. Chứ giờ mình chu cấp tiền bạc, nó cứ dùng vào chuyện yêu đương, em thấy chết không?”.
Nhắc lại chuyện em D., tôi còn đau lòng. D. có học lực giỏi nhưng sớm vướng vào chuyện tình cảm. Rung động đầu đời mà em cho là tuyệt đẹp lại bị bố mẹ gọi là vớ vẩn rồi cấm đoán. Khi bị quản lý chặt chẽ, em chống đối quyết liệt, kết quả là bỏ học ở lớp 11, dắt người yêu đi “bụi”. Rồi gia đình phải chịu thua bằng một cái đám cưới vì “sự đã rồi”. Tôi sợ con trai chị phụ huynh đang là học sinh giỏi lớp 12 lại đi vào vết xe đổ đó nên nói: “Bình tĩnh chị ơi, chỉ là rung động đầu đời thôi, chị cấm cản quá em ấy sẽ phản ứng mạnh hơn đó. Tuổi trẻ nông nổi lắm!”. Chị ngắt lời tôi: “Trời ơi, con trai chị ăn chưa no lo chưa tới thì biết cái gì mà yêu đương. Tại anh chị cưng chiều quá mà đổ đốn ra đấy. Anh chị thống nhất rồi, phải mạnh tay với nó mới được. Ngày mai nó về đây, sẽ nát đòn với bố nó, ổng hăm he rồi”.
Chị phụ huynh lo chuyện con yêu sớm, ảnh hưởng đến việc học hành là hoàn toàn chính đáng. Nhưng tôi một hai khuyên chị, mình cũng từng trải qua tuổi dậy thì rồi nên biết, rung động đầu đời là chuyện không thể cấm được. Tất cả những chuyện về bạn bè khác giới, quý mến, nhơ nhớ, ghép đôi… đều là chuyện thường tình của tuổi học trò. Tôi khuyên chị nên bình tĩnh đón nhận và chủ động gợi mở để con trò chuyện, qua đó hiểu được con đang nghĩ gì, muốn gì, tâm lý phát triển ra sao mà kịp thời nhắc nhở, định hướng thay vì kịch liệt phản đối, kiểm soát gắt gao để rồi phải đối mặt với hậu quả đáng tiếc.
Tôi cũng chia sẻ với chị về chuyện cháu trai tôi yêu đương. Khi mẹ cháu phát hiện bao cao su trong tủ học thì lu loa om sòm, phản đối kịch liệt để rồi cháu phẫn uất bỏ nhà đi, khi về lại nhà thì cánh cổng trường cũng khép.
Các ông bố bà mẹ hãy nghĩ thoáng một chút đi. Chúng ta cũng từng đi qua tuổi trẻ, thời học trò cũng từng yêu, có điều thời đại của chúng ta khác nên kiểu yêu cũng khác. Vậy thì sao chúng ta phải cấm trẻ yêu? Hãy chấp nhận sự khác biệt trong cách yêu của con trẻ và hãy làm bạn với con. Thiết nghĩ, việc con yêu có an toàn và lành mạnh hay không là phụ thuộc vào sự định hướng khéo léo, tế nhị của bố mẹ.n
Nguyễn Thị Bích Nhàn
(Trường THCS và THPT Võ Văn Kiệt,
Sông Hinh, Phú Yên)
Bình luận (0)