Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Chạy nước rút với liên thông

Tạp Chí Giáo Dục

Những TS liên thông chưa đủ 3 năm tính từ ngày tốt nghiệp sẽ thi môn văn hóa theo “3 chung” tại kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ

Nhiều thí sinh (TS) đang chạy nước rút ôn luyện cho đợt thi liên thông cuối cùng vào tháng 1 này trước khi quy chế mới về liên thông do Bộ GD-ĐT ban hành có hiệu lực.
Ngày 7-2, khi bộ chính thức áp dụng quy chế mới về liên thông, nhiều TS lo sợ rằng “suất” vào ĐH của họ ngày càng mỏng manh…
Cơ hội chót!
Căng thẳng, áp lực là tâm lý của hầu hết TS có ý định dự thi liên thông hiện nay. Nhất là khi các em ý thức được rằng, bằng mọi giá mình phải đậu ĐH nếu không muốn dài cổ chờ đợi đến 3 năm nữa mới được dự thi theo quy định mới. Còn thi sớm hơn, phải “đụng” đến kiến thức văn hóa lại là điều khiến các em càng e ngại.
Nguyễn Bích Ngọc (vừa tốt nghiệp ngành kế toán Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Phú Lâm) cho biết, em dự định đến năm tới sẽ thi liên thông vào ĐH Sài Gòn. Thế nhưng, sau khi biết có quy định mới, Ngọc liền tức tốc đăng ký ngay đợt thi liên thông vào Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM sẽ diễn ra ngày 27-1 tới. Ngọc giải thích: “Thực ra, khi bắt đầu chọn học CĐ, không chỉ em mà nhiều bạn cùng “ôm mộng” sẽ học lên cao hơn. Cầm bằng CĐ đi xin việc, nhiều nơi không nhận. Hầu như chỉ có những công ty tư nhân mới chấp nhận bằng CĐ. Trong khi đó, phải ôn lại các môn văn hóa để dự thi liên thông, em không thể nào nhớ nổi. Chờ đến 3 năm nữa mới thi thì quá… mỏi mòn. Chưa nói, nếu đậu và bỏ thêm thời gian học, khi tốt nghiệp tuổi của em cũng đã khá lớn”.
Nguyễn Thị Quỳnh Mai vừa tốt nghiệp ngành kinh doanh xuất nhập khẩu Trường CĐ Kinh tế đối ngoại. Mai cũng cho biết, em không có ý định liên thông nhưng sau một quá trình tìm việc khá vất vả, “gõ cửa” trên chục nơi mà không có tín hiệu, em quyết định sẽ học lên cao hơn nhằm cải thiện bằng cấp cho dễ xin việc. Em mới nộp hồ sơ đăng ký vào ngành kinh doanh quốc tế Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM trước khi chốt hạn một ngày. “Thi năm nay thì còn có hy vọng, chứ để năm tới cơ hội không cao vì em hầu như đã quên các kiến thức văn hóa cũ”, Mai bộc bạch.
Áp lực không chỉ dành riêng cho TS, vì chưa tuyển đủ chỉ tiêu (CT), hiện nhiều trường ĐH cũng mở đợt thi liên thông cuối vào tháng 1 và đặt nhiều “kỳ vọng”. Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng thông báo nhận hồ sơ đến 22-1 cho đợt tuyển sinh liên thông cuối năm trình độ TCCN và CĐ lên ĐH. Có lẽ vì trong thời điểm chạy nước rút nên thời gian ôn thi cũng ngay trong 22-1. Thời gian thi tuyển vào 31-1 và 1-2-2013. Có 9 ngành liên thông từ trình độ TCCN và 11 ngành hệ CĐ lên ĐH. Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng thông báo nhận hồ sơ đến hết ngày 10-1 và tổ chức thi vào 20-1.
ThS. Phạm Thái Sơn (Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm) cho biết, hiện trường đã nhận được trên 500 hồ sơ đăng ký. Toàn CT liên thông năm nay tại trường là 1.400, đợt trước đã tuyển được trên 800 em. Đợt này trường sẽ tuyển bổ sung khoảng 600 CT nữa.
Bằng lòng với bằng cấp?

