Các nhà nghiên cứu từ Viện Wyss (Wyss Institute) Harvard và công ty công nghệ Nhật Bản Sony mới đây đã hợp tác chế tạo thành công một mẫu robot phẫu thuật có kích cỡ cực nhỏ, nhưng vô cùng thông minh và có thể thực hiện những thao tác với độ chính xác cao, lấy cảm hứng từ nghệ thuật gấp giấy origami. Mẫu robot này có tên mini-RCM, sở hữu kích thước chỉ bằng một quả bóng tennis và nặng tương đương một đồng xu.
Để tạo ra mẫu robot ưu việt này, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi hai chuyên gia Robert Wood (Wyss Institute) Hiroyuki Suzuki (Sony) đã sáng tạo ra một kỹ thuật xếp chồng vật liệu hoàn toàn mới với nguyên lý của nghệ thuật xếp giấy Nhật Bản. Vật liệu sau khi được xếp chồng cẩn thận sẽ được cắt bằng tia laze sao cho có thể tạo thành các khối hình dạng 3D – giống như một cuốn sách bật lên dành cho trẻ em. Ngoài ra, sẽ có ba bộ truyền động tuyến tính chịu trách nhiệm điều khiển chuyển động của mini-RCM theo các hướng với độ chính xác cao, tất cả đều có thể được đảm nhiệm bởi con người.
Robot mini-RCM.
Trong một thử nghiệm thực tế, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng mini-RCM có thể thao tác chính xác hơn 68% so với một công cụ hỗ trợ phẫu thuật được điều khiển bằng tay thông thường. Đồng thời, Robot cũng đã thực hiện thành công bài kiểm tra mô phỏng của một quy trình y khoa chính xác, trong đó yêu cầu bác sĩ phẫu thuật đưa một cây kim vào khu vực mắt bệnh nhân để "tiêm chất trị liệu vào các tĩnh mạch nhỏ ở phía sau nhãn cầu". mini-RCM có thể tiêm thuốc vào tĩnh mạch võng mạc (chỉ dày gấp đôi sợi tóc) mà không gây ra bất cứ tổn thương nào.
Tất nhiên sẽ còn phải vượt qua nhiều bài kiểm tra chuyên sâu nữa, robot này mới có thể được cấp phép phục vụ trong các cơ sở y tế, tuy nhiên triển vọng là thực sự lớn. Nhờ việc sở hữu kích thước và trọng lượng siêu nhỏ, mini-RCM mang đến khả năng sử dụng linh hoạt hơn nhiều so với các mẫu robot phẫu thuật thông thường hiện nay, vốn rất đồ sộ và thậm chí có thể chiếm không gian bằng một nửa gian phòng. Ngoài ra, kích thước nhỏ gọn của robot cũng sẽ giúp các bác sĩ dễ dàng vô hiệu hóa nó trong trường hợp có bất kỳ biến chứng nào xuất hiện trong quá trình phẫu thuật.
HT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)