Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cá chết, ô nhiễm biển diện rộng, bồi thường thế nào?

Tạp Chí Giáo Dục

Formasa đã thừa nhận gây ra sự cố môi trường biển, làm cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung và chấp nhận bồi thường. 

Cá chết, ô nhiễm biển diện rộng, bồi thường thế nào?
Ngư dân xã Lộc Vĩnh, Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế đưa thuyền và ngư cụ vào nằm bờ do sự cố cá chết – Ảnh: Minh An

Nhưng những thiệt hại từ những làng chài, thiệt hại về môi trường sinh thái biển, thiệt hại về du lịch, xuất khẩu hải sản… sẽ được bồi thường bằng cách nào?

Cần phải lập hội đồng xác định thiệt hại

Đó là ý kiến của luật sư Nguyễn Minh Tâm, Đoàn luật sư TP.HCM. Luật sư Tâm cho rằng việc cá chết và nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường từ Formosa đã diễn ra cách gần ba tháng. Để yêu cầu pháp nhân này bồi thường thì cần phải xác định được thiệt hại từ nguyên nhân xả thải.

Do đó, luật sư Tâm cho rằng cần phải lập nhiều hội đồng để xác định thiệt hại đối với việc xả thải gây ô nhiễm môi trường của Formosa.

Bởi, ô nhiễm này không chỉ là nhìn thấy cá chết ở khoảng cách 20 hải lý tính từ bờ khiến hàng ngàn ngư dân mất việc, nhiều làng chài lâm vào cảnh điêu đứng, thiếu ăn, mà còn là sự điêu đứng của nhiều công ty du lịch khi khách hủy tour đến miền Trung, nhiều nhà hàng rơi vào cảnh vắng vẻ, và đương nhiên việc kinh doanh, buôn bán hải sản sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Do đó, không thể dựa vào sự tính toán của một cá nhân, hoặc một tổ chức để đưa ra mức bồi thường thiệt hại, mà cần phải thành lập những đoàn chuyên gia để đánh giá về thiệt hại này. Thậm chí cả phương án khôi phục môi trường biển như thế nào cũng là thiệt hại cần phải được tính đến.

Hội đồng xác định thiệt hại do thảm họa môi trường này sẽ bao gồm các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực và phải làm việc nghiêm túc và cẩn trọng để xác định được từng thiệt hại cụ thể, trong đó có những thiệt hại rất lâu dài.

Ai sẽ được nhận bồi thường?

Đương nhiên đó là những người trực tiếp thiệt hại từ thảm họa môi trường này, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên đại biểu Quốc hội, nêu ý kiến.

Bà Thu cho rằng dù có bồi thường bao nhiêu tiền đi chăng nữa cũng không thể trả lại ngay được môi trường biển trong lành như trước đây.

Người bị thiệt hại đầu tiên phải kể đến là những ngư dân bị ảnh hưởng trực tiếp từ thảm họa này, họ là những người không được ra khơi và đang nhận gạo trợ cấp từ Chính phủ, sau nữa là đến các cá nhân, tổ chức khác.

“Nhưng theo tôi, vì thiệt hại này trên diện rộng nên việc xác định thiệt hại sẽ còn khó khăn. Bởi vậy, Chính phủ có thể thay mặt những cá nhân, pháp nhân bị thiệt hại để nhận tiền bồi thường, sau đó Chính phủ dùng tiền đó để chăm sóc, phục hồi môi trường biển và chăm lo cho đời sống ngư dân” – bà Thu nói.

Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Minh Tâm cũng cho rằng Chính phủ hoàn toàn có thể nhận tiền bồi thường này rồi trao lại cho những cá nhân, pháp nhân đã bị thiệt hại.

Tuy nhiên, việc trao trả tiền bồi thường này phải được tính toán trên cơ sở khoa học và thiệt hại thực tế, đối với những cá nhân không thể tiếp tục những công việc liên quan đến biển thì họ cần phải được đào tạo và hỗ trợ tìm những công việc mới phù hợp và đảm bảo sinh kế cho gia đình và con cái. Để làm được điều này, cần có sự chung tay của nhiều tổ chức, cá nhân cùng nghiên cứu và vào cuộc chứ không chỉ là quyết định của một người hoặc một nhóm người.

“Thiệt hại này là thiệt hại của từ nay về trăm năm sau chứ không chỉ là thiệt hại vì bát cơm của ngư dân ven biển hôm nay bị mất” – luật sư Tâm nói.

PGS.TS Đỗ Văn Đại (trưởng khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM):

Hai đối tượng được bồi thường

Khi đã đủ cơ sở khẳng định Formosa gây ô nhiễm môi trường làm cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung, theo tôi, việc bồi thường thiệt hại được tiến hành như sau: 

Về thiệt hại đối với môi trường, do cá chết ở nhiều tỉnh nên Bộ Tài nguyên và môi trường có trách nhiệm yêu cầu bồi thường. Bởi lẽ, theo nghị định số 03/2015/NĐ-CP ngày 6/1/2015 về xác định thiệt hại đối với môi trường, “Bộ Tài nguyên và môi trường có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên”.

Liên quan đến thiệt hại được bồi thường, nghị định trên xác định “Việc tính toán thiệt hại đối với môi trường căn cứ vào chi phí khắc phục ô nhiễm, suy thoái và phục hồi môi trường tại nơi xảy ra ô nhiễm, suy thoái để đạt các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đối với chất lượng môi trường nước, chất lượng môi trường đất; chi phí để phục hồi hệ sinh thái và loài được ưu tiên bảo vệ về bằng hoặc tương đương với trạng thái ban đầu”.

Về chủ thể bồi thường, nghị định trên theo hướng “Tổ chức, cá nhân làm môi trường bị ô nhiễm, suy thoái phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đối với môi trường do mình gây ra, đồng thời phải chi trả toàn bộ chi phí xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại cho cơ quan đã ứng trước kinh phí”.

Đối với việc sử dụng khoản tiền bồi thường thu được từ theo các quy định trên, nghị định đã quy định khá cụ thể với nội dung theo đó “Trường hợp ô nhiễm, suy thoái xảy ra trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên thì khoản bồi thường thiệt hại sau khi trừ chi phí xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại được chuyển về Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam để đầu tư khắc phục ô nhiễm, suy thoái và cải tạo môi trường nơi xảy ra ô nhiễm, suy thoái”.

Về thiệt hại cho tổ chức, cá nhân do ô nhiễm môi trường gây ra, việc làm ô nhiễm môi trường có thể gây thiệt hại cho những tổ chức, cá nhân cụ thể. Đối với loại thiệt hại riêng biệt này, cơ chế bồi thường khác cơ chế nêu trên và nghị định trên cũng đã khẳng định: “Việc xác định thiệt hại và bồi thường thiệt hại đối với sức khỏe, tính mạng của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của môi trường bị ô nhiễm, suy thoái được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự”.

Thực tế, Điều 624 Bộ luật dân sự năm 2005 đã quy định “Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp người gây ô nhiễm môi trường không có lỗi”.

Áp dụng quy định trên, cá nhân và tổ chức nào chứng minh được mình bị thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra thì được bồi thường theo nguyên tắc “Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ” (Điều 605 Bộ luật dân sự). Lúc này thiệt hại bao nhiêu được bồi thường bấy nhiêu.

Trong trường hợp cá nhân và tổ chức bị thiệt hại và doanh nghiệp làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại không thể thỏa thuận được với nhau về việc bồi thường, cá nhân và tổ chức bị thiệt hại có thể yêu cầu tòa án giải quyết bồi thường.

 
HOÀNG ĐIỆP/TTO

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)