Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tín dụng HS-SV: Sẽ có mức vay khác nhau tùy theo ngành học

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 21-2, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện quyết định số 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HS-SV). Điểm cầu truyền hình đặt tại Văn phòng Chính phủ và 63 đầu cầu thuộc UBND các tỉnh/ thành. Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, qua 5 năm thực hiện chính sách tín dụng HS-SV, tổng doanh số cho vay đến ngày 31-12-2012 đạt 43.362 tỷ đồng, doanh số cho vay bình quân 7.227 tỷ đồng/năm. Dư nợ 35.802 tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn là 167 tỷ đồng (tỷ lệ 0,47%). Chương trình đã cho hơn 3 triệu lượt HS-SV vay vốn. Đến nay còn 1,9 triệu hộ gia đình đang vay vốn cho trên 2,3 triệu HS-SV đi học. Qua kiểm tra tại 16.251 xã, phường, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phát hiện 3.639 hộ vay sai chính sách (chiếm 0,62% số hộ được kiểm tra), trong đó xác nhận sai đối tượng là 3.501 hộ, sử dụng vốn sai mục đích là 138 hộ. Ngân hàng Chính sách xã hội đã kiên quyết xử lý những trường hợp này.
Theo đánh giá của Ngân hàng Chính sách xã hội, chương trình đang gặp khó do nguồn vốn chưa có tính ổn định, bền vững. Theo kế hoạch, giai đoạn 5 năm (2013-2017) dự kiến tổng nguồn vốn của chương trình khoảng 45.000 tỷ đồng. Bên cạnh việc tập trung huy động mọi nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay của HS-SV, Ngân hàng Chính sách xã hội phấn đấu thu hồi và xử lý tốt nợ đến hạn, bổ sung nguồn vốn cho vay quay vòng. Củng cố  nâng cao chất lượng tín dụng, phấn đấu tỷ lệ nợ quá hạn dưới 1%.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã biểu dương những cố gắng của Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngành liên quan đã làm tốt chương trình trong 5 năm qua. Trước kiến nghị của nhiều địa phương về việc điều chỉnh tăng mức cho vay (hiện nay mức vay 1 triệu đồng/người/tháng), mở rộng đối tượng vay, Phó thủ tướng chỉ đạo: Do nguồn vốn hạn hẹp nên không thể tăng mức vay nhưng Ngân hàng Chính sách xã hội cần phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu điều chỉnh mức cho vay. Cụ thể những ngành có học phí cao thì mức phát vay phải cao hơn những ngành học phí thấp, không phát vay bình quân như hiện nay. Đối với  SV-HS ra trường chưa có việc làm, cần phân biệt người không đi làm và người đang làm công việc trái ngành đào tạo, để có biện pháp thu hồi vốn. Với gia đình có 2 con trở lên đang theo học ĐH, trường nghề cần phân biệt hộ đó có khó khăn không? Thực tế, nhiều gia đình nuôi được 3-4 con học ĐH, CĐ mà không trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước.
Đan Phượng

Bình luận (0)