Học sinh tìm hiểu về nghề Điện-điện tử tại Trường CĐ Kỹ nghệ II. Ảnh: T.A |
Một bộ phận xã hội chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của học nghề dẫn đến chỉ tiêu tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp (GDNN) chưa đạt chỉ tiêu. Đại diện các trường TC-CĐ cho biết như vậy tại Hội nghị sơ kết công tác GDNN 6 tháng đầu năm 2017 do Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức chiều 3-8.
Ông Võ Phước Nguyện (Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH TP) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, các cơ sở GDNN chỉ tuyển sinh được 203.994/ 403.000 SV-HS (đạt 50,4%), trong đó có 2.854 SV hệ CĐ; 3.343 HS hệ TC; 197.797 học viên hệ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng.
Các cơ sở GDNN đã thực hiện đào tạo nghề cho 2.290 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; 218 người khuyết tật; 7.713 đối tượng xuất khẩu lao động. Thời gian này cũng đã đào tạo nghề cho 3.225/ 8.548 lao động thất nghiệp có quyết định hỗ trợ học nghề.
Ông Nguyện đánh giá: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các chỉ tiêu theo kế hoạch còn thấp, trong đó nguyên nhân chính là do mạng lưới GDNN tuy có phát triển nhưng tập trung nhiều ở khu đô thị, còn khu vực nông thôn số lượng cơ sở GDNN ít, quy mô nhỏ.
Tại Hội nghị, đại diện các trường cũng thừa nhận chưa phối hợp tốt với địa phương để tổ chức đào tạo nghề cho các đối tượng đặc thù như dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp… Chất lượng đào tạo vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, nhất là những ngành nghề mới, đòi hỏi kỹ thuật cao. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế, không đồng bộ, thiếu trang thiết bị hiện đại ngang tầm khu vực. Đáng nói là chưa có chính sách thu hút các nhà đầu tư yên tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại. Trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giảng dạy tích hợp ở một số cán bộ quản lý, giáo viên còn hạn chế.
Để nâng cao hiệu quả tuyển sinh GDNN, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP cho biết, từ nay đến cuối năm 2017 sở sẽ rà soát, xác định thế mạnh lĩnh vực đào tạo của các trường, phân công nhiệm vụ đào tạo theo yêu cầu đặt hàng tập trung đào tạo nhân lực cho 4 nhóm ngành trọng yếu (cơ khí điện tử; công nghệ thông tin; hóa chất-cao su và chế biến tinh lương thực thực phẩm); 9 nhóm ngành dịch vụ; 8 nhóm ngành dịch chuyển lao động và ngành công nghiệp hỗ trợ của TP. Đồng thời khuyến khích các cơ sở GDNN xây dựng, phát triển đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo theo hướng gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần đánh giá kết quả đào tạo và giải quyết việc làm để định hướng cho công tác đào tạo nhằm nâng dần tính tương thích giữa đào tạo và sử dụng lao động.
T.Anh
Bình luận (0)