Cô sợ nhất sự xưng tụng, ngợi ca. Tôi biết, khi con người ta sống, với đúng nghĩa của từ này, họ không mảy may cần những lời lẽ phù phiếm kia. Và tôi cũng không có tham vọng kể hết những việc cô đã làm trong suốt mấy chục năm qua, kể từ khi tôi biết cô, để chứng minh cho điều gì cả. Nhưng ở cô, tôi nhận thấy tất cả những phẩm chất cần thiết cho một con người, một nhà giáo mẫu mực, để sống. Cô là Châu Thúy, giáo viên dạy môn ngữ văn, Trường THPT An Lão – một ngôi trường vùng cao của tỉnh Bình Định…
Cô Châu Thúy (thứ hai từ phải sang cùng các đồng nghiệp) |
Cô Châu Thúy, sinh năm 1972, có gần 25 năm gắn bó với Trường THPT An Lão. Cô không lớn hơn tôi nhiều tuổi. Tôi cũng chưa và có lẽ sẽ không bao giờ xem cô là thần tượng, theo cách mà người ta vẫn nói về người mà họ ngưỡng mộ. Đối với tôi, đơn giản, đó là một đồng nghiệp, một người chị, một người bạn gần gũi, thân thương. Đó là một con người đã đem lại cho tôi nhiều cảm giác “sống” nhất.
Một vài lần, tôi vô tình nghe những câu chuyện hành lang, rằng con người này sống “không chạm chân xuống mặt đất”. Tôi hiểu. Vì giờ, xung quanh, còn mấy ai sống như cô.
Cách đây gần 20 năm, ngày tôi vừa trở thành đồng nghiệp của cô, cô thủ thỉ: “Với mình, thì lũ học trò nhỏ là quan trọng nhất. Cố mà làm thế nào để đừng bao giờ phải hổ thẹn trước chúng nó! Đó là lòng tự trọng nghề nghiệp. Em ạ!”. Cũng chừng ấy năm, đến tận bây giờ, cô luôn trăn trở với nghề. Làm sao để mỗi bài giảng đều có chiều sâu, thấm vào tâm hồn mọi đứa trẻ, làm thế nào để uốn nắn cho từng lời nói, hành động thiếu suy nghĩ của một cô cậu học trò, có cách nào cảm hóa một học sinh bị xem là hư mà cả nhà trường đã bất lực trong nỗ lực giáo dục… Cô hỏi học sinh cũng là tự hỏi chính mình: “Sao các con không chịu lớn!”. Những câu hỏi với chữ “tâm” đó là động lực để cô không ngừng tìm tòi, phấn đấu. Cô đã rút ruột cho bao thế hệ học sinh. Nguyễn Trọng Nghĩa, Lê Minh Nguyên (cựu học sinh Trường THPT An Lão – lớp cô Thúy chủ nhiệm), tâm sự với tôi rằng: Câu hỏi của cô Thúy luôn khiến các em phải suy nghĩ và từ đó luôn cố rèn giũa mình hàng ngày để có thể trưởng thành hơn. “Có lần cô Thúy nói đã tìm thấy và trải qua trong thế giới của những cô cậu học trò tất cả mọi cung bậc cảm xúc, vui, buồn, giận, lo lắng, tổn thương, hy vọng… Và, cô hạnh phúc trong thế giới ấy”, Trọng Nghĩa nhớ lại.
Những năm tháng đầu tiên vào nghề, chính tôi gặp rất nhiều khó khăn trong cả cuộc sống và công việc, thậm chí có lúc tưởng như bế tắc. Bởi vì tôi thiếu niềm tin. Và cô Thúy đã đến bên tôi: “Em à, có lần chị đọc đâu đó người ta viết đại ý rằng hãy thắp sáng một ngọn nến, đừng nguyền rủa bóng đêm. Em có hiểu không!”. Cô là người lạc quan. Cô có niềm tin. Cô luôn nhìn thấy trong những nơi tưởng là tăm tối nhất thứ ánh sáng đẹp của cuộc đời.
Ở Trường THPT An Lão, không riêng gì tôi, cô Thúy cũng đã đến bên rất nhiều giáo viên trẻ mới vào nghề với tất cả lòng nhiệt thành như thế. “Nhờ cô Thúy, em hiểu ra mình cần phải sống thật sự, có ý nghĩa, ở một phương diện nào đó, chứ không phải quẩn quanh trong cái vòng nhàm chán”, cô Nguyễn Thị Mỹ Hạnh – một giáo viên của trường chia sẻ.
