Chương VI (từ điều 91 đến 98) Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 quy định về Chủ tịch nước. Tổng hợp từ các báo cáo kết quả đóng góp ý kiến của các đơn vị thuộc ngành GD-ĐT TP.HCM cho thấy, đa số các ý kiến đều tán thành…
Cụ thể như đánh giá của tập thể cán bộ, giảng viên Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Phú Lâm thì nội dung của dự thảo phù hợp với bản chất và mô hình tổng thể của bộ máy Nhà nước của nước ta. Làm rõ vai trò cơ bản của Chủ tịch nước, thẩm quyền tham dự các phiên họp của Chính phủ, yêu cầu Chính phủ bàn về vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước khi cần thiết.
Tuy nhiên, cũng có một số góp ý cho các điều, khoản trong chương VI. Đơn cử như ý kiến của cán bộ, giáo viên thuộc Phòng GD-ĐT Q.10 cho rằng: Hiến pháp nên quy định cho Chủ tịch nước quyền yêu cầu Quốc hội thảo luận lại hoặc xem xét lại một dự luật mà Quốc hội đã thông qua trong một thời gian nhất định và quyền này không thể bị từ chối. Nếu ở lần thảo luận lại này mà Quốc hội vẫn thông qua với ít nhất là 2/3 số phiếu tán thành thì Chủ tịch nước phải công bố. Lý do, quy định như vậy sẽ vừa làm tăng trách nhiệm, sự cẩn trọng của Quốc hội trong việc làm luật, vừa làm cho quy trình làm luật cẩn thận, kỹ càng và chắc chắn hơn. Qua đó vừa nâng cao sự ổn định của luật, vừa tăng cường được ảnh hưởng, sự quan tâm và trách nhiệm của Chủ tịch nước với việc làm luật của Quốc hội và đảm bảo sự giám sát lẫn nhau trong hoạt động giữa các cơ quan Nhà nước.
Khoản 1, điều 93 đề nghị bổ sung thêm cụm từ: “Có quyền bãi bỏ các văn bản của Chính phủ, các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ nếu văn bản đó không phù hợp với Hiến pháp, pháp luật”. Khoản 5, điều 93 đề nghị sửa đổi bổ sung: Chủ tịch nước thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân…; bổ nhiệm, cách chức các chức danh: Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh; công bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc từng địa phương.
Điều 95, đề nghị bổ sung: “Khi cần thiết”, Chủ tịch nước triệu tập Chính phủ và chủ trì họp bàn những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước.
Điều 96, đề nghị bổ sung: Chủ tịch nước ban hành sắc lệnh, quyết định để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình “theo luật định”.
Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm, Q.Gò Vấp góp ý cho điều 92 như sau: “Chủ tịch nước nên để cử tri cả nước bầu cử thông qua tuyển cử phổ thông đầu phiếu. Chủ tịch là người chịu trách nhiệm trước nhân dân và chịu sự giám sát của Quốc hội. Nhiệm kỳ Chủ tịch nước là 5 năm và không quá 2 nhiệm kỳ”.
Trường THPT chuyên Năng khiếu Thể dục Thể thao Nguyễn Thị Định, bổ sung điều 91 là: Chủ tịch nước phải do dân trực tiếp bầu; điều 93 – nên tăng thêm một số quyền lực cho Chủ tịch nước để giải quyết các vấn đề quan trọng của đất nước vì là người đứng đầu cả nước.
Kim Anh
Bình luận (0)