Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

“Phổ cập”… thạc sĩ

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh dự thi cao học vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

Phải nói rằng, chưa bao giờ Việt Nam có tỷ lệ người có bằng thạc sĩ cao như hiện nay…
Đào tạo thạc sĩ: “Nồi cơm” của trường ĐH
Trong một lần ngồi trò chuyện, khi đề cập vấn đề “tại chức”, một vị trưởng phòng đào tạo của một trường ĐH đã không giấu được cảm xúc, như bắt trúng mạch đã thẳng thắn nói: Sao các anh chị không đi tìm hiểu xem sao lại có nhiều “thạc sĩ giấy”, “tiến sĩ giấy”. Tại chức đã xưa lắm rồi, đó không còn là vấn đề mới. “Thạc sĩ giấy”, “tiến sĩ giấy” mới quan trọng, vì những “ông đấy” sau này sẽ là rường cột của quốc gia. Té ra, ngay trong các trường cũng nhận thấy đang có tình trạng “tiến sĩ giấy” và “thạc sĩ giấy”. Thời gian gần đây, quy mô đào tạo thạc sĩ của các trường ĐH bỗng tăng lên nhanh chóng. Năm 2011, chỉ tiêu đào tạo của ĐH Quốc gia Hà Nội lên đến 4.000 thạc sĩ (3.355 chỉ tiêu tại đơn vị, 645 chỉ tiêu liên kết), 376 chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ, trong khi chỉ tiêu đào tạo ĐH chính quy của trường cũng chỉ dừng lại ở mức khoảng 5.500. Chỉ riêng đợt 1 tuyển sinh đào tạo thạc sĩ năm 2012, chỉ tiêu đào đạo của Trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội là 1.000 cho cả 2 cơ sở tại Hà Nội và TP.HCM. Xem ra, “nồi cơm” của các trường không còn là tại chức mà trong thời gian tới sẽ chính là thạc sĩ. Bởi đối tượng này thường là những người đi làm, có điều kiện kinh tế, có khả năng đóng góp nhiều hơn. Với một xã hội chuộng bằng cấp thì không có lý do gì không đi học thạc sĩ. Tôi có một người bạn làm ở văn phòng của một bộ. Bạn tôi cho biết, phòng có 4 người thì trưởng phòng là tiến sĩ, một chuyên viên là thạc sĩ, còn lại hai người, trong đó có bạn tôi đang được động viên đi học thạc sĩ. Dù công việc hàng ngày chỉ là viết văn bản, tiếp nhận công văn giấy tờ, điểm báo nhưng bạn tôi cho biết, không có bằng thạc sĩ không xong. Oái oăm hơn, có người bằng tiến sĩ nhưng chỉ làm mỗi công việc ở văn phòng Đảng ủy.
Cũng chính vì vậy nên thời gian vừa qua mới có chuyện thạc sĩ đi học để giữ “ghế”. Mà câu chuyện này lại xảy ra ở tại trường ĐH chứ không phải ở các cơ quan hành chính Nhà nước. Hai nghiên cứu sinh của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội mới đây đã bị trường này cho dừng làm nghiên cứu sinh vì không tham gia sinh hoạt học thuật ở bộ môn, không có báo cáo làm việc định kỳ, không viết báo cáo khoa học. Thiết nghĩ, không phải chỉ riêng ĐH Bách khoa Hà Nội mà sẽ còn ở nhiều trường khác có hiện tượng này. Chuyện giảng viên vừa làm nghiên cứu sinh, vừa tham gia giảng dạy không bỏ tiết nào, vừa “đá chân ngoài” không còn xa lạ đối với ĐH Việt Nam. Có lẽ bởi học thạc sĩ và làm tiến sĩ ở Việt Nam quá dễ dàng! Luận văn thì đã có công nghệ “cắt dán”, còn nếu không cắt dán được thì đã có người làm thuê. Làm tiến sĩ, học thạc sĩ mà cứ nhẹ như lông hồng, có khi còn nhàn hơn học ĐH.
Sẽ bội thực tài năng nếu…
Vừa qua, Bộ Nội vụ đã tổ chức lấy ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý về Dự thảo nghị định phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ công chức có tài năng trong hoạt động công vụ. Theo nghị định này, những người tốt nghiệp ĐH loại giỏi, thạc sĩ, tiến sĩ sẽ được tuyển thẳng vào cơ quan Nhà nước mà không cần chờ thi. Điều này khiến không ít các nhà khoa học, các chuyên gia băn khoăn. Chưa cần nói các ngành nghề khác, chỉ nói riêng ngành giáo dục, bài học của Sở GD-ĐT Hà Nam và Hà Nội những năm trước đã cho thấy điều đó. Năm 2011, Hà Nam quyết định tuyển thẳng sinh viên sư phạm tốt nghiệp loại giỏi về công tác tại các trường. Còn những giáo viên đứng lớp có khi 10 năm vẫn phải ì ạch thi và bị trượt như bình thường. Ở Hà Nội, năm 2011 cũng ưu tiên tuyển thẳng sinh viên tốt nghiệp loại giỏi. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở GD-ĐT thì chất lượng đợt tuyển này không như mong đợi. Chính vì vậy, năm nay, sở vẫn yêu cầu tất cả các ứng viên phải thi và có điểm ưu tiên cho từng đối tượng. Trước vấn đề này, ông Trần Văn Tuấn, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng thạc sĩ, tiến sĩ, người tốt nghiệp ĐH từ loại giỏi trở lên chỉ dựa vào bằng cấp thôi là không đủ. Đây chỉ là điều kiện cần. Dù nghị định có quy định nếu không đáp ứng được yêu cầu công việc sẽ phải thôi việc; nhưng thực tế nền hành chính của ta là có vào mà không có ra. Rất ít công chức bị loại ra khỏi đội ngũ vì chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.
Thu hút người giỏi, người tài là điều cần thiết để nâng cao chất lượng đội ngũ. Nhưng phải làm thế nào để không tạo kẽ hở cho những người không thực tài có thể “lọt” qua. Và cách lọt qua tốt nhất như hiện nay đó là vấn đề bằng cấp. Chúng ta đang chống nạn bằng cấp, vậy không có lý do gì để lại lấy bằng cấp ra làm “mồi nhử”, làm điều kiện để tuyển thẳng vào cơ quan Nhà nước.
Nghiêm Huê

Bình luận (0)