Sống, chỉ có một. Thế mà, ai đó còn phân biệt sống thật, sống giả. Cô bảo tôi: “Mình mong đem lại cho ai đó điều gì. Và khi thực hiện được, mình thỏa mãn, mình hạnh phúc. Đó chẳng phải là mình sống cho chính bản thân mình sao em!”. Bất giác, tôi liên tưởng đến một lý thuyết. Phải chăng khi người ta cho đi cũng là lúc người ta nhận lại được rất nhiều. Thực sự, cô đã làm đúng như thế. Cô hăm hở, xốc xáo giúp mọi người bất kỳ việc gì có thể, xông vào những chỗ, những việc bị người ta chê là khó, là khổ. Không ít lần, cô Thúy bị tổn thương, thậm chí rất nghiêm trọng. Nhưng cô nhanh chóng vượt qua tất cả. Tôi thấy, thường thì cô luôn làm được rất nhiều bởi cô là một giáo viên giàu năng lực, nếu không muốn nói là đa tài. Cô giỏi chuyên môn, bao thế hệ học sinh đã yêu thích học văn nhờ những bài giảng bằng tất cả trái tim của cô. Nhiều cựu học sinh của trường như Ngọc Hân, Thảo Nguyên, Thanh Thanh… đã lựa chọn nghề nghiệp nhờ vào tình yêu ấy. Cô luôn là người cầm trịch cho nhiều hoạt động của nhà trường. Cô thiết kế, viết kịch bản, dẫn chương trình cho mọi phong trào. Cô tham gia thể thao, văn nghệ, nấu ăn… Và cô hoạt động miệt mài trong tổ chức công đoàn suốt nhiều năm tháng. Tôi tự hỏi với dáng vóc nhỏ bé như cô thì lấy đâu ra nguồn năng lượng dồi dào, tưởng như không bao giờ vơi cạn!
Tôi vẫn còn nhớ như in, khoảng hai năm trước, lúc nửa đêm tôi nhận được cuộc gọi của cô, giọng thảng thốt: “Thằng bé Tân lớp chị chủ nhiệm, vì tội đánh nhau, bị đuổi học rồi em ạ, trong cuộc họp hội đồng kỷ luật tối nay”. Sự trăn trở, day dứt trong cô có lúc đến quằn quại. Cô đau lòng bởi cô đã không làm được gì cho thằng bé học trò nhiều cá tính đặc biệt, để nó thay đổi. Tôi biết. Cô đã yêu thương nó, mong rằng điều đó có thể có chút sức mạnh cảm hóa. Nhưng cô đã không thể. Tôi hiểu rằng, cô không bao giờ nghĩ đến việc mình đã từng có công lao giáo dục thành công bao nhiêu bạn nhỏ. Tấm lòng của cô, cô chỉ muốn “để gió cuốn đi” thôi.
Cô đã đi suốt một chặng đường dài của hành trình cuộc đời như thế. Giờ đây nhìn lại, có lẽ thành quả mà cô có được đó là tình cảm kính trọng, biết ơn của bao thế hệ học trò dành cho cô. Nhiều bạn nhỏ ngày xưa ngỗ ngược, tưởng như cuộc đời không biết sẽ về đâu. Bây giờ, các em đã đi theo những ngả rẽ khác nhau của cuộc đời. Phạm Trọng Tín – một học sinh cũ – trong lần về thăm trường hồi tháng trước, đã thổ lộ: “Nếu hồi đó không có cô Thúy chắc em chẳng bao giờ thành người tử tế được”. |
Cách đây khoảng 3 tháng, cũng vào giữa đêm khuya, cô gọi như giục tôi dậy để báo rằng: “Thằng bé Minh lớp cô vừa gọi điện tâm sự nó buồn đời đến mức không thiết sống”. Bọn trẻ đã xem cô như người bạn lớn, như một điểm tựa tinh thần. Nhờ chỗ dựa ấy, các em đã vượt qua những khó khăn, trở ngại đầu đời, để đi tiếp những bước chân tự tin trên con đường thăm thẳm phía trước. Để đến bây giờ, nhiều cô cậu học trò đã rời xa mái trường nhiều năm tháng, vẫn muốn gọi cô bằng một tiếng trìu mến, thân thương: “Mẹ”.
Cô đã đi suốt một chặng đường dài của hành trình cuộc đời như thế. Giờ đây nhìn lại, có lẽ thành quả mà cô có được đó là tình cảm kính trọng, biết ơn của bao thế hệ học trò dành cho cô. Nhiều bạn nhỏ ngày xưa ngỗ ngược, tưởng như cuộc đời không biết sẽ về đâu. Bây giờ, các em đã đi theo những ngả rẽ khác nhau của cuộc đời. Phạm Trọng Tín – một học sinh cũ – trong lần về thăm trường hồi tháng trước, đã thổ lộ: “Nếu hồi đó không có cô Thúy chắc em chẳng bao giờ thành người tử tế được”.
Chủ nhật, cách đây hơn tuần, nhóm học sinh nam kể chuyện với tôi: “Cô ơi, cô Thúy dạy hay nhất là bài thơ Tôi yêu em của Puskin đó cô. Sao thế hả cô?”. Đúng là bọn trẻ. Chúng không vô tâm. Chúng thương cô và lo cho cô nữa, như cách mà cô đã làm cho chúng. Chúng mong mỏi cô yêu và lập gia đình. Quả thật, các em đã lớn và nghĩ đến những lẽ thường tình trong cuộc đời của người phụ nữ. Trong thâm tâm, cô cũng cho rằng cuộc đời mình có nhiều khiếm khuyết. Bởi cô chưa thể thực hiện được những điều mà bất kỳ người phụ nữ nào trên thế gian này cũng hằng mong mỏi. Nhưng, cách cô sống cho đại gia đình của mình với tất cả tình yêu, sự hy sinh và niềm hạnh phúc, nếu hiểu được, các bạn nhỏ sẽ không phải lo lắng nhiều như thế nữa.
Phương Thảo
Bình luận (0)