Mỗi chúng ta, ai cũng biết từ “thân thiện” ẩn chứa sự đùm bọc, thương yêu lẫn nhau. Trường học thân thiện là nơi không chỉ tạo điều kiện cho học sinh (HS) vui chơi, học tập mà còn là môi trường lành mạnh, hấp dẫn, nơi các em được quan tâm chăm sóc, giáo dục phát triển toàn diện…
“Muốn chăm sóc giáo dục trẻ tốt thì việc nâng cao kiến thức cho GV là quan trọng nhất. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, vườn hoa, cây cảnh, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học được đầu tư, phù hợp với lứa tuổi trẻ mầm non sẽ giúp các cháu được học trong một môi trường tốt, thấy thoải mái khi được đến gần thiên nhiên hơn. Từ đó trẻ phát triển được năng lực cảm thụ thẩm mỹ để hướng đến cái đẹp cho bản thân và cái đẹp cho cuộc sống sau này”, cô Nguyễn Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca 5 (Q.12, TP.HCM), nói.
Đồng quan điểm trên, cô Trịnh Thị Kiều Trang, Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Khuyến, cho rằng: “Bàn ghế không đúng quy cách, các trang thiết bị phục vụ cho đổi mới phương pháp và ứng dụng CNTT hạn chế. Một số GV còn chậm đổi mới phương pháp giảng dạy, chưa sâu sát và linh hoạt trong công tác chủ nhiệm… thì việc thực hiện 5 nội dung của phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện – học sinh tích cực (THTT-HSTC) sẽ rất khó khăn. Do đó, để phong trào xây dựng THTT-HSTC thực sự biến thành hành động thiết thực là trách nhiệm của mỗi cá nhân, thì đổi mới nhận thức, đầu tư về CSVC là những việc phải làm ngay và làm quyết liệt”.
Từ khi phong trào được triển khai trên địa bàn Q.12, Trường THCS Nguyễn An Ninh luôn chú trọng việc xây dựng THTT-HSTC để sớm khắc phục những tồn tại, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho HS. “Việc khuyến khích và tôn vinh các em HS xuất sắc đã tạo ra sự hăng say vươn lên trong học tập và giảng dạy của thầy và trò…”, cô Nguyễn Thị Kim Chi, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ.
Kết quả của phong trào xây dựng THTT-HSTC cho thấy các em HS có những ấn tượng đẹp nhất là ở các thầy cô có phương pháp giảng dạy đổi mới, tận tụy, tôn trọng HS… Em Nguyễn Thu Phương (HS Trường THCS Nguyễn An Ninh) tâm sự: “Học… học… học luôn làm em nhức đầu mỗi khi từ trường về nhà hay ngược lại, áp lực học từ sáng tới tối, từ chiều đến đêm khuya làm cho em và nhiều bạn chán nản. Nhưng tâm lý này đã được thay đổi, đó là vào giờ trả bài môn văn, em đang thắc mắc về lời phê và điểm số với bạn bên cạnh thì cô hỏi: Có em nào có ý kiến gì về bài làm? Em được nói và cô giảng giải để hiểu thêm những nhược điểm bài của mình. Điều em ấn tượng trong cách giảng giải của cô, đó là ánh mắt trìu mến, lời lẽ nhẹ nhàng nhưng ấm cúng. Không những thế, cô còn dạy em cách sắp xếp lại thời khóa biểu cho giờ học trên lớp và ở nhà, em nhớ mãi tình cảm thương yêu của cô giáo mỗi khi thấy học trò chưa ngoan hoặc chưa thuộc bài, cô quay mặt đi, khóc làm cả lớp im lặng…”.
Phát biểu tại buổi lễ tổng kết 5 năm thực hiện phong trào thi đua xây dựng THTT-HSTC của ngành GD-ĐT Q.12 (tổ chức ngày 24-4), ông Trần Trung Hiếu – Trưởng phòng GD-ĐT Q.12 – đã khẳng định: “Phong trào xây dựng THTT-HSTC đã tạo ra những chuyển biến trong nhận thức của đội ngũ CB-GV-CNV. Nhiều GV đã có những hành động thiết thực thể hiện tinh thần “tương thân – tương ái” như trích tiền lương mua tặng thiết bị học tập cho HS có hoàn cảnh khó khăn; GV biết lắng nghe, cởi mở, quan tâm tới ý kiến của HS… HS ấn tượng về thầy cô giáo là ấn tượng với nhà trường…”.
Lê Quang Huy
Bình luận (0)