Luật Giáo dục ĐH sửa đổi bổ sung (Luật 34) đã “cởi trói”, giao tự chủ cho các trường ĐH, các luật khác có liên quan với đó cũng cần đồng bộ “cởi trói”.
PGS.TS Hoàng Minh Sơn (Thứ trưởng Bộ GD-ĐT) phát biểu ý kiến tại tọa đàm
Đây là kiến nghị của đại diện nhiều trường ĐH tham gia tọa đàm “Tự chủ ĐH và những vướng mắc cần tháo gỡ” do báo Người Lao Động tổ chức ngày 12-11.
Tự chủ ĐH chịu sự chi phối của nhiều luật
TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Nguyên phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết, hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam hiện có 240 trường ĐH, học viện. Từ năm 2014, 23 cơ sở giáo dục ĐH bắt đầu tiến hành thí điểm thực hiện tự chủ tương đối toàn diện theo Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ. Đến nay, hầu hết các trường tham gia thí điểm tự chủ đều đã có bứt phá trong đào tạo và nghiên cứu, góp phần tạo diện mạo mới cho hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam. Thời gian qua, mô hình quản trị ĐH đã có những chuyển biến rõ rệt, tăng quyền chủ động và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục ĐH trong mọi hoạt động.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục ĐH sửa đổi bổ sung, tại điều 13 của Nghị định này đã cụ thể hoá rất chi tiết về quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH, về học thuật và các hoạt động chuyên môn, về tổ chức bộ máy nhân sự, về tài chính và tài sản. Tuy nhiên, Luật Giáo dục ĐH sửa đổi bổ sung chỉ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7-2019 và Nghị định 99 cũng chỉ mới bắt đầu thực hiện chưa được 1 năm, từ tháng 2-2020. Do vậy, trong bước đầu thực hiện quyền tự chủ ĐH dù đã được luật hoá vẫn còn một số vướng mắc.
TS. Hoàng Đức Long (Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – Marketing) phát biểu, nêu ra những vướng mắc khi thực hiện tự chủ ĐH
Theo ông Nghĩa, tự chủ ĐH không chỉ thực hiện theo Luật Giáo dục ĐH sửa đổi bổ sung mà còn chịu sự chi phối của các luật khác như: Luật Tài sản công, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Công chức, Viên chức… Do vậy, khi thực hiện Luật Giáo dục ĐH sửa đổi bổ sung thì cũng phải rà soát, sửa đổi các luật trên và các quy định dưới luật.
Đồng quan điểm, PGS.TS Vũ Văn Nhiêm (Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Luật TP.HCM) cũng chỉ ra, các cơ sở giáo dục ĐH trong hoạt động, chịu sự điều chỉnh của rất nhiều quy định pháp luật có liên quan. Luật 34 không phải là văn bản quy phạm pháp luật duy nhất mà các cơ sở giáo dục ĐH phải tuân thủ. Trong mỗi lĩnh vực hoạt động, cơ sở giáo dục ĐH còn chịu sự điều chỉnh của các quy phạm pháp luật tương ứng với lĩnh vực đó. Trong khi đó các quy định này hiện đang có sự không đồng bộ, nhất quán.
Vì vậy, ông Nhiêm đề nghị, khi Luật giáo dục ĐH đã được sửa đổi và các văn bản hướng dẫn thi hành, quy định chi tiết được ban hành thì đòi hỏi phải có sự sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan cho phù hợp.
TS. Hoàng Đức Long (Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – Marketing) cũng nêu rõ, trong điều 32 của Luật 34 nói mở cho trường ĐH tự chủ nhưng phải căn cứ quy định pháp luật của những pháp luật hiện hành trong khi những pháp luật hiện hành liên quan đó lại chưa được “cởi trói” đồng bộ với Luật 34. Theo ông Long, cần có sự điều chỉnh các luật liên quan, “cởi trói” một cách đồng bộ.
Sẽ kiến nghị bộ ngành khác thực hiện quy định pháp luật về tự chủ ĐH
PGS.TS Hoàng Minh Sơn (Thứ trưởng Bộ GD-ĐT) nhận định, với sự ra đời của Luật 34, có hai quyền tự chủ được mở rộng, là quyền tự chủ về học thuật và quyền tự chủ về tổ chức bộ máy. So với các trường ĐH nhiều nước trên thế giới, quyền tự chủ của chúng ta không hề thua kém.
Thứ trưởng cho rằng, khi mở ra, tất cả chính sách xây dựng phải để ý 2 điều: Mở ra để “cởi trói”, phát huy năng lực; đồng thời phải đảm bảo hệ thống phát triển đồng bộ. Muốn làm tốt tự chủ, yêu cầu các cơ quan quản lý Nhà nước, các bộ chủ quản cũng như các trường cụ thể đến từng giảng viên phải đủ năng lực tự chủ.
Cũng theo thứ trưởng, bên cạnh quyền tự chủ chính là trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục ĐH và vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước. Trong đó, trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục ĐH rất nhiều như: Công khai về tài chính, về các nguồn lực, về các kết quả, đặc biệt về thu chi tài chính…
“Trên cơ sở ý kiến đóng góp của đại diện các cơ sở đào tạo, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục xây dựng, ban hành văn bản, thông tư để hướng dẫn các trường, giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật. Với các bộ ngành, bộ chủ quản, Bộ GD-ĐT cũng sẽ có các kiến nghị, trước hết thực hiện đúng theo Luật 34 và nghị định 99”- Thứ trưởng nói.
Mê Tâm
Bình luận (0)