Năm 2019, môn GDCD được nhiều trường ĐH “trọng dụng” trong một số tổ hợp môn xét tuyển, không chỉ mở ra thêm cơ hội lựa chọn tổ hợp mà còn tăng hiệu suất trúng tuyển cho thí sinh.
Học sinh Trường THPT Nhân Việt đặt câu hỏi cho ban tư vấn
Thông tin trên được đại diện nhiều trường ĐH chia sẻ trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần thứ 11 năm 2019 do Báo Giáo dục TP.HCM, Sở GD-ĐT TP và ĐHQG TP.HCM tổ chức tại Trường THPT Nhân Việt (Q.Tân Phú) vừa qua. Chương trình có sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF) và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) cùng nhiều đơn vị khác.
Bổ sung nhiều tổ hợp môn xét tuyển mới
Năm nay, bên cạnh việc mở rộng phương thức xét tuyển, nhiều trường ĐH cũng bổ sung thêm các tổ hợp xét tuyển mới, tăng thêm cơ hội lựa chọn cho thí sinh. Cụ thể, năm nay ngành toán của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) sẽ mở thêm tổ hợp xét tuyển mới D01 (toán, văn, tiếng Anh). Riêng ngành kỹ thuật điện tử – viễn thông ở hệ đại trà và hệ chất lượng cao đều mở thêm tổ hợp các môn toán, khoa học tự nhiên và tiếng Anh.
Môn GDCD cũng được nhiều trường ĐH sử dụng trong tổ hợp xét tuyển năm nay. Theo đó, tại Trường ĐH Hùng Vương, với tổ hợp C14 (văn, toán, GDCD), thí sinh có cơ hội xét tuyển vào các ngành công nghệ thông tin, kế toán; tổ hợp D66 (văn, GDCD, tiếng Anh) tiếp tục được xét tuyển cho các ngành ngôn ngữ Anh và ngôn ngữ Nhật; ngành quản lý bệnh viện sử dụng tổ hợp C18 (văn, sinh, GDCD). Theo ThS. Hà Minh Tiếp (Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học, Trường ĐH Hùng Vương), năm nay trường dự kiến mở thêm hai ngành mới là Luật Kinh tế và du lịch, nâng tổng số các ngành đào tạo của trường lên 36. Ở tất cả các ngành, trường áp dụng theo 3 hình thức xét tuyển dành cho học sinh THPT: điểm thi THPT, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực ĐHQG TP.HCM và sử dụng kết quả học bạ (điểm trung bình năm lớp 12 theo học kỳ I hoặc cả năm). Trong đó, phương thức sử dụng điểm học bạ sẽ được tổ chức làm 4 đợt: Đợt 1 từ ngày 1-1 đến 21-6; đợt 2 từ ngày 22-6 đến 16-7; đợt 3 từ ngày 17-7 đến 12-8; đợt 4 sau ngày 20-8.
Tương tự, Trường ĐH Luật TP.HCM là một trong số các trường sử dụng môn GDCD trong tổ hợp xét tuyển năm 2019. Theo đó, bên cạnh các tổ hợp truyền thống (A, A1, C và D), trường tiếp tục duy trì các tổ hợp mới có sử dụng môn GDCD trong hầu hết các ngành đào tạo của trường. Cụ thể, tổ hợp văn, GDCD, ngoại ngữ (D66: tiếng Anh, D69: tiếng Nhật, D70: tiếng Pháp) cho các ngành ngôn ngữ Anh, Luật Thương mại quốc tế; tổ hợp toán, GDCD và ngoại ngữ (D84: tiếng Anh, D87: tiếng Pháp, D88: tiếng Nhật) cho các ngành ngôn ngữ Anh, quản trị kinh doanh, quản trị – luật và Luật Thương mại quốc tế. ThS. Vũ Đình Lê (Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết chỉ những thí sinh đạt yêu cầu xét tuyển sơ bộ với điểm thi THPT quốc gia và điểm học bạ mới đủ điều kiện để tham gia vào kỳ thi đánh giá năng lực của trường. Đặc biệt, thí sinh tham gia xét tuyển vào trường chỉ có duy nhất một hình thức là đăng ký trực tuyến.
