Ảnh minh họa – một giờ hoạt động vui chơi trong lớp của trẻ
Thực đau lòng cho ba cháu bé ở Hà Nam bị bỏng cồn, do các cô giáo ở trường mầm non tư thục sử dụng giáo cụ để dạy phòng cháy chữa cháy, dạy thoát hiểm. Một sự việc xảy ra, làm cho tất cả phụ huynh có con nhỏ, khi chuẩn bị vào mầm non, không khỏi ưu tư lo lắng, đồng thời nói lên một vấn đề đáng lưu tâm của ngành giáo dục mầm non hiện nay.
Ai cũng nghĩ, dạy trẻ rất dễ dàng, chỉ một bài dạy từ 20-30 phút, tùy theo độ tuổi, là đơn giản, muốn đưa ra tình huống nào thì đưa, hình ảnh trực quan không phù hợp với độ tuổi tự tiện đưa vào mà không nghiên cứu trước, thì với quan điểm đó, suy nghĩ đó. Với tôi, là sự thờ ơ, thiếu kiến thức chuyên môn trong suy diễn, học tập, không nghiên cứu giáo trình – giáo án kỹ lưỡng trước khi đưa vào ứng dụng trong tiết dạy.
Tôi nghĩ và chắc chắn rằng những người làm công tác giáo dục luôn ý thức rằng dạy kỹ năng cho học sinh mầm non rất cần kiến thức, sự chuẩn bị tiết dạy, có mục đích yêu cầu chi tiết, soạn giáo án được nghiên cứu thật cụ thể. Điều này vô cùng quan trọng, bởi nó quyết định cho việc truyền tải nội dung, thông điệp dễ hiểu nhất cho trẻ em. Ở độ tuổi mầm non, nguy hiểm luôn bao vây, rập rình chung quanh các em, ngay cả những hột hạt để đếm, sợi dây thun, cây bút chì màu, cây kéo thủ công, cây viết chì, có đôi khi cũng trở thành vật nguy hại đến các em, huống chi là “cồn” – một dạng dễ bén cháy, độ cháy lây lan cao.
Buổi tối nay, tôi coi chương trình thời sự trên các đài truyền hình VTV, HTV, các tin tức từ các trang báo về tình hình sức khỏe của các cháu bé, mà bản thân cũng là một giáo viên mầm non, tôi không khỏi bàng hoàng tiếc nuối cho các đồng nghiệp ở Trường Mầm non tư thục Tuổi Thơ tại xã Duy Minh – huyện Duy Tiên – tỉnh Hà Nam. Bởi đã tạo một tình huống dạy để các cháu thoát hiểm, thật sự không phù hợp với trẻ con. Ngay cả với những khối lớp lớn hơn, hoặc chính người lớn chúng ta, khi thấy lửa còn lúng túng, chưa xử lý kịp thời được, huống chi là bày ra trước mặt những đứa trẻ, độ tuổi rất tò mò, tinh nghịch, chưa ý thức được sự nguy hiểm của lửa.
Ảnh minh họa – Chuẩn 6 phát triển trong bộ chuẩn phát triển trẻ em 5-6 tuổi
Việc tạo ra những tình huống, hiện tượng, thu hút trẻ chú ý vào tiết dạy, có rất nhiều lựa chọn, đâu nhất thiết phải tạo ra tình huống lửa, tại sao có thể lấy lửa ra để giả định với trẻ con, trong khi bản thân cô giáo còn chưa thể giữ nổi bình tĩnh khi mâm học cụ chứa cồn bén lửa. Tôi lại nghĩ đến Ban Giám hiệu, đặc biệt là vai trò chuyên môn của cô hiệu phó trường này, tại sao lại có thể duyệt một giáo án với sự bất cẩn, thờ ơ, không lường trước hậu quả như trên.
Theo tôi được biết thì trong chương trình giáo dục mầm non, có phần dạy kỹ năng sống cho trẻ, ở chuẩn 6 phát triển trẻ em đó chỉ là những bài học:
“Chuẩn 6: Trẻ có hiểu biết và thực hành an toàn cá nhân.
-Chỉ số 21. Nhận ra và không chơi một số đồ vật có thể gây nguy hiểm.
– Chỉ số 22. Biết và không làm một số việc có thể gây nguy hiểm.
