Theo đại diện nhiều trường đại học công lập, quy định về cấp học bổng cho sinh viên của Bộ GD-ĐT còn cứng nhắc và gò bó, trong khi lẽ ra nội hàm của khái niệm học bổng phải hiểu rộng…
Mở rộng đối tượng được cấp học bổng thực sự có ý nghĩa nhân văn. ẢNH: THANH HÙNG
Muốn làm khác cũng không được !
Trường ĐH Thủy lợi mỗi khóa có khoảng 3.000 sinh viên (SV) hệ chính quy. Cuối mỗi học kỳ, khoảng vài trăm SV có kết quả học tập tốt nhất sẽ được lọc ra để nhà trường trao học bổng khuyến khích học tập, với phương thức xét lấy từ trên xuống (dựa vào điểm trung bình học tập và kết quả rèn luyện) cho đến hết chỉ tiêu.
Mức học bổng không cao, từ khoảng 3 – 4 triệu đồng/SV/học kỳ. GS Trịnh Minh Thụ, Phó hiệu trưởng trường này, cho biết: “Nguồn chi cho quỹ học bổng khuyến khích học tập là trích từ học phí (tối thiểu 8%). Trường chia về cho các khoa, đối tượng xét cứ theo quy định của Bộ GD-ĐT mà làm. Có muốn làm khác cũng không được, vì SV sẽ có ý kiến ngay”.
“Muốn làm khác” ở đây là chẳng hạn trao học bổng cho những trường hợp gặp khó khăn đột xuất, hoặc nghèo vượt khó…
Ông Công Minh Quang, Trưởng phòng Công tác SV, Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải (Hà Nội), cho biết: “Vì nguồn trích học bổng từ học phí, phải theo quy định của Bộ, trong khi diện mà nhà trường muốn xét thì đa dạng, phong phú hơn, phù hợp với đối tượng mà trường muốn ưu tiên thu hút, với mức học bổng có ý nghĩa hơn, nên trường phải tạo một quỹ học bổng chính sách xã hội, từ nguồn tự huy động được. Ví dụ, muốn thu hút thí sinh có điểm thi THPT quốc gia cao vào thì trường “treo thưởng” bằng học bổng trị giá 50 triệu đồng/thí sinh. Khoản này phải lấy từ quỹ chính sách xã hội, chứ không được lấy từ quỹ khuyến khích học tập mà Bộ GD-ĐT quy định, dù bản chất của học bổng vẫn là để khích lệ những SV giỏi”.
Trường thí điểm tự chủ dễ thở hơn
Theo GS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại, trường được thực hiện tự chủ từ năm ngoái nên quỹ học bổng của trường không chỉ dành cho SV có thành tích trong học tập mà còn mở rộng đối tượng để hoạt động cấp học bổng thực sự có ý nghĩa nhân văn.
“Việc mở rộng đối tượng nào là hiệu trưởng nhà trường quyết định, tùy tình hình cụ thể của từng năm, từng thời điểm. Có những SV nghèo, được giảm học phí, nhưng dù giảm rồi vẫn quá khó khăn. Để giúp SV yên tâm học tốt, trường sẽ cấp một khoản học bổng. Hoặc một số em qua thực tế thấy khó khăn, mà theo các quy định thì các em không xếp được vào diện nào, trường vẫn xem xét để cấp học bổng”, GS Sơn nói.
GS Sơn cho biết thêm: “Ví dụ năm nay, trước khi SV khóa mới nhập học, biết tin có một số địa phương chịu sự tàn phá nặng nề của lũ lụt, trường đã trao 19 suất học bổng cho những tân SV đến từ các địa phương này. Bởi nếu cứ theo quy định cứng của Bộ thì đúng là rất bó buộc”.
Còn PGS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết nhờ năm nay bắt đầu tự chủ mà trường mạnh dạn làm một cuộc “cải cách” về cơ chế cấp học bổng.
“Đã có quy định rõ cho những em thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách, hoặc học giỏi (dù vẫn phải xét từ trên xuống dưới). Nhưng còn một bộ phận lớn các em không thuộc diện chính sách, mà gia đình vẫn rất khó khăn, học cũng giỏi, lại không rơi vào diện nào thì sao? Trước đây trường không biết làm thế nào để giúp các em, nhưng giờ thí điểm tự chủ nên tạo được cơ chế để những em này cũng được xét học bổng”, PGS Sơn nói.
PGS Sơn cho rằng Bộ nên chỉnh sửa quy định về cấp học bổng cho SV, để “cởi trói” cho các trường dù chưa hoặc đã tự chủ. Ông đề xuất: “Nên minh định việc khen thưởng với việc cấp học bổng. Khen thưởng thì dành cho đối tượng tài năng, diện này thì ít thôi và không nhất thiết cần phải nhiều tiền, mà chỉ cần hình thức vinh danh, ghi nhận trang trọng. Còn học bổng nên là một khoản hỗ trợ, dùng cho những người thực sự cần nó, và phải đủ nhiều để đồng tiền có ý nghĩa, chẳng hạn không chỉ đủ để đóng học phí mà còn có sinh hoạt phí giống các trường ĐH nước ngoài vẫn làm”.
Quý Hiên/TNO
Bình luận (0)