Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Quy hoạch và phát triển nguồn nhân lực: Không chỉ là bài toán số lượng

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Phú Lâm thực hành sơn ô tô. Ảnh: M.Tâm

Quy hoạch và phát triển nguồn nhân lực là một yêu cầu cấp thiết để phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tính đến thời điểm này có 59/63 tỉnh, thành trên cả nước đã xây dựng quy hoạch nhân lực cho ngành, địa phương mình. 
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, công tác triển khai quy hoạch phát triển nhân lực đã cơ bản được thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương. Hiện cả nước có 29/31 bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 59/63 tỉnh, thành đã có quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã xây dựng “Bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển nhân lực phục vụ việc giám sát thực hiện chiến lược và quy hoạch phát triển nhân lực”…
Về công tác đào tạo theo nhu cầu xã hội, đến nay, Bộ GD-ĐT cũng đã xây dựng xong các cơ chế, chính sách liên quan như ban hành thông tư quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, ĐH, CĐ, TCCN; xác định chính sách ưu tiên cử tuyển cho học sinh tốt nghiệp THPT thuộc 62 huyện nghèo trong cả nước; xây dựng đề án về đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật bằng ngân sách Nhà nước… Bộ GD-ĐT cũng đã tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006-2020… Hiện tại, Bộ GD-ĐT cũng đang tổng hợp nhu cầu đào tạo theo địa chỉ từ các địa phương gửi về và sau đó sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ sở giáo dục để triển khai thực hiện.
Trong Hội nghị trực tuyến với các địa phương về quy hoạch nguồn nhân lực và đào tạo theo nhu cầu xã hội, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị trong thời gian tới Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH sớm xây dựng, hoàn thiện và khẩn trương ban hành danh mục tiêu chí, tiêu chuẩn và hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật của loại hình dịch vụ giáo dục ĐH để làm cơ sở đặt hàng, giao nhiệm vụ, đánh giá chất lượng dịch vụ cung cấp. Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT chỉ đạo sở GD-ĐT các tỉnh, thành thống kê số lượng sinh viên tốt nghiệp ĐH chưa có việc làm, trên cơ sở đó có phương án giúp cho số sinh viên này tìm kiếm được việc làm.
Tuy nhiên, làm thế nào để lao động đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lại là cả một vấn đề. Theo báo cáo của Cục Nhà giáo (Bộ GD-ĐT), hiện chỉ có 1% giảng viên là giáo sư, tỉ lệ phó giáo sư là 4,5%. Trong khi tính toán của Bộ GD-ĐT, tỉ lệ giáo sư, phó giáo sư trong các cơ sở giáo dục ĐH phải đạt lần lượt 15% và 35% mới đáp ứng nhu cầu đào tạo của đất nước.
Bên cạnh đó, ở nhiều ngành trong các trường ĐH, ngay cả tiến sĩ cũng chưa có chứ không nói đến phó giáo sư, giáo sư. Báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội trước đó cũng cho thấy trong số hơn 61.000 giảng viên ĐH, CĐ, hiện mới có 6.200 tiến sĩ (10%), gần 23.000 thạc sĩ (37%). Số giảng viên có trình độ ĐH, CĐ hiện vẫn chiếm tới hơn 31.000 (xấp xỉ 50%).
Hơn nữa, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, có khá nhiều môn học, ngành học mới xuất hiện, điều này đòi hỏi có một giáo trình, chương trình học phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, chương trình lý thuyết trong giáo dục ĐH luôn đi sau thực tế một bước khá dài, khiến sinh viên mệt mỏi, hoang mang trong việc chọn ngành, chọn trường và chọn công việc.
Làm thế nào để khi các bộ, ngành, các địa phương xây dựng xong bản kế hoạch quy hoạch và phát triển nhân lực, các trường ĐH, CĐ, TCCN đào tạo ra các sản phẩm của mình, cung và cầu có thể gặp nhau? Câu hỏi này không dễ trả lời. Bởi hiện nay, chỉ tiêu tuyển sinh của các ngành trong các trường được Bộ GD-ĐT dựa trên điều kiện đáp ứng giảng dạy (cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên) chứ chưa dựa nhiều trên nhu cầu thực tế của các ngành. Điều đó đã dẫn đến tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm hoặc phải làm trái ngành. Điều này một lần nữa cho thấy, song song với việc quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, Bộ GD-ĐT cũng cần phải quy hoạch lại mạng lưới các trường ĐH, CĐ, TCCN và quy hoạch lại cách giao chỉ tiêu cho các trường.
Nghiêm Huê
Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, trước ngày 30-6-2012 các bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành bản quy hoạch nguồn nhân lực, tuy nhiên, đến nay Viện Khoa học xã hội Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Ninh và Quảng Trị vẫn chưa hoàn thành bản quy hoạch này. 
Nói về sự chậm trễ của mình, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị thừa nhận tỉnh chưa dành thời gian tương xứng cho việc này. Riêng tỉnh Quảng Ninh thì cho biết do tỉnh thuê chuyên gia nước ngoài lập quy hoạch nhưng chưa chọn được đối tác nên chưa có  bản kế hoạch như yêu cầu của Thủ tướng. 
 
 

Bình luận (0)