Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Giảng đường sáng tạo: Sinh viên diễn kịch bằng tiếng Anh để học… Văn

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên đóng kịch để học là một hình thức dạy và học mới, không khí giảng đường trở nên sôi động hơn bởi những vở kịch đầy hấp dẫn.

Thấm đến từng câu chữ
Trong một lần thấy sinh viên (SV) của mình “nhăn mặt, cau mày” khi đọc tác phẩm, như đang hóa thân vào chính cảm xúc của nhân vật, giảng viên bộ môn văn học Mỹ Nguyễn Trung Trực (Trường ĐH Mở TP.HCM) bắt đầu suy nghĩ đến hình thức cho SV nhập vai để thể hiện tác phẩm và ông nghĩ đến thể loại kịch.
Sinh viên nhập vai ấn tượng
Sinh viên nhập vai ấn tượng

Hình thức dạy và học mới của ông đã mang tới cho SV hứng thú với môn học vốn dĩ cần nhiều xúc cảm này. Xem các vở diễn của SV, chúng tôi cảm nhận rõ được điều này, khi thấy trên gương mặt các bạn những giọt nước mắt thương xót cho thân phận của nhân vật mà mình hóa thân. Rồi thì những tiếng cười giòn tan, những tràng vỗ tay tán thưởng của khán giả khi cảm nhận được cuộc sống muôn màu đang diễn ra ngay trước mắt, chứ không còn là những câu chữ khô khan trong sách vở.
“Thời buổi hiện nay, SV có môi trường năng động để lựa chọn những hình thức học khác nhau. Nhiều người trong số họ không muốn học trong sách vở hay ngồi nghe giảng hàng giờ trên giảng đường. Vì thế phải thay đổi cách dạy và học để SV hứng thú hơn. Từ đó hiệu quả môn học cũng sẽ cao hơn”, ông Trực nhấn mạnh.
Với hình thức diễn kịch để học này, SV tự chọn nhóm, tự chọn chủ đề và các tác phẩm văn học để chuyển thể thành kịch rồi diễn. Mỗi tuần thầy trò gặp nhau một lần và họ cùng nhau bàn luận, thậm chí là tranh luận để tìm được hướng đi cho mỗi vở diễn. SV được phép liên tưởng và sáng tạo thêm các tình tiết trong tác phẩm nhằm tăng khả năng tư duy của mỗi người.
Sinh viên nhập vai ấn tượng 1

Khán giả hào hứng với vở diễn Ảnh: Nữ Vương

“Chỉ khi hiểu hết được tác phẩm mới có thể tưởng tượng và sáng tạo thêm, để sự sáng tạo hài hòa với các tình tiết có trong tác phẩm. Chính vì thế muốn vở diễn hay thì phải đọc đi đọc lại tác phẩm để nắm được các tình tiết. Không những thế, tụi mình còn tìm hiểu rất kỹ các bài phân tích, đánh giá tác phẩm để có thể hiểu rõ được ngọn ngành của vở kịch mà tụi mình đang theo đuổi”, SV Huỳnh Bảo Tú cho hay.
Tú chia sẻ: “Ở trên sân khấu nhiều phân đoạn khán giả thấy mình khóc, những lúc đó là mình khóc thật. Ngay cả lúc tập, nhiều khi cả nhóm cũng ứa nước mắt khi thấu hiểu, đồng cảm với tâm trạng của nhân vật. Chính vì thế mà tụi mình “thấm” đến từng câu chữ của tác phẩm”.
Học văn vẫn cải thiện được tiếng anh
Điều đặc biệt là những vở kịch này đều được thể hiện bằng tiếng Anh. Đây cũng là thử thách đặt ra cho mỗi SV nhưng cũng là cơ hội tốt để trau dồi vốn ngoại ngữ.
“Bình thường diễn kịch như thế nào để cho kịch tính đã khó, đằng này diễn bằng tiếng Anh lại càng khó hơn. Tụi mình phải tìm hiểu khá nhiều, đặc biệt về phần văn hóa đời sống và ngôn ngữ dùng hằng ngày của các nhân vật, luyện phát âm và chỉnh tông giọng cho phù hợp với các phân cảnh”, Tú cho hay.
Cũng theo Tú, kịch diễn bằng tiếng Anh thì chưa chắc mọi đối tượng có thể hiểu hết được. Làm sao để có thể truyền tải câu thoại một cách rõ ràng, dễ nghe cho khán giả là công đoạn khó nhất để hoàn thành một vở kịch.
“Mình thấy đây là phương pháp học rất hiệu quả. Vừa học tốt môn văn lại trau dồi được thêm vốn ngoại ngữ nên tụi mình rất hứng thú và nỗ lực hết mình”, Tú tâm đắc.
Không chỉ SV Trường ĐH Mở, những vở diễn này còn có sự tham gia của SV đến từ trường ĐH khác. Phạm Thành Trung (SV Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) với vai nam chính Rhett Butler trong vở diễn Gone with the wind (Cuốn theo chiều gió), rất thích thú với hình thức học này: “Mình rất may mắn khi được tham gia những vở diễn “vừa diễn vừa học” như thế này. Khi làm việc với những người bạn hoàn toàn lạ lẫm đã tạo cho mình khả năng hòa đồng, làm việc nhóm và giao tiếp tốt hơn. Đặc biệt mình chủ động hơn rất nhiều trong việc tìm hiểu tác phẩm cũng như hiểu sâu hơn về từng nhân vật và bối cảnh trong tác phẩm. Khả năng nói tiếng Anh cũng tăng lên rất nhiều”.

Nữ Vương (TNO)

 

Bình luận (0)