Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đẩy mạnh phân luồng sau trung học

Tạp Chí Giáo Dục

HS THCS ở huyện Củ Chi tham quan cơ sở vật chất Trường TC Bách khoa Sài Gòn trong một buổi hướng nghiệp do Sở GD-ĐT tổ chức

“Công tác phân luồng học sinh (HS) sau trung học cần đặt ra mục tiêu cụ thể, đồng thời phải huy động mọi lực lượng, mọi cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương đến Trung ương cùng tham gia giống như công tác phổ cập mầm non thì mới có kết quả tốt”. Đây là đề nghị của ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM trong cuộc họp về việc thành lập Ban chỉ đạo đề án “Phân luồng HS sau trung học tại TP.HCM” được tổ chức ngày 28-3.
Hệ thống trường nghề phong phú
Mạng lưới trường TCCN TP.HCM hiện nay phát triển gấp 3 lần so với năm 2000, cụ thể có 65 trường, cơ sở đào tạo TCCN, trong đó có 29 trường ĐH, CĐ và 36 trường TCCN. Ngoài ra, TP còn có hệ thống khá lớn các trường dạy nghề từ sơ cấp nghề, TC nghề, CĐ nghề do Sở LĐ-TB&XH quản lý cũng như các trường ĐH, CĐ, TCCN, các cơ sở dạy nghề thuộc bộ, ngành TW quản lý… Hàng năm, hệ thống trường này đã thu hút một bộ phận khá đông HS TP vào học.
Những năm qua, Sở GD-ĐT đã phối hợp với các cơ sở tổ chức nhiều hoạt động phân luồng cho HS sau THCS và THPT. Ngày hội “Thanh niên với nghề nghiệp” được tổ chức trong nhiều năm qua có sự tham gia của các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp… thu hút trên 4.000 lượt thanh niên, HS THCS và THPT đến mỗi năm để tìm hiểu các thông tin về tuyển sinh TCCN. Ngoài ra, Sở GD-ĐT cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan truyền thông để phổ biến nhiều thông tin về các trường TCCN như chương trình: “Đúng ngành nghề, sáng tương lai”, “Nhất nghệ tinh”, “Tiếp sức mùa thi”, “Giúp bạn đến trường”, “Tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp”… Bên cạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chuyên nghiệp (GDCN) TP đã có nhiều cố gắng như mở rộng mạng lưới trường chuyên nghiệp thuộc TP, mở rộng quy mô đào tạo, phát triển trường, lớp, ngành nghề, cơ sở vật chất hay nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo…
Để công tác này hiệu quả hơn, TP đã triển khai công tác phân luồng đến quận huyện. Nhiều địa phương đã thực hiện có hiệu quả với nhiều phương cách khác nhau, phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương. Chẳng hạn như quận 6 đã thực hiện xã hội hóa công tác phân luồng, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, các lực lượng giáo dục thành lập ban chỉ đạo tư vấn phân luồng HS từ cấp quận đến cấp phường để thực hiện phân luồng HS sau THCS, THPT. Hay Phòng GD-ĐT quận Tân Phú chủ động xây dựng đề án “Phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS và THPT” và lập kế hoạch thực hiện dựa trên tình hình thực tế của quận…
Với những cố gắng trong công tác phân luồng của toàn TP, suy nghĩ, tư duy trong xã hội, phụ huynh, HS đã có sự thay đổi tích cực, họ nhận thức được rằng ĐH không phải là con đường duy nhất để thành công mà còn nhiều con đường khác, trong đó có TCCN. Đồng thời, nâng cao được số lượng và chất lượng đội ngũ lao động có trình độ bởi đã thu hút được ngày càng nhiều HS vào TCCN để đào tạo thành người lao động vừa có kiến thức, học vấn trung học, vừa có kỹ năng nghề nghiệp vững vàng.
Nhấn mạnh vai trò hiệu trưởng
Tại TP.HCM, tổng số HS sau tốt nghiệp THCS năm 2010-2011 là hơn 61.500 em thì có đến 54.200 em vào lớp 10, trên 3.700 em vào GDTX và chỉ có 1.500 em vào TCCN, 987 em vào TC nghề, 232 em học nghề ngắn hạn. Tương tự, HS sau tốt nghiệp THPT của TP năm 2010-2011 là gần 37.400 em thì có đến 17.600 em vào CĐ và ĐH, có 3.500 em vào TCCN, 1.170 em học TC nghề và 1.390 em học nghề ngắn hạn. Như vậy, số liệu này cho thấy số HS sau THCS và THPT vào TCCN và các cơ sở dạy nghề còn khá khiêm tốn.
Để khắc phục những hạn chế này, đề án đã đưa ra 7 mục tiêu và giải pháp cơ bản. Đó là tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp cho HS với các nội dung phải chuyển biến được nhận thức của xã hội; nâng cao năng lực đào tạo các trường chuyên nghiệp TP như mở rộng quy mô, có cơ chế gắn chặt mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải có trách nhiệm trong việc đào tạo lao động…; nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường như tăng cường đầu tư máy móc, trang thiết bị cần thiết để có thể thực hiện các hình thức tư vấn sao cho hiệu quả; quy hoạch lại mạng lưới các trường chuyên nghiệp TP nhằm cân bằng cơ cấu ngành nghề đào tạo theo nhu cầu xã hội; xây dựng mô hình đào tạo GDCN kiểu mẫu, chất lượng cao của TP; kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để đào tạo theo đơn đặt hàng theo yêu cầu nhằm tạo việc làm cho HS sau khi ra trường; xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi đối với người học, giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở đào tạo TCCN.
“Để dự án thành công, ngoài sự kết hợp chặt chẽ với các ban ngành thì vai trò của hiệu trưởng cần được nhấn mạnh. Hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm sẽ là người trực tiếp tác động đến sự thay đổi nhận thức của phụ huynh, HS trong hướng nghiệp bởi sẽ không có ai rành bằng lực lượng này khi nắm rõ sẽ có bao nhiêu % HS trường mình học lên THPT, CĐ, ĐH và có bao nhiêu % HS thích hợp với GDCN hơn”, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM chia sẻ thêm.
Ông Lâm Văn Quản, Trưởng phòng GDCN, Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng: Mục tiêu này cần được phân kỳ thành 2 giai đoạn, đó là từ nay đến năm 2015 và từ 2015 đến 2020. Ngoài ra, việc phân luồng cho HS sau THCS cần phân theo hai cấp độ là khảo sát hướng nghiệp (tức là sẽ khảo sát trước xem HS THCS thích hợp với ngành nghề gì để hướng nghiệp) và giáo dục hướng nghiệp…”.
Bài, ảnh: Dương Bình
Theo dự thảo của đề án, dự kiến chỉ tiêu về tỷ lệ phân luồng đến năm 2020 như sau: Đối với HS tốt nghiệp THCS (dự kiến mỗi năm có khoảng 75.000 HS) thì sẽ có 70% vào THPT, GDTX và 30% vào GDCN (trong đó TCCN khoảng 15%)… 
 

Bình luận (0)