Nhiều chương trình học hội nhập quốc tế
Trước những băn khoăn của học sinh trong việc tìm kiếm môi trường học có thể đáp ứng với nhu cầu hội nhập quốc tế, đại diện nhiều trường ĐH cho hay người học có rất nhiều lựa chọn, hoặc học trong môi trường quốc tế, học hệ chất lượng cao, các chương trình song ngữ hoặc các chương trình liên kết quốc tế. Năm 2019, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM vẫn áp dụng chương trình đào tạo hệ chất lượng cao hoàn toàn bằng tiếng Anh ở hầu hết các ngành đào tạo cùng chương trình liên kết quốc tế với ĐH SunderLand (Anh) đối với ngành quản trị kinh doanh, kỹ thuật điện – điện tử. Theo ThS. Lý Thiên Trang (đại diện nhà trường), các chương trình chất lượng cao tiếng Anh và chương trình liên kết quốc tế không chỉ trang bị khả năng tiếng Anh cho người học mà còn tạo điều kiện để người học tiếp cận các kiến thức chuyên ngành theo chuẩn quốc tế. “Nếu không thể vào được hệ đại trà, các em có thể lựa chọn hệ chất lượng cao hoặc liên kết quốc tế. Tuy nhiên, khi lựa chọn cần phải cân nhắc vào điều kiện gia đình vì ở các chương trình này mức học phí sẽ cao so với hệ đại trà dù khả năng trúng tuyển so với hệ đại trà là cao hơn”, ThS. Trang nhấn mạnh.
Đại diện ban tư vấn hướng dẫn các em học sinh lựa chọn ngành nghề
Tương tự, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong mùa tuyển sinh năm 2019 tiếp tục duy trì chương trình đào tạo song ngữ (chương trình liên kết quốc tế) tại Viện Đào tạo quốc tế Nguyễn Tất Thành với các chuyên ngành kế toán và tài chính, quản trị kinh doanh, quản trị khách sạn. Thông tin về chương trình đào tạo này, ThS. Trương Quang Trị (đại diện nhà trường) cho biết chương trình này chỉ có thời gian đào tạo 2,5 năm. Sau khi kết thúc chương trình, sinh viên có thể lựa chọn chuyển tiếp lên bậc học cao hơn trong và ngoài nước với các trường có sử dụng kết quả của chương trình liên kết này. Điều kiện để tham gia xét tuyển vào chương trình là người học phải tốt nghiệp THPT đồng thời phải có chứng chỉ IELTS thấp nhất đạt 4.5.
Đối với Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, chương trình liên kết quốc tế trong năm 2019 được áp dụng cho các ngành công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, quản trị nhà hàng và khách sạn với nhiều trường ĐH lớn trên thế giới. Đại diện nhà trường, ông Nguyễn Quốc Huy (Ban tuyển sinh) cho hay, với chương trình liên kết quốc tế, người học có cơ hội nhận bằng cấp quốc tế ngay tại Việt Nam. “Đây được coi là một trong những hình thức du học ngay tại Việt Nam đang ngày càng được nhiều người lựa chọn. Bởi mức chi phí vừa phải cùng với đó là dù được học tập, hòa nhập trong môi trường và văn hóa quốc tế nhưng người học không phải đối mặt với cú sốc tâm lý – vấn đề thường gặp khi đi du học”, ông Huy cho biết.
Tại Trường ĐH Hoa Sen, năm 2019 chương trình liên kết quốc tế được áp dụng cho các ngành kinh doanh quốc tế, quản lý khách sạn – nhà hàng quốc tế, mở ra thêm cơ hội học tập trong môi trường quốc tế cho những thí sinh có đam mê trong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ.
L.Quân
Bình luận (0)