Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cần có cơ chế sớm phát hiện học sinh giỏi

Tạp Chí Giáo Dục

Là giáo viên dạy hóa tại Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, nơi đào tạo HS giỏi của Hà Nội, cô Nguyễn Thị Bích Hà đã đúc kết được những kinh nghiệm về công tác bồi dưỡng HS giỏi tham dự các kỳ thi quốc tế.
Để HS yên tâm vào đội tuyển
Theo cô Hà, từ năm 2010, khi Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam được nhận ngôi trường mới, công trình chào mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, cơ sở vật chất khang trang, đồng bộ với đầy đủ phòng học, phòng chức năng đã tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức dạy tốt – học tốt. Tuy nhiên, cô Hà cho biết, trong tình hình kinh tế xã hội hiện nay, một số phụ huynh chưa nhận thức đúng và đủ về nhiệm vụ bồi dưỡng nhân lực – đào tạo nhân tài cho đất nước của các nhà trường, nhất là hệ thống các trường chuyên nên họ còn có những tính toán mang tính thực dụng. Một bộ phận không nhỏ phụ huynh và HS khi bước vào trường đều xác định mục tiêu là phấn đấu đi du học hoặc thi vào một trường ĐH đẳng cấp trong nước.  Trong khi đó, có một thực tế là việc học tập để đạt giải quốc gia hoặc giải quốc tế gian nan và vất vả gấp nhiều lần so với việc đi du học hay đỗ ĐH trong nước. Các phụ huynh thấy hướng đầu tư đó mạo hiểm hơn, tỉ lệ rủi ro cao hơn nhiều so với các hướng đầu tư khác. Mặt khác, phòng thí nghiệm ở các trường của ta tuy đã được đầu tư nhưng so với các trường tiên tiến của các nước phát triển thì chưa đáp ứng được yêu cầu cao của bộ môn. Chương trình giảng dạy tại Việt Nam còn khác nhiều so với các nước phát triển  trên thế giới.
Trước những thách thức này, đối với môn hóa, Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam đã tìm ra hướng đi riêng của mình. Theo cô Hà, để có thể tương đối hài hòa các mục tiêu phấn đấu của HS, các thầy cô giáo trong tổ hóa đã bàn bạc, trao đổi và thống nhất khung chương trình cho lớp chuyên như sau: Phần chương trình chuyên sâu tập trung vào năm học lớp 10 và đầu năm lớp 11. Như vậy những HS không tham gia thi quốc gia hoàn toàn có cơ hội để làm tốt dự định của mình, còn những HS có đam mê và năng lực thi quốc gia cũng có điều kiện tốt hơn để học tập môn chuyên. Các thầy cô giáo trong trường cũng sớm phát hiện những HS đam mê và có năng lực thực sự đối với môn chuyên. Hướng dẫn các em tìm tài liệu, hướng dẫn các em cách tự học có hiệu quả, qua đó kích thích tư duy, sức bền sáng tạo, khả năng thích ứng tốt với các dạng bài tập.
Nhận thấy một thực trạng là HS Việt Nam trong các kỳ thi quốc tế phần thực hành thường đạt kết quả không cao, vì vậy, việc trang bị cho HS những kĩ năng thực hành cơ bản và biết làm những bài thực nghiệm phục vụ cho việc nghiên cứu là rất quan trọng. Những năm gần đây, trường đã cố gắng tăng cường thực hành cho HS bằng cách soạn những tiết thực hành riêng cho lớp chuyên; tận dụng mọi khả năng để HS có thể làm tốt phần thực hành như gửi các em đến các viện hay cơ sở sản xuất để có thể tăng cường việc thực hành của mình. Các thầy cô cũng hướng dẫn HS sắp xếp thời gian học trước chương trình các môn khác để khi bước vào thời gian tập trung đội tuyển, HS có thể hoàn toàn yên tâm tập trung cho môn chuyên, khi đó kết quả đạt được mới khả thi.
Cần có tầng lớp kế cận
Trước những nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi, những tìm tòi đổi mới trong bồi dưỡng nhân tài, từ năm 2008 đến nay, môn hóa của Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam đã có 3 HS đạt huy chương Olympic quốc tế, trong đó có 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc và 1 huy chương đồng. Tỷ lệ HS đạt giải trong kỳ thi HS giỏi quốc gia đạt gần như 100% qua các năm. Mặc dù vậy, cô Hà vẫn không khỏi trăn trở. Từ thực tiễn nhiều năm tham gia công tác bồi dưỡng HS giỏi, cô Hà nhận thấy khó có thể có được HS giỏi tham gia các kỳ thi quốc tế khi chỉ trông chờ vào kiến thức của 3 năm học THPT. Chính vì vậy, cô Hà đề nghị cần có cơ chế để sớm phát hiện được HS có năng khiếu theo thiên hướng của môn học trong các nhà trường để định hướng cho các em. Phương pháp bồi dưỡng HS giỏi cũng nên được chỉ  đạo thống nhất đó là bồi dưỡng theo hướng gợi mở, bồi dưỡng cho các em năng lực tư duy sáng tạo chứ không cần phải “nạp” quá nhiều kiến thức.
Cách đây không lâu, khi được hỏi, GS. Ngô Bảo Châu cũng cho biết cảm thấy tiếc khi Việt Nam bỏ hệ chuyên ở bậc THCS. Bởi việc bỏ đi này vô tình đã làm cấp THPT mất “nguồn” HS giỏi thực sự.
Trước đó, vào năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 với mục tiêu củng cố, xây dựng và phát triển các trường THPT chuyên hiện tại đồng thời với tăng dần quy mô; bảo đảm mỗi tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có ít nhất một trường THPT chuyên với tổng số HS chuyên chiếm khoảng 2% số HS THPT của từng tỉnh, TP. Trong tháng 10-2012, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý sử dụng toàn bộ kinh phí 20 triệu USD của chương trình chính sách để hỗ trợ cải thiện, nâng cao điều kiện dạy và học của trường chuyên ở các vùng khó khăn, trong khuôn khổ Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020.
Nghiêm Huê

Bình luận (0)