Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM: Bệnh nhân đầu tiên tử vong do cúm A/H1N1

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 6-5, theo thông tin từ Bệnh viện 7A/ Quân khu 7 TP.HCM thì bệnh nhân Nguyễn Hữu C. (72 tuổi, nhà ở đường Hàn Hải Nguyên, P.2, Q.11) đã tử vong do nhiễm cúm A/H1N1.
Ông C. nhập viện ngày 2-5 và tử vong ngày 3-5. Qua tìm hiểu được biết bệnh nhân không tiếp xúc với gia cầm, chim hoang dã, lợn hay người nhiễm cúm. Tuy nhiên sau hai ngày du lịch tại Rừng Sác (Cần Giờ) về thì bị sốt cao, kèm ho, tức ngực, khó thở. Bệnh nhân đã tử vong sau một ngày cấp cứu tại bệnh viện. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1. Hiện Trung tâm Y tế dự phòng thành phố và Trung tâm Y tế dự phòng Q.11 đã đến gia đình bệnh nhân để hướng dẫn người nhà khử trùng, hướng dẫn cách phòng ngừa, lên danh sách những người tiếp xúc gần với bệnh nhân để được uống thuốc Tamiflu phòng ngừa…
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cúm A/H1N1, tuy động lực không nguy hiểm bằng cúm H7N9, H5N1 nhưng cúm A/H1N1 đang có chiều hướng tăng cao. Trung bình 4 tháng đầu năm 2013 chiếm 46% tổng số bệnh nhân cúm và chỉ trong vòng một tháng vừa qua, trên cả nước đã có 3 ca tử vong do nhiễm cúm A/H1N1.
Ngoài cúm A/H1N1 thì dịch cúm H7N9, H5N1 hiện nay được cảnh báo đang trong thời kỳ phát triển. Qua khảo sát của Chi cục Thú y TP.HCM thì tình trạng kinh doanh, vận chuyển giết mổ gia cầm trái phép vẫn còn xảy ra tại nhiều quận huyện, tập trung chủ yếu tại Bình Chánh, Hóc Môn, Gò Vấp, Bình Tân, Củ Chi, Nhà Bè, Thủ Đức, Q.2, Q.9, Q.12;… gây khó khăn cho việc phòng chống dịch, là nguyên nhân làm tăng nguy cơ xảy ra dịch bệnh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan, theo Chi cục Thú y thành phố thì trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần mạnh tay bắt, tịch thu các trường hợp kinh doanh, giết mổ gia cầm trái phép. Song song đó cần giám sát tại bệnh viện, phát hiện sớm các trường hợp có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp, có yếu tố dịch tễ. Kết hợp với ngành giáo dục phát hiện các bệnh truyền nhiễm như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng (đặc biệt trong các trường mầm non, nhóm trẻ gia đình), sởi, quai bị, rubella… Nâng cao năng lực chống dịch của các tuyến điều trị tại các bệnh viện có khoa nhi nhiễm cúm A/H1N1. Tổ chức tuyên truyền hiệu quả dưới nhiều hình thức. Thông qua hệ thống tổ trưởng và các ban điều hành khu phố/ấp giám sát, phát hiện các ca bệnh nghi ngờ trong cộng đồng, đặc biệt là những khu nhà trọ tập trung đông người. Nếu phát hiện ca bệnh phải báo cáo khẩn cấp về trung tâm y tế dự phòng.
N.Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)