Phụ huynh nộp hồ sơ trái tuyến vào lớp 1 tại Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM năm học 2012 – 2013. Ảnh: H.Triều |
Chạy trường, chạy lớp, chạy… giáo viên. Cứ gần hết năm học là phụ huynh “vắt chân lên cổ” để… chạy. Và chỉ có ở các thành phố lớn phụ huynh mới có “cơ hội” này. Tại sao?
Tại cả đôi bên
Công bằng mà nói, nhiều gia đình xin cho con học trái tuyến một phần vì nhu cầu chăm sóc con, có thể là trường có bán trú, ở gần cơ quan bố, mẹ để tiện đưa, đón. Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết có một thực tế là nhiều phụ huynh phải chạy trái tuyến để thuận tiện cho việc đưa đón con. Có nhiều phụ huynh nhà ở tận các huyện ngoại thành xa lơ xa lắc nhưng vẫn cố xin bằng được cho con vào học các trường trong nội thành. Đơn giản vì sáng bố mẹ chở rau vào nội thành bán, chở luôn con đi học. Chiều về đón luôn con. Bản thân mình, ông Thống cũng cho biết từ cấp tiểu học đến THCS con gái ông cũng phải học xa nhà đến cả chục cây số vì chỉ để gần cơ quan bố cho tiện đưa đón. Hiện nay, nhu cầu cho con học gần cơ quan bố hoặc mẹ của nhiều bậc phụ huynh là có thật. Nhưng cũng có những câu chuyện chạy trường để giải quyết khâu “oai” của bố mẹ. Dù xuất phát từ nguyên nhân nào, thì hầu hết phụ huynh khi tham gia chạy trường chỉ dựa vào cái gọi là “nghe người ta nói”, một phần theo tâm lí đám đông. Thế mới có chuyện anh A, nhà gần trường X, nhưng quyết xin cho con vào trường Y, tận quận khác. Trong khi người ở quận khác quyết xin bằng được vào trường X! Tâm lí “bụt nhà không thiêng” khiến tình trạng học trái tuyến càng thêm phức tạp, ít nhất cũng góp phần làm tắc đường thêm trong giờ tan học.
Năm nay, con trai đầu của anh Hoàng Công Phong, (giám đốc một công ty) vào lớp 1. Theo đúng tuyến, cháu sẽ học ở một trường tiểu học trên địa bàn quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), nhưng anh Phong lại cho biết: “Nếu con mình học đúng tuyến sẽ rất thuận lợi cho việc đưa đón cháu, nhưng tôi muốn cho cháu vào Thực nghiệm. Vì nơi đây, GS. Ngô Bảo Châu đã từng học và ông đã trở thành nhà toán học tài ba. Nếu học ở đây, tôi tin chắc cháu sẽ có một tương lai tốt. Hơn nữa, còn hạnh phúc nào hơn, khi ai đó trong lúc trà dư tửu hậu hay “buôn dưa lê” được bè bạn xung quanh nhìn với con mắt thán phục rằng con mình được học trường của nhà toán học hàng đầu thế giới”. Không chỉ có anh Phong mà rất nhiều phụ huynh đều nhấp nhổm muốn cho con vào học Trường Thực nghiệm với mong muốn sẽ có được môi trường học tốt, con mình có cơ hội để thành GS. Ngô Bảo Châu “thứ hai”.
Ngoài những nguyên nhân kể trên, yếu tố giáo viên và các yếu tố khác như: Cơ sở vật chất của trường, điều kiện dạy học, các hoạt động ngoài giờ lên lớp… đã tác động không nhỏ đến việc chạy trường của phụ huynh bởi học sinh đến trường không chỉ học mà các em còn cần được vui chơi. Việc tăng dân số cơ học quá nhanh cũng tạo thành áp lực chạy trường lên ngành giáo dục. Tại Hà Nội, đến nay có 8/25 khu đô thị mới không có trường học nào, kể cả trường công và tư.
Qua tìm hiểu, cho thấy hiện nay rất nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội không đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên. Con cái là của để dành, các gia đình trẻ hiện nay chỉ có 1 đến 2 con nên ai cũng muốn đầu tư những gì tốt nhất cho con mình, đặc biệt là chỗ học. Tuy nhiên, dưới góc độ là một nhà giáo, GS. Tô Giang cho rằng: Nếu thực sự yêu thương con mình, phụ huynh nên gạt bỏ cái “tôi” của mình sang một bên, hãy quan tâm đến tâm lí sở trường, sở đoản của trẻ. Trong trường hợp các bậc cha mẹ chọn trường vì giáo viên thì không hẳn các trường có tiếng lại có giáo viên giỏi, thực tế, qua các kì thi giáo viên giỏi trên địa bàn Hà Nội, TP.HCM, những giáo viên đạt giải lại là những giáo viên ở các trường không mấy tên tuổi. Trong cuộc sống, nhiều người học trường làng, trường nông thôn nhưng rất giỏi. Ngược lại, có người học trường “VIP”, trường “chuẩn” nhưng kết quả lại chẳng bằng ai.