Thực tế, quy chế liên thông mới cũng nhận được sự đồng thuận từ phía các trường ĐH, CĐ lẫn TCCN vì ở nhiều góc độ, nó sẽ góp phần cải thiện chất lượng. ThS. Phạm Thái Sơn nêu quan điểm, ban đầu có thể do chưa quen, người học sẽ có tâm lý bỏ thi liên thông mà quay lại ôn thi thẳng vào ĐH chính quy. Nhưng về lâu dài, nó sẽ giúp hình thành “nếp” suy nghĩ và ý thức trong người học. Dần dần, họ sẽ có tâm lý “bằng lòng” với trình độ và bằng cấp đạt được.
Ông Trương Văn Hùng (Phó hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Phú Lâm) bày tỏ, quy định mới sẽ siết lại hệ đào tạo liên thông, chỉ khó cho TS ở chỗ các em không còn nhớ kiến thức văn hóa để “chọi” với những em khác khi thi ĐH. “Nhiều người quan niệm không cần siết đầu vào nhưng trong tình trạng đào tạo liên thông bát nháo ở nước ta hiện nay thì không chỉ phải siết đầu vào mà trong suốt quá trình đào tạo còn cần có đánh giá chất lượng”, ông Hùng nhận định.
Đại diện một trường TC nghề cũng nhấn mạnh, đã đến lúc người học cần biết chấp nhận trình độ, bằng cấp mà mình theo đuổi. Học TC, CĐ ra thì làm việc đúng với trình độ đạt được, không nhất thiết phải liên thông ĐH bằng mọi giá.
Thực tế, để được như thế thì vấn đề giải quyết việc làm cho người học ở những trình độ TC, CĐ, hệ đào tạo nghề cần được đặc biệt chú trọng. Bởi trong điều kiện xã hội còn quá trọng bằng cấp như nước ta, nếu chỉ nói suông rằng cứ yên tâm “học gì làm nấy” thì cái khó nhất vẫn thuộc về người học. Vì dù sao khi đi xin việc, tấm bằng ĐH vẫn nhận được nhiều sự ưu tiên hơn và các hệ đào tạo thấp hơn vẫn chịu cảnh… lép vế.
Bài, ảnh: Mê Tâm
 
20% CT liên thông chính quy là hơi “gắt”
ThS. Phạm Thái Sơn (Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm) nhận định: “Quy chế mới chỉ cho phép mỗi trường dành 20% CT liên thông chính quy, điều này là hơi “gắt”. Về tâm lý, những em tốt nghiệp CĐ có trình độ khá giỏi đều có mong muốn liên thông ở bậc chính quy nhiều hơn. Trong khi đã có rất nhiều ràng buộc khác nhằm siết đầu vào và chất lượng, nên chăng để các trường tự chủ động xác định CT hệ chính quy hay vừa làm vừa học dựa trên năng lực đào tạo của chính đơn vị. Chẳng hạn, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm tổ chức 12 ngành cho liên thông chính quy. Với tổng CT ĐH chính quy toàn trường năm nay là 2.600, thì lượng CT liên thông chính quy chỉ còn khoảng 500. Số CT này chia đều cho 12 ngành thì mỗi ngành chỉ có khoảng vài chục em, gây khó cho công tác tuyển sinh, bố trí lớp đào tạo. Chưa nói, năm nay trường dự kiến bổ sung thêm 5 ngành mới, chủ yếu là các ngành kỹ thuật, số lượng người học sẽ càng bị “xé lẻ” hơn. Việc giới hạn CT như vậy gây khó cho các trường có lượng ngành nghề nhiều. Nếu không tuyển đủ mà chỉ giới hạn tuyển ngành này bỏ ngành kia thì lại không công bằng và mất cơ hội cho người học”. 
 

Bình luận (0)