Là ngày cuối tuần nên HS Trường Tiểu học Chương Dương (Q.5) được ăn bánh canh thay vì ăn cơm (ảnh chụp trưa ngày 4-1-2013) |
Năm nào cũng vậy, sau Tết Dương lịch là thực phẩm bắt đầu tăng giá. Và càng những ngày giáp Tết Nguyên đán thì giá thực phẩm càng tăng. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tổ chức bán trú của các trường học. Vậy, các trường học tại TP.HCM sẽ xoay xở như thế nào để đảm bảo nhu cầu cho khoảng 700.000 học sinh (HS) ăn trưa tại trường…
Tối đa dùng hàng Việt
Mấy năm trở lại đây, các quận, huyện đã linh động đưa ra nhiều mức tiền ăn để các trường tổ chức bán trú và phụ huynh HS chọn. Năm nay, theo ghi nhận của chúng tôi thì mức tiền ăn dao động từ 20-30 ngàn đồng/HS/ngày. Theo đó, những trường đóng trên địa bàn có điều kiện kinh tế phát triển thì tiền ăn của HS có thể lên tới 28-30 ngàn đồng/ngày. Còn những trường có đông HS nghèo thì tiền ăn chỉ ở mức 20-24 ngàn đồng/ngày. Dù thu ở mức nào thì các trường vẫn phải đảm bảo khoảng 50% nhu cầu calo/ngày cho HS. Hiệu trưởng một trường mầm non ở Q.1 cho biết: “Sau khi thỏa thuận với phụ huynh trong buổi họp đầu năm, nhà trường đã quyết định thu tiền ăn là 30 ngàn đồng/cháu/ngày. Thời điểm này, giá cả các mặt hàng còn thấp nên thực đơn của nhà trường có nhiều món ăn ngon. Nay cái gì cũng tăng giá, từ giá gas, giá điện cho đến giá sữa, thịt – cá, rau – củ – quả… Vì vậy, chúng tôi đành phải cắt giảm một số thực phẩm đắt tiền. Trước đây, nhà trường cho trẻ uống sữa ngoại nay chuyển qua sữa nội. Trái cây cũng vậy, hồi tháng 9, tháng 10, mỗi tuần lại cho trẻ ăn nho, cam, táo Mỹ vài ba lần nay thì chỉ ăn trái cây trong nước như thanh long, chuối cau, mận, dưa hấu. Thực phẩm thì hạn chế đưa các loại thịt bò, mực, tôm (loại lớn), cua bể vào thực đơn. Về lượng calo/bữa ăn thì vẫn đảm bảo theo quy định, song chất lượng thì không bằng”.
Hiệu trưởng một trường mầm non ở Q.Tân Bình cũng cho biết: Thời gian đầu nhà trường cho trẻ ăn xế bằng yaourt của các công ty sữa, nay giá tăng mà tiền ăn của cháu không tăng nên nhà trường tự làm cho cháu ăn.
Năm học này, UBND Q.5 cho phép các trường trên địa bàn quận thu tiền ăn từ 20-25 ngàn đồng/HS/ngày. Trường Tiểu học Chương Dương đóng trên địa bàn dân cư còn khó khăn của quận nên nhà trường chỉ thu 22 ngàn đồng/HS/ngày. Đầu năm học, giá cả thực phẩm chưa cao nên trong thực đơn có các món như mực sữa dồn thịt chiên, bò xào thập cẩm. Cô Lê Thị Bạch Tuyết – Hiệu trưởng nhà trường, thừa nhận: “Những món này, HS rất thích ăn. Tuy nhiên, giá cao quá nên vài tháng nay chưa dám cho các em ăn lại”…
Có thể không tăng tiền ăn
Không còn điều kiện để cho HS được ăn những món cao cấp, Trường Tiểu học Chương Dương thế vào đó bằng các món trứng, thịt heo, thịt gà, cá… Và để kích thích HS ăn hết suất, nhà trường thường xuyên phải thay đổi thực đơn. Ngoài cơm, HS còn được ăn các món như bánh canh, hủ tiếu, cơm chiên Dương Châu vào những ngày cuối tuần. Ngày 4-1-2013 là thứ sáu nên các em được ăn món bánh canh nấu với xương, thịt, nấm và cà rốt. Bữa xế thì uống sữa hộp.
“Chúng tôi sẽ cố gắng choàng gánh để đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu calo/bữa cho HS chứ không thể tăng tiền ăn. Phụ huynh ở đây, phần lớn là khó khăn, nếu tăng tiền ăn thì họ sẽ rất khó khăn, thậm chí còn không cho con học bán trú nữa. Như vậy, sẽ rất tội cho HS”, cô Tuyết cho biết.
Trường Tiểu học Nguyễn Văn Hưởng (Q.7) có trên 1.100 HS, trong đó có hơn 800 em ăn trưa tại trường. Tiền ăn hiện nay là 25 ngàn đồng/ngày/HS. Do nhà trường đặt suất ăn công nghiệp nên khi giá cả thực phẩm tăng không thể không ảnh hưởng đến khẩu phần ăn của HS. Mặc dù vậy, theo đại diện Ban giám hiệu nhà trường thì: “Sang học kỳ II, chúng tôi vẫn giữ nguyên giá tiền ăn này. Bởi ngay từ đầu năm học đã thỏa thuận với phụ huynh như vậy”…
Biết được quy luật tăng giá vào những ngày cuối năm nên ngay từ đầu năm học, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Bành Văn Trân (Q.Tân Bình) đã thỏa thuận và thống nhất với phụ huynh thu mức tiền ăn tối đa mà UBND quận cho là 28 ngàn đồng/HS/ngày. Thầy Nguyễn Nghĩa Dũng – Hiệu trưởng nhà trường, nói: “Chúng tôi đã tính toán kỹ rồi, với mức thu này sẽ đảm bảo tốt bữa ăn trưa và ăn xế tại trường cho HS. Vả lại, trường tổ chức nấu ăn nên sẽ tự chủ hơn khi giá cả thực phẩm, gas có biến động”. Được biết, Trường Tiểu học Bành Văn Trân có gần 2.300 HS, song do thiếu phòng học nên chỉ có chưa đầy 1.000 em được học bán trú…
Cũng đóng trên địa bàn Q.Tân Bình nhưng Trường Mầm non Tuổi Xanh chỉ thu tiền ăn ở mức thấp nhất theo khung mà UBND quận cho phép – 24 ngàn đồng/HS/ngày. “Hiện tại, nhà trường vẫn đảm bảo được chất lượng bữa ăn của cháu. Sang học kỳ II nếu giá cả tiếp tục tăng thì chúng tôi sẽ tăng tiền ăn lên 25 ngàn đồng. Trước đó, trong buổi họp đầu năm, nhà trường và phụ huynh đã thống nhất như vậy”, cô Nguyễn Thị Kim Dung – Hiệu trưởng nhà trường khẳng định.
Bài, ảnh: Hòa Triều
Bình luận (0)