Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cần quy định rõ hơn quyền và nghĩa vụ của công dân

Tạp Chí Giáo Dục

Những ngày qua, các đơn vị trong ngành GD-ĐT TP.HCM đang tích cực góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992. Theo đó, một trong những vấn đề được các cán bộ, giáo viên, nhân viên của ngành quan tâm nhất đó chính là quyền và nghĩa vụ của công dân…
Cụ thể, ở điều 19, bà Nguyễn Thị Minh Châu (ngành GD-ĐT Q.8) đề nghị bỏ cụm từ “không thể tách rời” trong câu: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”. Điều 27, bà Châu cũng đề nghị bỏ câu: “Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội”. Cũng tại điều 27, một nhà giáo thuộc ngành GD-ĐT Q.Phú Nhuận đề nghị bổ sung vào khoản 3 câu: “Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử, kì thị về giới”.
Điều 32, khoản 2: “Người bị buộc tội có quyền được tòa án xét xử. Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm”, bà Nhan Kim Hoa (ngành GD-ĐT Q.8) đề nghị điều chỉnh: “Không ai bị kết án hai lần vì một tội” hoặc “Không ai bị kết án hai lần vì một tội đã phạm”. Ngoài ra, bà Hoa cũng đề nghị bổ sung: “Nghiêm cấm đánh đập, tra khảo người bị tình nghi phạm tội, người bị tạm giam”. Tại ngành GD-ĐT Q.Phú Nhuận, có ý kiến sửa đổi: “Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm trong cùng một vụ án”.
Ở chương II: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, nhiều ý kiến đề nghị cần phân biệt khi nào là người Việt Nam và khi nào là công dân Việt Nam; mặt khác cần đề cập đến quyền của những người thuộc giới tính thứ ba như chuyển đổi giới tính, kết hôn nhằm tạo cơ sở để sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân gia đình cho phù hợp với tình hình thực tế xã hội hiện nay. Điều 39, khoản 1 trong nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nêu: “Nam, nữ có quyền kết hôn và ly hôn”. Theo một số ý kiến của Trung tâm GDTX Q.1 thì như vậy là không đảm bảo quyền kết hôn và lập gia đình cho người đồng tính, song tính và chuyển giới. Vì vậy đề nghị sửa lại là: “Mọi công dân có quyền kết hôn và ly hôn. Hai người độc thân có quyền kết hôn theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, tôn trọng lẫn nhau”.
Điều 21: “Mọi người có quyền được sống”, một số nhà giáo ở Trung tâm GDTX Q.1 và ngành GD-ĐT Q.Phú Nhuận băn khoăn liệu những người mắc bệnh nan y không thể chữa trị, xin được chấm dứt sự sống thì có vi phạm Hiến pháp không? Có ý kiến đề nghị sửa điều 21 là: “Mọi người có quyền sống, quyền làm việc và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Điều 42: “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập”, nhiều ý kiến cho rằng quy định như vậy là quá ngắn gọn, chưa thể hiện rõ sự quy định ở từng nội dung, bậc học. Theo đó, Trung tâm GDTX Q.1 đề nghị sửa điều 42 là: Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí. Bậc đại học nên miễn cho sinh viên tiền đóng thẻ đọc sách ở thư viện quốc gia. Công dân có quyền học văn hóa và học nghề bằng nhiều hình thức. Học sinh có năng khiếu được Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập để phát triển tài năng. Nhà nước có chính sách học phí, học bổng. Nhà nước và xã hội tạo điều kiện cho trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác được học văn hóa và học nghề phù hợp.
Điều 39 (sửa đổi, bổ sung điều 64 của Hiến pháp 1992) đã bỏ cụm từ: “Cha mẹ có trách nhiệm nuôi dạy con thành những công dân tốt. Con cháu có bổn phận kính trọng và chăm sóc ông bà, cha mẹ”, nhiều ý kiến của nhà giáo thuộc ngành GD-ĐT Q.Phú Nhuận đề nghị cần giữ nguyên cụm từ này.
Nhà giáo Nguyễn Lâm Quang Thoại, Trường THPT Bình Hưng Hòa có ý kiến đề nghị bổ sung trong điều 31: “Mọi người có quyền khiếu nại, quyền tố cáo…” thành: “Mọi người có quyền khiếu nại, quyền và nghĩa vụ tố cáo…” để tăng cường ý thức trách nhiệm về đấu tranh bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật cho công dân.
Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)