Hiện nay có quá ít học sinh theo đuổi ngành toán học. Ảnh: Anh Khôi
|
Bộ GD-ĐT vừa tổ chức tuyên dương học sinh giỏi quốc tế. Nhưng sự động viên, khuyến khích đó mới chỉ là “bề nổi” của tảng băng chìm. Bởi để phát huy được hết tiềm năng của những tấm huy chương này không phải chỉ là những tấm bằng khen.
Loay hoay tìm đường… du học
Đậu Hải Đăng, chàng trai vàng của đội tuyển toán học Việt Nam trong kỳ thi Olympic toán học quốc tế 2012 hiện đang là sinh viên ngành toán, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Cách đây gần tháng, tình cờ tiếp xúc với một người cũng từng đoạt huy chương tại kỳ thi Olympic toán quốc tế của Việt Nam, Đăng mới biết mình quá chậm so với các bạn cùng trang lứa. Cụ thể, trong khi Đăng và các bạn trong đội tuyển mải mê theo đuổi những tấm huy chương thì các bạn đã “săn” tìm học bổng từ đầu năm lớp 12. Chính vì thế, nhiều bạn đã ung dung ra nước ngoài du học còn Đăng giờ mới bắt đầu tìm kiếm cơ hội. Kế hoạch của Đăng là đến năm 2014 “xuất ngoại”. Bởi hiện tại, Đăng mới bắt đầu học tiếng Anh và nếu thuận buồm xuôi gió thì phải đến 2013 bạn mới nộp được hồ sơ và tất nhiên là phải 2014 mới đi được. Tương tự, Nguyễn Hùng Tâm (đoạt huy chương bạc), cùng đội tuyển Olympic toán với Đăng, cũng đang tìm kiếm con đường đi riêng của mình. Tâm hiện đang học Khoa Kinh tế đối ngoại Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội. Bạn đang nỗ lực nộp hồ sơ để tìm suất học bổng du học tại các trường ĐH của Mỹ và Singapore bằng thực lực của mình.
Không chỉ có Đăng và Tâm, theo PGS. toán học Vũ Đình Hòa (Viện Toán học Việt Nam), đa số các học sinh đoạt huy chương tại các kỳ Olympic quốc tế và khu vực đều muốn được đi du học và mong có nguồn tài trợ từ nước ngoài. Bởi thực tế cho thấy, hiện nay, du học bằng ngân sách Nhà nước có Đề án 322 thì đã tạm dừng, còn Đề án 911 được phê duyệt ngân sách nhưng lại ưu tiên đào tạo tiến sĩ. Chính vì vậy, cơ hội cho những học sinh đoạt huy chương tại các kỳ Olympic là rất ít. Và cách tốt nhất để có được một tấm vé đi du học, các học sinh này phải tự tìm kiếm.
Có một thực tế là hiện nay, đối với những học sinh đoạt huy chương quốc tế, các địa phương đều có chính sách đãi ngộ rất cụ thể và thiết thực. Tuy nhiên, theo thầy Kim Ngọc Chính, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa), chính sách chung của Nhà nước chưa có gì nổi bật ngoài việc các em đoạt giải quốc tế được du học bằng ngân sách. Năm nay, đến bây giờ, Bộ GD-ĐT vẫn chưa có bất kỳ thông báo nào cho việc du học bằng ngân sách đối với học sinh đoạt huy chương quốc tế.
Cần môi trường làm việc thật
Trong số 6 thành viên của đội tuyển Olympic toán năm nay, ngoài một thành viên đang học lớp 12, còn lại chỉ có 2/5 thành viên tiếp tục lựa chọn con đường toán học. Đó là Nguyễn Phương Minh – học ngành toán Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Đậu Hải Đăng – học ngành toán Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Nhưng con số 2/5 vẫn được coi là nhiều so với những năm trước và đó là tín hiệu đáng mừng. Là người theo sát các em trong quá trình ôn luyện và đi thi, PGS. Vũ Đình Hòa cho biết trong quá trình lựa chọn nghề nghiệp, các em có trao đổi với ông. Nhưng ông cho rằng, phần nhiều là do các em tự quyết vì không có gì tốt bằng chính bản thân các em biết mình theo đuổi cái gì để có khả năng để đạt đến đỉnh cao nhất. “Tôi nghĩ toán học là ngành khoa học cơ bản, nên ai giỏi toán cũng đều có thể bước sang ngành khác. Hiện tượng này đã có từ lâu và cũng đã xảy ra với nhiều người” – PGS. Hòa khẳng định. Tuy nhiên, ông cũng không khỏi băn khoăn khi nói lên cảm xúc thật của mình: Bất cứ ngành nào cũng muốn có người giỏi để phát triển. Và ai cũng hiểu được rằng lựa chọn của giới trẻ là “thực tế hơn”.
Không chỉ chia sẻ những vấn đề liên quan đến “đam mê và thực tế”, PGS. Hòa còn đề cập vấn đề đãi ngộ người tài. Ông cho biết, qua gặp gỡ và tiếp xúc với rất nhiều học sinh từng đoạt huy chương vàng, huy chương bạc quốc tế… ông nhận thấy, ở lại nước ngoài làm việc không phải ai cũng sống trong “chăn ấm nệm êm”. Có rất nhiều người vất vả, cuộc sống khó khăn nhưng họ vẫn không về nước. Vì ở đó họ được làm việc thật sự. Còn ở Việt Nam, PGS. Hòa đưa ra ví dụ ngay trong trường học, có những giáo viên một tuần chỉ dạy vài ba tiết nhưng vẫn bận cả tuần vì phải làm những việc không tên, không phục vụ gì cho chuyên môn nghiệp vụ. “Lương là một vấn đề quan trọng nhưng đó không phải là yếu tố quyết định” – PGS. Hòa đúc kết.
Như vậy, việc trả lương cao hay thấp thì cũng đều nằm trong tổng thể. Tổng thể này nằm ở tầm nhìn chiến lược, cách điều hành công việc của mỗi quốc gia.
Nghiêm Huê
Bất cứ ngành nào cũng muốn có người giỏi để phát triển. Và ai cũng hiểu được rằng lựa chọn của giới trẻ là “thực tế hơn”. |
Bình luận (0)