Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Không được phát ngôn tùy hứng

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin – Truyền thông) đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị “Hướng dẫn thực hiện Nghị định 09/2017/NĐ-CP ngày 9-2-2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính Nhà nước”. Hội nghị diễn ra sáng 1-6 tại TP.HCM.

Ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ TT-TT) báo cáo tại hội nghị

Ông Nghiêm cho rằng, vai trò của thông tin (TT) chính thống trong xã hội là hết sức cần thiết cho Đảng lãnh đạo, cho Nhà nước quản lý, cho doanh nghiệp và người dân làm ăn. Có thể nói TT cung cấp cho chúng ta hiện nay còn thiếu và cách tổ chức TT của Việt Nam so với các nước phát triển còn nghèo nàn. Từ đó dẫn tới khủng hoảng TT.

“Lâu nay cơ quan hành chính Nhà nước chưa phải “đối phó” với khủng hoảng TT do không trả lời báo chí. Vậy làm sao để ứng phó? Chắc chắn phải giải quyết đúng quy trình và phải có bộ phận giúp việc “chuyên nghiệp”. Bên cạnh đó, các cơ quan hành chính Nhà nước cũng phải chấn chỉnh việc này để tránh xảy ra khủng hoảng TT. Cách đây khoảng 8 tháng, một bí thư Tỉnh ủy bị “tin đồn” trên mạng xã hội nói “có con riêng”. Nhưng đồng chí này lại đồng ý nhận trả lời trên báo chính thống – đó chính là khủng hoảng TT. Và đồng chí này sửa sai bằng cách chỉ đạo Ban Tuyên giáo tỉnh có văn bản gửi các cơ quan báo chí. Khi xảy ra khủng hoảng TT, các cơ quan phải TT càng nhanh càng tốt và phải liên tục cập nhật, bổ sung cho truyền thông và người dân được biết. Các cơ quan liên quan không được đưa ra kết luận, báo cáo thiếu trung thực, đổ lỗi cho khách quan, hứa cho qua chuyện… Tuyệt đối không được phát ngôn tùy hứng, tùy tiện. Như vậy càng làm cho khủng hoảng TT thêm phức tạp. Đặc biệt là chính quyền làm sai lại đổ lỗi cho dân như trường hợp một cán bộ cao cấp của TP.Hà Nội khi trả lời vấn đề mưa là ngập với báo chí rằng: “Do dân ỷ lại chính quyền” – đó là cách trả lời phản cảm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của dân vào sự lãnh đạo của chính quyền. Đây là điều “đại tối kỵ” trong giải quyết khủng hoảng TT”, ông Nghiêm nói.

Riêng tại TP.HCM, người phát ngôn của UBND TP, Chánh văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan, khẳng định: “Ở một TP hơn 10 triệu dân như TP.HCM, chính quyền TP đã và đang làm tốt công tác báo chí, tức là đã chủ động làm tốt công tác định hướng dư luận. Nhiều vấn đề nóng của TP nhờ kênh TT báo chí đã giúp người dân hiểu hơn, thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc xây dựng TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.

Đồng thời, ông Hoan cho rằng, các cơ quan Nhà nước đừng ngại gặp gỡ với báo chí, trái lại cần thường xuyên tiếp xúc với nhà báo, coi nhà báo như một người bạn của các cơ quan Nhà nước, như là “cánh tay nối dài” để hệ thống chính quyền TP đưa TT đến với người dân. Có như vậy các sở ban ngành, quận, huyện mới hiểu được tâm tư, nguyện vọng, tình cảm cũng như những băn khoăn vướng mắc của nhân dân TP để có những giải pháp khắc phục tốt hơn nhằm giúp mọi người dân TP ngày càng có cuộc sống tốt hơn.

Còn theo ông Nghiêm, một xã hội mà nghèo TT sẽ dẫn đến tình trạng mù mờ, không công khai, không công bằng. Một xã hội nghèo TT dễ dẫn đến nghèo về nhiều thứ khác. Hay nói đúng hơn một xã hội muốn phát triển, giàu mạnh thì trước hết phải “giàu” về TT…

Lê Quang Huy

Bình luận (0)