– Chỉ số 23. Không chơi ở những nơi mất vệ sinh, nguy hiểm.
– Chỉ số 24. Không đi theo, không nhận quà của người lạ khi chưa được người thân cho phép.
– Chỉ số 25. Biết kêu cứu và chạy khỏi nơi nguy hiểm.
– Chỉ số 26. Biết hút thuốc lá là có hại và không lại gần người đang hút thuốc”.
Từ chuẩn phát triển của trẻ em 5-6 tuổi này, giáo viên sẽ dựa vào để đưa ra những tiết dạy, nhằm truyền tải những nội dung trên, chuẩn 6- là chuẩn hiểu biết và thực hành về an toàn cá nhân. Rõ ràng, người không cần có chuyên môn về giáo dục mầm non, cũng nhận biết, việc không cần thiết tạo tình huống phải dùng đến lửa như Trường Mầm non Tuổi Thơ đã làm. Chúng ta chỉ cần dạy cho trẻ biết lối thoát hiểm, cách kêu cứu, cách di chuyển xếp hàng, không hoảng sợ, và chờ đợi người lớn đến cứu. Đâu cần thiết phải dạy trẻ chữa cháy, phải dập lửa, tạo lửa cháy thật.
Khi tôi tìm hiểu và phân tích tình huống gây tai nạn cho cháu bé, tôi đặt ra rất nhiều câu hỏi, tại sao một giáo viên mầm non, là người trực tiếp chăm sóc trẻ, mà một nguyên lý cơ bản về sự bén cháy của cồn khi gặp gió, và các tác nhân, các phản ứng xảy ra, không lường trước được, không xử lý được, lại có thể sử dụng đến phương pháp đó, để hướng dẫn cho các em bé, mà sự tò mò, vô tư và hiếu động của lứa tuổi mầm non. Tôi nghĩ rằng, trước tiên chúng ta cần phải nhìn lại việc đào tạo giáo viên mầm non, đào tạo như thế nào với những tấm bằng cử nhân sư phạm liên tục được cấp, mà những tai nạn thương tích vẫn luôn xảy ra. Thứ hai là câu hỏi về vai trò của các chủ trường, các cán bộ quản lý, khi duyệt nội dung, kiểm tra chương trình giảng dạy của trường mình, để việc sử dụng học cụ trực quan, một cách thiếu khoa học như vậy, cứ tưởng là lý thú cho trẻ, nhưng lại là nguy hại đến tính mạng cho trẻ, mang thương tật – di chứng suốt cuộc đời.
Tôi nghĩ rằng, tất cả những người lớn chúng ta, cần một lần nữa nhìn lại sự an toàn cho trẻ, giáo dục mầm non, là cấp học những ngày đầu đời, như một mầm cây đang rất cần sự vun đắp của toàn xã hội, nên rất cần được lưu tâm chú ý, áp lực những thành tích, những đổi mới trong giáo dục mầm non cũng chỉ nên vừa đủ, hoan nghênh việc giảng dạy sáng tạo trong giờ học, nhưng xin đừng dùng lửa, dùng những hình thức ngoài tầm khả năng kiểm soát của mình, mà mối nguy dành cho trẻ.
Tôi ví dụ, nếu tôi muốn tạo tình huống cháy, tôi chỉ cần lên mạng tải âm thanh, tiếng còi xe chữa cháy, hú inh ỏi thì đã có một tình huống cho các cháu diễn tập rồi. Hoặc có thể kể một câu chuyện cho các cháu nghe – đàm thoại – đóng kịch cùng các cháu, sáng tác – tìm kiếm một bài thơ về phòng cháy, thoát hiểm cho các cháu đọc thuộc là hiệu quả mang lại rất cao. Có cần lắm không, khi chúng ta làm việc mà không lường trước được hậu quả nghiêm trọng của nó để lại.
Trước những khó khăn và thử thách đang lớn dần, khi chuẩn bị vào năm học mới, mà chúng ta nghe được những tin tức lẽ ra không nên có này, thật đáng buồn làm sao. Người lớn ơi, xin đừng thờ ơ với những đứa trẻ ngây thơ bằng những hành động thiết thực nhất.
Hồ Xuân Đà
Bình luận (0)