Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hà Nội: Cấm dạy thêm – học thêm ở tiểu học

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo viên dò bài học sinh tại Trường THCS Kim Đồng (Q.5, TP.HCM) chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2012. Ảnh: Anh Khôi

Dự kiến cuối tuần này, Sở GD-ĐT TP.Hà Nội sẽ trình UBND TP dự thảo quy định về dạy thêm – học thêm (DTHT) trên địa bàn Hà Nội. Trước đó, ngày 28-11, Sở GD-ĐT đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho bản dự thảo DTHT lần cuối.
Tuy nhiên, dù đã chỉnh sửa một số nội dung nhưng bản dự thảo vẫn được các đại biểu cho rằng còn phải sửa thêm.
Tiểu học: Không dạy thêm
Theo lãnh đạo sở, dự thảo quy định của Hà Nội lần này đã thống nhất việc cấm DTHT ở bậc tiểu học. Việc cấp phép cho các trường hợp tổ chức DTHT có nội dung thuộc chương trình tiểu học tại Hà Nội cũng sẽ bị cấm hoàn toàn nếu như văn bản này được UBND TP phê duyệt. Đây là nội dung hoàn toàn mới và chặt chẽ hơn so với thông tư 17/2012/TT-BGDĐT. Điều này thể hiện sự kiên quyết, nghiêm túc của ngành GD-ĐT Hà Nội trong việc giải tỏa những bức xúc của phụ huynh có con ở bậc học này suốt thời gian qua về những áp lực và mối lo tốn kém thời gian, kinh phí khi buộc phải tự nguyện cho con học thêm. Đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng cho biết nhằm hạn chế tình trạng mập mờ, lợi dụng việc tổ chức các hoạt động trong trường để DTHT, các mô hình như trông giữ trẻ, bồi dưỡng về nghệ thuật, TDTT, rèn luyện kỹ năng sống, dạy 2 buổi/ngày ngoài nhà trường ở những nơi không đủ điều kiện cơ sở vật chất song phụ huynh lại có nhu cầu… bắt buộc phải có đề án và trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt và chịu sự giám sát chặt chẽ. Vị này khẳng định: Học sinh tiểu học không cần học thêm. Vì vậy, việc xóa bỏ hoàn toàn DTHT ở bậc học này là cần thiết nhằm giảm những áp lực không đáng có, tạo điều kiện cho các em phát triển toàn diện.
Ông Nguyễn Trọng Vĩnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống Trường Nguyễn Siêu, cho rằng nếu căn cứ vào nội dung chương trình và hình thức đánh giá như hiện nay thì bậc tiểu học hoàn toàn không phải DTHT. Mặc dù vậy, có một thực tế, như tại trường ông, dù mức lương ở các trường ngoài công lập cao hơn các trường công lập nhưng nếu có cơ hội, giáo viên sẵn sàng từ bỏ trường tư nhảy sang trường công. Mục đích không phải vì lương cao mà là được DTHT để có thu nhập cao hơn. Do đó, có ý kiến còn băn khoăn: Liệu có xóa bỏ được hoàn toàn việc DTHT ở tiểu học hay không? 
Cấm phải triệt để
“Dù mức lương ở các trường ngoài công lập cao hơn trường công lập nhưng nếu có cơ hội, giáo viên sẵn sàng từ bỏ trường tư nhảy sang trường công. Mục đích không phải vì lương cao mà là được DTHT để có thu nhập cao hơn”, ông Nguyễn Trọng Vĩnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống Trường Nguyễn Siêu, nói.
Thời gian vừa qua, TP.Hà Nội làm gắt gao việc cấm giáo viên DTHT. Chính vì vậy, ở nhiều trường giáo viên phải “tạm dừng” để nghe ngóng thông tin. Nhưng trong dự thảo của Sở GD-ĐT TP.Hà Nội vẫn còn khe hở cần được lấp đầy. Cụ thể như cấm các giáo viên tiểu học và THCS DTHT thì họ tìm đến các trung tâm GDTX để dạy. Bởi theo ông Nguyễn Duy Long, Trưởng phòng GD-ĐT quận Đống Đa, dường như trong dự thảo cho phép điều này. Để trị tận gốc, ông Long đề nghị Sở GD-ĐT làm rõ nội dung chương trình mà các trung tâm GDTX được tổ chức dạy thêm. Ông Long còn phân tích thêm, dự thảo quy định giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường học sinh mình đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó. Như vậy thủ trưởng có thể cho phép giáo viên của mình dạy thêm ngoài nhà trường học sinh chính khóa nếu họ xin. Vậy khi nào được cho, khi nào không? Cả một lớp học thêm chỉ có 1-2 học sinh của mình hay toàn học sinh của mình vẫn được? Nếu chỉ quy định chung chung thế này thì giáo viên hoàn toàn có thể dạy bên ngoài nhà trường toàn bộ học sinh của lớp mình và như thế quy định sẽ thành mâu thuẫn.
Do đó, để có được bản dự thảo hoàn chỉnh, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ còn phải chỉnh sửa thêm cho phù hợp. Trong bản dự thảo này, ngoài cấm tiểu học không được dạy thêm đối với những trường dạy 2 buổi/ngày, thì ở bậc phổ thông, Sở GD-ĐT cũng quy định mỗi tuần chỉ bố trí tối đa 3 buổi dạy thêm đối với lớp có sĩ số 45 học sinh trình độ tương đương. Các tổ chức, cá nhân (không phải giáo viên hưởng lương của đơn vị sự nghiệp) được cấp phép tổ chức dạy thêm (ngoài nhà trường) công khai tại nơi dạy trước và trong khi thực hiện.
Nghiêm Huê
 
Đà Nẵng: “Thổi còi” việc cấp phép dạy thêm tràn lan
UBND TP.Đà Nẵng vừa có công văn chỉ đạo sở GD-ĐT và UBND các quận/ huyện chấn chỉnh việc tổ chức DTHT trái quy định. Theo đó, UBND TP giao sở GD-ĐT, UBND các quận/huyện phải thường xuyên rà soát, thanh tra, kiểm tra và chấn chỉnh những sai phạm trong hoạt động DTHT, đặc biệt tại các cơ sở bán trú. Tuyệt đối không để xảy ra việc tổ chức DTHT cho học sinh tiểu học; giám đốc sở GD-ĐT và chủ tịch UBND các quận/huyện chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND TP nếu để xảy ra các vi phạm về DTHT trên lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách. Ngoài ra, nội dung công văn còn yêu cầu UBND quận Hải Châu phải nghiêm túc kiểm điểm, phê bình và có hình thức kỷ luật phù hợp đối với lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận Hải Châu cấp phép tràn lan cho các trung tâm bán trú nhưng không kiểm tra và xử lý vi phạm trong việc tổ chức DTHT cho học sinh tiểu học. UBND quận Hải Châu thực hiện việc xử lý kỷ luật, báo cáo UBND TP trước ngày 5-12.
Trước đó, đầu tháng 11-2012, UBND TP.Đà Nẵng đã lập đoàn kiểm tra tại các cơ sở bán trú thuộc quận Hải Châu gồm: Trung tâm First Friends (số 77 Nguyễn Tất Thành), Trung tâm Bán trú Tài Năng Việt (số 103 Ông Ích Khiêm), Công ty Giáo dục Thành Tài (số 47 Lê Lợi). Qua kiểm tra, phát hiện ngoài việc nuôi trẻ bán trú, các trung tâm này còn tổ chức DTHT cho học sinh tiểu học.
Vĩnh Yên
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)