Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đổi mới họp phụ huynh cuối năm: Tiệm cận với chương trình mới

Tạp Chí Giáo Dục

Thời điểm này, cùng với học sinh cả nước, học sinh tại TP.HCM đã chính thức bước vào kỳ nghỉ hè sau một năm học nhiều biến cố. Trước khi nghỉ hè, như thường lệ những buổi họp phụ huynh cuối năm đã được tổ chức. Đặt trong giáo dục hiện đại, với tâm thế đổi mới, nhiều giáo viên, nhà trường đã có những hình thức tổ chức họp phụ huynh rất độc đáo, nhân văn.


Lần đầu tiên phụ huynh Trường TH Trần Hưng Đạo (Q.1) được lấy ý kiến về mức độ hài lòng qua phiếu khảo sát trực tuyến

Khảo sát mức độ hài lòng của cha mẹ học sinh về chất lượng hiệu quả trong công tác giáo dục; đưa công nghệ vào trong buổi họp phụ huynh; để học sinh điều hành buổi họp… là những điểm mới nổi bật trong buổi họp phụ huynh cuối năm tại một số đơn vị nhà trường. Những điểm mới này đã từng bước làm thay đổi góc nhìn của phụ huynh về… họp phụ huynh, thay đổi quan điểm giáo dục trẻ của phụ huynh theo hướng tích cực, và đặc biệt là một trong những phương pháp giáo dục hiện đại để các đơn vị tiệm cận với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Công khai… chuyển mình

Buổi họp phụ huynh cuối năm của gần 2.000 học sinh Trường TH Trần Hưng Đạo (Q.1) đã khiến rất nhiều phụ huynh bất ngờ. Bởi đây là lần đầu tiên toàn thể phụ huynh được nói lên mức độ hài lòng của mình đối với nhà trường một cách đầy đủ, bao quát nhất thông qua phiếu khảo sát trực tuyến mức độ hài lòng về chất lượng giáo dục, đào tạo, chăm sóc trẻ…

“Phiếu khảo sát đề cập đến 20 tiêu chí, chi tiết ở rất nhiều nội dung xung quanh môi trường học tập, rèn luyện, vui chơi của học sinh, từ chất lượng dạy học, giáo dục, cơ sở vật chất, thủ tục hành chính đến công tác phối hợp của nhà trường với cha mẹ học sinh… Mỗi tiêu chí sẽ có 3 mức độ để phụ huynh lựa chọn từ rất hài lòng, hài lòng và chưa hài lòng. Việc khảo sát hoàn toàn được thực hiện một cách công khai, minh bạch. Phụ huynh chỉ có thời gian 2 tiếng để hoàn thành bài khảo sát, sau khoảng thời gian này đường link sẽ được khóa lại và không thể can thiệp”, cô Lê Thanh Hương (Hiệu trưởng nhà trường) chia sẻ.

Theo cô Hương, đây là lần đầu tiên nhà trường mạnh dạn đưa hình thức khảo sát trực tuyến này đến phụ huynh vào buổi họp phụ huynh cuối năm. “Yêu cầu của đổi  mới giáo dục đòi hỏi từng nhà trường phải luôn nỗ lực nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác giáo dục. Thế nhưng, nếu chỉ đứng ở góc độ nhà trường để góp ý, trao đổi với nhau thì chưa đủ, để có thể đáp ứng những yêu cầu của đổi mới thì sự nhìn nhận của phụ huynh đóng vai trò rất quan trọng. Bởi phụ huynh là người đồng hành cùng với nhà trường trong mọi hoạt động giáo dục xuyên suốt một năm học”, cô Hương nói.