Bao giờ hết “trường làng”?
“Trường làng” là thuật ngữ không chỉ xuất hiện ở các vùng nông thôn mà ngay tại các quận nội thành của Hà Nội, quan điểm “trường làng” vẫn còn tồn tại. Trong tâm trí của các phụ huynh thì một số trường ở Định Công (Đống Đa), Kim Mã (Ba Đình), Khâm Thiên (Đống Đa) vẫn chỉ là những “trường làng” không hơn không kém. Họ không tin vào chất lượng của những trường này nên cố gắng “vùng vẫy” để thoát ra. Chị Mai Quỳnh Trang có hộ khẩu ở Vạn Phúc, Ba Đình. Con trai chị sang năm vào lớp 1, nhưng chị nhất quyết xin cho con vào Tiểu học Kim Đồng. Lý do là trường ở Vạn Phúc là “trường làng”. Thực tế, chúng ta đều biết, ở nông thôn, miền núi không có việc chạy trường, nhưng vẫn có nhiều học sinh giỏi. Qua các kì thi ĐH, CĐ hàng năm, thủ khoa phần lớn đều có nguồn gốc xuất thân từ trường làng, sống và học tập trong hoàn cảnh vô vàn khó khăn.
Cuộc đua vào các trường điểm của các phụ huynh đôi khi lại không đạt kết quả như mong muốn. Lo lắng tốn kém không biết bao nhiêu để có một suất “ngoại giao” ở trên UBND quận rót xuống, chị Đặng Kim L. (Đống Đa – Hà Nội) nghĩ mình đã tìm được một môi trường tốt cho con học tập, nhưng sau gần 2 tháng học, chị nhận ra rằng mình đã sai lầm. Chị L. thổ lộ: “Khi con chưa vào trường, tôi nghe các phụ huynh khác nói Trường Tiểu học L.Q.Đ (Từ Liêm – Hà Nội) rất tốt. Vì vậy, tôi “huy động” các mối quan hệ của cả vợ lẫn chồng và cuối cùng cũng có được một chỗ cho con học ở trường. Nhưng sau một kì học đầu tiên, tôi nhận ra rằng mình đã sai lầm. Vì mọi cái không giống như những điều các phụ huynh nói. Tiền đóng góp cao, nhưng chất lượng dạy và học rất kém, thậm chí bữa ăn bán trú cũng không xứng với “đồng tiền bát gạo” mình bỏ ra. Đặc biệt, gần đây tôi rất thất vọng, khi giáo viên giỏi của trường cứ lần lượt ra đi, đứng lớp chủ yếu là giáo viên mới ra trường, thiếu kinh nghiệm lẫn kĩ năng sống. Nhiều phụ huynh đã chuyển trường cho con. Bản thân tôi cũng rất muốn chuyển, nhưng sợ với chất lượng dạy ở đây sang trường khác cháu không theo được. Tôi cảm thấy rất hoang mang!”. Khi cho con vào học trường điểm, mỗi phụ huynh có một tâm trạng riêng. Bác P.V.B. xin được cho cháu ngoại vào trường điểm ở quận Đống Đa, sĩ số 60 cháu/lớp, cháu bác B. bị loạn thị nhưng vì lớp quá đông, cô giáo không quan tâm xuể, xếp ngồi bàn thứ 5. Hậu quả sau một năm học, mắt con bé chỉ có 4/10. Bức xúc, bác B. đưa cháu về học đúng tuyến. Thực tế, câu chuyện trường điểm nhồi nhét 50-60 học sinh/lớp là hết sức bình thường và diễn ra ở hầu hết các quận trên địa bàn Hà Nội. Ngoài ra, còn có hiện tượng trường điểm nhưng sáng học ở trường, chiều bán trú ở nhà dân; trường điểm cho các cháu ngủ trưa trên bàn; trường điểm chạy đua bệnh thành tích… Chỉ thương cho những “mầm non” tương lai của đất nước bị “ép” theo ý của bố mẹ, nên từ một đứa trẻ bình thường bỗng chốc trở thành “bệnh nhân”.
Chạy trường, câu chuyện chắc sẽ không có hồi kết. Nhưng dù thế nào, trước khi muốn cho con vào học trường nào, phụ huynh cũng cần cân nhắc thật kỹ. Bởi mục tiêu cuối cùng của ta là có được môi trường học tập, sinh hoạt tốt cho trẻ.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)