Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992: Giải quyết được một số bất cập, tồn tại

Tạp Chí Giáo Dục

Ngành GD-ĐT TP.HCM tích cực tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, giáo viên, HS-SV trong ngành. Ảnh: Anh Khôi

Tính đến ngày 21-2, toàn ngành GD-ĐT Q.Tân Bình đã tổ chức 38 cuộc hội nghị, hội thảo với 982 lượt người tham dự, trong đó có 52 ý kiến đóng góp cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
100% ý kiến tán thành nội dung dự thảo
Đánh giá chung về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, 100% ý kiến tán thành nội dung dự thảo. Cụ thể, dự thảo thể hiện được cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; nội dung đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt, trong sạch, vững mạnh; tổ chức tinh gọn và hợp lý; tăng tính dân chủ và pháp quyền trong điều hành của Chính phủ; xác lập cơ chế bảo đảm phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam XHCN dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, thực hành dân chủ XHCN; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đổi mới tổ chức hoạt động của chính quyền theo hướng bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện những chính sách trong phạm vi được phân cấp; xây dựng mô hình chính quyền địa phương có sự phân biệt về tổ chức, thẩm quyền của chính quyền ở các vùng, miền khác nhau. Đặc biệt, đã giải quyết được một số vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992; bảo đảm là đạo luật cơ bản của Nhà nước, có tính dự báo và ổn định lâu dài.
Về bố cục của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 so với Hiến pháp 1992 đã giảm 1 chương và 23 điều nhưng đảm bảo tính hợp lý, sự đầy đủ và toàn diện.
52 ý kiến bổ sung
LTS: Thực hiện kế hoạch 163 ngày 17-1-2013 của Sở GD-ĐT TP.HCM, thời gian qua các đơn vị trong ngành đã tích cực tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, nhân viên, HS-SV ngành GD-ĐT TP về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Từ số báo này, Giáo Dục TP.HCM mở chuyên mục Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 để đăng tải những ý kiến này…
chương I (từ điều 1 đến 14), điều 2 nên sửa lại là: Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan độc lập Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Điều 7 nên bổ sung thêm 3 chức danh nữa để dân bầu trực tiếp là Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội trong số đại biểu Quốc hội đã trúng cử. Điều 8 nên sửa lại là: Nhà nước tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch, dân chủ, tập trung.
Chương II (từ điều 15 đến 52), điều 21 nên thay đổi – Mọi người có quyền được sống, tồn tại, phát triển và tự do bảo vệ chính kiến của mình. Điều 42 cần ghi rõ ở bậc tiểu học không phải đóng học phí. Mọi công dân đều có quyền học văn hóa, học nghề bằng nhiều hình thức. Học sinh có năng khiếu được Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập để phát triển tài năng.
Chương III (từ điều 53 đến 68), điều 65 nên quy định Nhà nước đảm bảo phát triển GD-ĐT, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Điều 66 cần nói rõ – Phát triển trên cơ sở ứng dụng thành tựu tiên tiến của khoa học giáo dục phát triển và những yếu tố tích cực của nền kinh tế thị trường. Mỗi cơ sở đào tạo tự chịu trách nhiệm trước xã hội về chất lượng đào tạo của mình.
Chương V (từ điều 74 đến 90): Góp ý cho điều 78 – Số thành viên Chính phủ chỉ được chiếm tối đa 1/3 trong tổng số thành viên của Quốc hội.
Chương VI (từ điều 91 đến 98) – góp ý bổ sung vào khoản 1 điều 91, Chủ tịch nước có quyền bãi bỏ các văn bản của Chính phủ, các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ nếu văn bản đó không phù hợp với Hiến pháp và pháp luật.
Chương VIII (từ điều 107 đến 114), góp ý cho điều 108 – Nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa được đảm bảo, phán quyết của tòa phải căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa.
Chương X (từ điều 120 đến 122), có ý kiến cho rằng nên thành lập tòa án Hiến pháp để tạo ra một cơ chế độc lập và đủ quyền lực để bảo vệ có hiệu quả, tuyệt đối những nội dung của Hiến pháp.
Kim Anh (tổng hợp)
Cần quy định cụ thể chính quyền đô thị và nông thôn
Cuối tuần qua, HĐND TP.HCM khóa VIII đã tổ chức kỳ họp thứ 8 chuyên đề lấy ý kiến đại biểu về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Tại đây, nhiều đại biểu đã đề nghị cần quy định cụ thể chính quyền địa phương gồm chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Bởi trên thực tế, tổ chức bộ máy chính quyền ở đô thị và nông thôn có nhiều điểm khác nhau.
Đại biểu Nguyễn Văn Đua (Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM) cho rằng, với quy định như dự thảo, TP sẽ không có cơ hội thí điểm đề án của TP khi đưa ra mô hình “TP trong TP” với bốn TP Đông, Tây, Nam, Bắc nằm trong đô thị lớn là TP.HCM. Vì vậy, nên phân biệt rõ chính quyền đô thị và nông thôn. Việc sửa đổi hợp lý sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tế, tổ chức chính quyền địa phương tinh gọn hơn…
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng cho rằng, theo Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, nội dung quy định về vai trò, tính chất HĐND trong chương chính quyền địa phương gần như không thay đổi so với Hiến pháp 1992. Do đó, rất cần ghi cụ thể thêm trong chương này là “chính quyền địa phương cần phù hợp với đô thị, nông thôn” để làm tiền đề cho việc xây dựng chính quyền đô thị sau này. Quy định như vậy sẽ mở đường cho các đô thị đang phát triển, nhất là đô thị đầu tàu trong cả nước ngày càng phát triển nhằm đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước.
Tại kỳ họp này, các đại biểu cũng đã biểu quyết thống nhất việc lấy, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu. Theo đó, HĐND TP thực hiện lấy, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ chủ tịch HĐND, các phó chủ tịch HĐND, ủy viên thường trực HĐND, trưởng ban HĐND; chủ tịch UBND, các phó chủ tịch UBND, các ủy viên của UBND. Còn HĐND xã, thị trấn thực hiện lấy, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ chủ tịch HĐND, phó chủ tịch HĐND xã, thị trấn; chủ tịch UBND, các phó chủ tịch UBND, các ủy viên của UBND xã, thị trấn. Việc này được thực hiện định kỳ tại kỳ họp thường lệ đầu tiên hằng năm của HĐND kể từ năm nay. Về việc bỏ phiếu tín nhiệm, theo bà Trương Thị Ánh – Phó chủ tịch HĐND TP.HCM – sẽ bỏ phiếu kín. Nếu người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu HĐND bỏ phiếu “không tín nhiệm” thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã giới thiệu người đó có trách nhiệm trình HĐND TP xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức. Việc lấy, bỏ phiếu tín nhiệm sẽ thực hiện công khai, dân chủ, đảm bảo đánh giá đúng người được lấy và bỏ phiếu tín nhiệm.
Ngoài ra, các đại biểu cũng chấp thuận chủ trương của UBND TP kết thúc thu phí hoàn vốn dự án chuyển nhượng quyền thu phí đường Điện Biên Phủ và Kinh Dương Vương kể từ ngày 31-3; tiến hành thu phí hoàn vốn đầu tư dự án cầu Rạch Chiếc mới trên xa lộ Hà Nội kể từ ngày 1-4.
Hòa Triều
 
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)