Mặc dù trước đó thế giới đã ghi nhận hiện tượng Trái Đất nóng lên làm cho các cơn bão mạnh hơn và kéo dài lâu hơn, song những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với bão nhiệt đới, trong đó có siêu bão, vẫn đang được nghiên cứu.
Giáo sư Pinaki Chakraborty, người đứng đầu nhóm nghiên cứu trên, đã theo dõi dữ liệu các trận siêu bão ở Bắc Đại Tây Dương từ năm 1967 đến 2018 và kiểm tra "tốc độ tan bão" của chúng (thời gian để bão suy yếu) sau khi vào đất liền. Kết quả khảo sát cho thấy thời gian bão suy yếu kéo dài gần gấp đôi trong vòng 50 năm qua.
Tiếp tục đi sâu nghiên cứu về mối liên hệ giữa hiện tương "tốc độ tan bão" trở nên chậm hơn với nhiệt độ biển, vốn đang tăng lên qua các năm, các nhà khoa học phát hiện khi nhiệt độ bề mặt biển cao hơn thì các cơn bão mạnh hơn và kéo dài hơn.
Nguyên nhân là các cơn siêu bão được hình thành từ những vùng biển ấm có "tốc độ tan bão" chậm hơn so với các cơn bão khác, đồng thời chúng cũng giữ lại được nhiều hơn "hơi nước nóng tích tụ", đây là nguồn cung cấp năng lượng cho các cơn siêu bão ngay cả khi chúng không còn nguồn cung cấp từ đại dương.
Nghiên cứu cũng chỉ ra sự khác biệt về địa hình nơi bão đổ bộ cũng đóng vai trò trong việc các cơn siêu bão suy yếu chậm hơn. Mặc dù vậy, vẫn còn một số câu hỏi chưa được giải đáp, như nhiệt độ biển là bao nhiêu thì ảnh hưởng tới thời gian làm suy yếu một cơn bão.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng các cộng đồng dân cư sống tại các khu vực nằm sâu trong lãnh thổ, có thể ít gặp rủi ro thiên tai hơn so với những vùng duyên hải, nay cũng phải đối mặt với những trận siêu bão đang có nguy cơ ngày càng gia tăng.
Điều đó có nghĩa là sự tàn phá do bão gây ra cũng không chỉ hạn chế ở những vùng ven biển, mà nó còn gây ra những thiệt hại về người và của lớn hơn nhiều./.
Bình luận (0)