Nông dân được hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ vốn để sản xuất nông sản an toàn, sản phẩm được bao tiêu theo giá cam kết… Đó mô hình “liên kết chùm” đang tạo sức lan tỏa, với cả nghìn hộ dân, hợp tác xã, khi hợp tác với VinGroup.
Nông dân chuyên nghiệp
Lặn lội từ Đồng Tháp xa xôi ra Hà Nội dự một diễn đàn về liên kết sản xuất nông nghiệp mới đây, ông Nguyễn Công Minh, tổ trưởng tổ hợp tác Minh Thọ – chuyên trồng ổi ở xã Mỹ Hiệp (huyện Cao Lãnh) không giấu niềm vui, khi tổ của ông “đấu” vào được hệ thống tiêu thụ của VinGroup.
Theo ông, “được mùa mất giá”, “trồng-chặt”…là nỗi sợ hãi lâu nay của của nông dân. “Trồng mà chưa biết bán cho ai, nghĩa là chấp nhận được-mất 50-50, thậm chí chịu phần thua lỗ”, ông Minh nói.
Vì thế, khi có cơ hội, tổ hợp tác của ông Minh đã liên kết với Công ty VinEco (thành viên của VinGroup), giúp hơn 10 ha ổi của tổ hợp tác có đầu ra, các tổ viên thu nhập ổn định. “Chúng tôi được VinEco hỗ trợ kỹ thuật, xử lý nông dược sao cho quả ổi an toàn. Đặc biệt khi thu hoạch, công ty bao tiêu với giá có lời, nên bà con rất yên tâm”, ông Minh nói.
Còn theo ông Tống Quang Phong, Tổ trưởng tổ hợp tác quýt đường xã Vĩnh Thới (huyện Lai Vung, Đồng Tháp), từ trước tới nay, tổ của ông trồng theo quy trình an toàn, nhưng khó cạnh tranh được với sản phẩm trôi nổi trên thị trường.
“Sản phẩm của chúng tôi sạch, ngon nhưng thị trường đâu có biết. Nhưng khi hợp tác với VinEco, chúng tôi được đảm bảo rất tốt về thị trường đầu ra, sản phẩm của nông dân đến tận tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng và chất lượng nhất”, ông Phong nói.
Tuy nhiên, theo ông Phong, cái được trong liên kết là cùng nhau học cách sản xuất, kiểm tra chất lượng từng khâu một, biết thêm kiến thức thị trường cần gì, cần bao nhiêu…Ông nói: “Chúng tôi đang hướng tới chuẩn nông dân chuyên nghiệp, để tạo ra những nông sản chuyên nghiệp”.
Cũng từ góc độ người sản xuất, ông Trương Văn Dư, Giám đốc Cty CP Green Farm (Mộc Châu, Sơn La) cho hay, sản xuất nông sản cũng phải chuyên nghiệp hoá. “Tôi đã thử trồng một vài giống cây như cà chua, cho năng suất cao, nhưng thị trường tiêu thụ rất khó khăn. Tuy nhiên, từ khi kết hợp với VinEco, sản phẩm của tôi được đã đến với thị trường rộng lớn và rất thích hợp với sản phẩm”.
Ông Dự cũng chia sẻ, khi kết hợp, VinEco đã có tư vấn và hỗ trợ rất kịp thời, từ chất lượng đất, cây giống. Phía công ty cũng giám sát rất chặt, người sản xuất có muốn làm ẩu cũng khó, dù ở bất kì khâu nào.
Doanh nghiệp là trung tâm kết nối
Tại diễn đàn “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt” vừa qua tại Hà Nội, GS TS Trần Đức Viên, nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, do thu nhập thấp, nhiều nơi nông dân chán ruộng, bỏ ruộng. Liên kết ngang (nông dân với nông dân) trong sản xuất đã yếu, liên kết dọc (nông dân với DN) lại càng lỏng lẻo.
Theo ông Viên, hộ nông dân sản xuất có hợp đồng rất ít, phần lớn là hợp đồng miệng hoặc không có. “Ai sản xuất cứ sản xuất, ai mua cứ mua, khi có vấn đề gì, rõ ràng nông dân là người chịu thiệt. Vấn đề là niềm tin, chẳng ông nào tin ông nào, đồng sàng dị mộng”, GS Viên nói.
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Chính sách và Chiến lược Phát triển NNNT (Bộ NN&PTNT) chỉ ra rằng, với nông dân, quan trọng nhất là giá, nếu giá nông sản rẻ quá, bất lợi, họ dễ “bẻ kèo”. Do vậy, nếu có những cam kết, chia sẻ về giá tốt, DN sẽ gắn kết được sâu hơn với nông dân.
Từ góc nhìn chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan cho rằng, nông sản Việt đang chịu sức ép rất lớn, đặc biệt là vấn đề chất lượng, an toàn thực phẩm, thương hiệu. Trong chuỗi liên kết, DN phải đóng vai trò then chốt, vì họ là người nắm bắt, hiểu thị trường.
Một khi hiểu rõ thị trường, DN mới quay lại hướng dẫn nông dân sản xuất đúng chuẩn. “Nếu không có DN làm cầu nối, nông dân bơ vơ vô cùng, bơ vơ trong sản xuất, bơ vơ trong tiêu thụ. Ngoài ra, DN còn đảm nhận vai trò giám sát chất lượng sản phẩm. Mô hình như VinEco triển khai tôi tin là sợi dây liên kết sẽ thành công”, bà Lan nói.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, mô hình “liên kết chùm” VinEco triển khai đang tạo hiệu ứng lan tỏa rất tích cực cho ngành nông nghiệp. Ông cho biết, trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, DN sẽ là trọng tâm kết nối, là lực lượng chủ lực đưa công nghệ vào sản xuất, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết nông dân với thị trường.
Cũng theo ông Doanh, hiện Bộ NN&PTNT đã lập tổ công tác nông nghiệp, cùng với 40 DN lớn đầu tư vào lĩnh vực này để tìm cách tháo gỡ những vướng mắc, thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp. Bộ cũng đang xây dựng chiến lược thu hút đầu tư vào nông lâm nghiệp, ngư nghiệp đến năm 2030.
Phạm Anh (TPO)
Bình luận (0)