Các bệnh viện tuyến trên luôn trong tình trạng quá tải. Ảnh chụp tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM |
Ngày 2-11, tại TP.HCM, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị xây dựng quy hoạch phát triển hệ thống y tế đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Qua các ý kiến cho thấy, ngành y tế nước ta hiện nay còn nhiều bất cập. Nguyên nhân chính là do việc đầu tư dàn trải, thiếu tập trung…
“Đẻ nhiều nên con suy dinh dưỡng”
Qua báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, thực trạng hệ thống y tế nước ta còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Nguyên nhân chính của sự yếu kém này, một phần không nhỏ là bởi: “Đẻ con nhiều nên “đứa” nào cũng suy dinh dưỡng”, GS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Trên thực tế, chỉ riêng y tế dự phòng (YTDP), cả nước đã có cả ngàn cơ sở. Tuyến TW có 15 viện và trung tâm; tuyến tỉnh có 63 trung tâm YTDP, 63 chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm, 62 trung tâm phòng chống HIV/AIDS, 13 trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế, 27 trung tâm phòng chống sốt rét, 23 trung tâm phòng chống bệnh xã hội, 8 trung tâm sức khỏe lao động và môi trường… Ngoài ra còn có trên 700 trung tâm y tế huyện.
Theo PGS.TS Phạm Lê Tuấn – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế: “Cơ sở vật chất của hệ thống YTDP còn chật hẹp. Tuyến tỉnh có 80% trung tâm YTDP cần nâng cấp sửa chữa và xây mới. Tuyến huyện hầu hết chưa có cơ sở làm việc. Trang thiết bị còn thiếu nhiều, đặc biệt là các trang thiết bị sử dụng trong công tác xét nghiệm, chẩn đoán. Có trên 70% trung tâm YTDP tuyến tỉnh chỉ đạt dưới 35% danh mục trang thiết bị xét nghiệm so với chuẩn quốc gia. Nhân lực cho YTDP thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng, tuyến huyện chỉ đáp ứng được trên 41%, tuyến tỉnh là 54%, tuyến TW là 77% so với nhu cầu”. Đối với các cơ sở khám chữa bệnh (bệnh viện, phòng khám, trạm y tế) tương đối khang trang. Nhưng cũng chỉ là cái vỏ, bên trong thiếu trang thiết bị, nếu có cũng chỉ “nằm đắp chiếu” vì thiếu nhân lực.
“Khảo sát một số nơi cho thấy, cách trạm y tế xã chỉ 1km là phòng khám đa khoa khu vực, cách phòng khám 1km là tới bệnh viện huyện. Cả 3 nơi đều không có bệnh nhân. Trong khi đó các bệnh viện tuyến trên lại quá tải, muốn mở rộng thêm 1-2m2 diện tích cũng khó. Nhiều tỉnh đua nhau mở bệnh viện sản, bệnh viện nhi. Trong khi bác sĩ chuyên khoa thì thiếu, rồi lấy bác sĩ đa khoa sang làm chuyên khoa. Hậu quả là chẩn đoán bệnh sai, xảy ra tai biến cho người bệnh. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ quy định bao nhiêu dân số/tỉnh, thành thì địa phương mới được mở bệnh viện sản, bệnh viện nhi. Việc đầu tư sẽ theo khu vực, vùng, không dàn trải như hiện nay nữa…”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bức xúc.
“Xóa mù” cho y tế biển, đảo
Nước ta hiện có 28 tỉnh, thành phố ven biển, trong đó có 151 quận, huyện, thị xã với 637 xã, phường tiếp giáp trực tiếp biển và 65 xã đảo. Dân số của các phường, xã tiếp giáp biển khoảng 16,8 triệu người, dân số các huyện đảo khoảng 242 ngàn người.
Hiện nay mô hình tổ chức mạng lưới y tế ở các tỉnh, thành phố ven biển không có sự khác biệt so với các địa phương khác, không có bộ phận chuyên trách quản lý Nhà nước về y tế biển đảo. Theo số liệu điều tra năm 2012 của Viện Chiến lược và chính sách y tế cho thấy: Về cơ sở vật chất, chỉ có 33,6% trung tâm y tế huyện được xây mới, 31,1% chưa có cơ sở riêng, 35,3% cần xây mới, nhiều trạm bị xuống cấp nhanh. Nguồn nhân lực y tế còn gặp nhiều khó khăn, cán bộ có trình độ thì chuyển lên tuyến trên hoặc bỏ việc để đến địa phương khác, chỉ có 46,7% trạm y tế xã đảo có bác sĩ. Số lượng nhân lực cần bổ sung khoảng 1.563 bác sĩ và 265 dược sĩ ĐH.
“Hệ thống y tế nhân dân vùng biển, đảo hiện nay vừa thiếu, vừa chưa đủ năng lực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe quân và dân trên biển, đảo”, TS. Nguyễn Hoàng Long (Bộ Y tế) khẳng định.
Hậu quả là tỷ lệ các thành viên trong một hộ gia đình trên các huyện đảo có ít nhất một bệnh chiếm 70,5%. Các nghiên cứu cho thấy, nhóm ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ có tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch (33,5%), tiêu hóa (35,1%), bệnh xương khớp (36,1%), viêm đường hô hấp trên (13,4%), giảm thị lực (24,2%), bệnh ngoài da (khoảng 19%)… cao hơn nhiều so với những người sống trong đất liền. Ngoài ra, các thủy thủ, ngư dân có tỷ lệ mắc bệnh răng miệng là 37,1-48,2%), trong khi nhóm lao động trên đất liền là 22,8-32%; suy giảm sức nghe chiếm 10,2%. Không chỉ có vậy, các trường hợp cấp cứu từ biển, đảo khi chuyển đến đất liền thường không kịp thời, ở giai đoạn muộn của bệnh. Thậm chí có không ít trường hợp trong tình trạng nặng do chẩn đoán sai hoặc vận chuyển không kịp thời.
Nhằm tạo sự công bằng trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế của người lao động, quân và dân đang công tác, làm ăn, sinh sống trên biển đảo, Bộ Y tế đã xây dựng đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020”. Theo đó, trước mắt sẽ đầu tư mới 1 trung tâm vận chuyển cấp cứu, 1 tàu bệnh viện, đầu tư hệ thống truyền thông – giáo dục sức khỏe. Về lâu dài, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho y tế biển, đảo…
Bài, ảnh: Hòa Triều
Bình luận (0)