Bên cạnh đó, việc áp dụng phiếu khảo sát trực tuyến tìm hiểu về mức độ hài lòng của phụ huynh cũng là một trong những cách thức để nhà trường công khai hơn nữa chất lượng giáo dục, thể hiện tinh thần cầu thị, sẵn sàng lắng nghe, ghi nhận và… thay đổi trước sự kỳ vọng của phụ huynh, hướng tới hoàn thiện mục tiêu, chương trình giáo dục của nhà trường, thực hiện nhiệm vụ chính trị trong công tác giáo dục. “Từ những ý kiến khảo sát, nhà trường sẽ tổng hợp lại, đánh giá lại từng hoạt động giáo dục của nhà trường trong suốt một năm học đã qua. Để từ đó, có hướng điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp với những hoạt động mà chưa đạt được sự hài lòng cao của phụ huynh, đồng thời tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa ở những nội dung mà phụ huynh đồng lòng tín nhiệm”.


Cô và trò lớp 2/6, Trường TH Cửu Long (Q.Bình Thạnh) trong buổi họp phụ huynh cuối năm

Đặc biệt, cô Hương cũng cho hay, nhà trường coi kết quả của quá trình khảo sát là một lần nữa thầy cô, nhà trường được nhìn nhận lại chính mình. Không sợ phụ huynh chê, không sợ phụ huynh góp ý mà chỉ sợ phụ huynh không dám nói thẳng, nói thật. Vì vậy, hình thức khảo sát trực tuyến là một cách để phụ huynh nói thẳng, nói thật, được tham gia trực tiếp vào việc xây dựng môi trường giáo dục cho con em mình, để phụ huynh hiểu và đồng hành hơn nữa cùng nhà trường trong việc giáo dục trẻ trong năm học tiếp theo.

Thay đổi phương pháp giáo dục theo hướng tích cực

Với mong muốn phụ huynh được nhìn nhận và đánh giá tích cực thành quả một năm học của con em mình, buổi họp phụ huynh lớp 2/6, Trường TH Cửu Long (Q.Bình Thạnh) được cô Phạm Thị Cẩm Tứ (GVCN) tổ chức một cách rất đặc biệt. 37 học sinh trong lớp được tham gia trực tiếp vào buổi họp cùng với phụ huynh. “Trước buổi họp, cô trò cùng ngồi lại để đánh giá lại quá trình phấn đấu của từng học sinh bằng cách xem lại mục tiêu được các em đề ra từ đầu năm rồi so với kết quả cuối năm. Từ đó, cô trò xem xét nguyên nhân đối với các mục tiêu chưa đạt được và đề ra mục tiêu cho năm tới đồng thời thảo luận cách thức để truyền tải được những nội dung đó đến phụ huynh”, cô Tứ nói.

Theo cô Tứ, phụ huynh thường rất kỳ vọng vào kết quả học tập của con em mình. Vì vậy, đôi khi có sự nhìn nhận chưa đủ đầy, chưa tích cực trước kết quả của các em nếu chưa được như kỳ vọng. “Điều quan trọng là làm sao để phụ huynh tiếp nhận nhẹ nhàng kết quả học tập của các em trong một năm học, không có sự phân biệt so sánh với con người khác. Và nhất là phải làm sao để phụ huynh tin vào năng lực, giá trị của con, nhận ra vai trò của mình trong chuỗi hoạt động giáo dục trẻ”.

Từ mục đích đó, trong bài báo cáo về kết quả học tập trình bày trước phụ huynh, cô Tứ xoáy sâu vào sự tiến bộ của mỗi học sinh trong quá trình một năm học. Trước khi nêu các tiêu chí đánh giá khen thưởng, phụ huynh được xem qua những đoạn phim có nội dung giáo dục tích cực. Thông điệp lớn nhất từ đoạn phim gửi đến phụ huynh là phụ huynh đừng bắt con mình phải giỏi mọi thứ mà trẻ học. Mỗi học sinh là một cá thể với thế mạnh, tiềm lực khác nhau. Và vai trò của phụ huynh là cố gắng khơi dậy tiềm lực ấy và truyền cho các em niềm tin về thế mạnh của con chứ đừng làm con thụt lùi ý chí với những mặt chưa mạnh.

“Cuối buổi họp, mình gửi mỗi phụ huynh một tấm thiệp cảm ơn do mình thiết kế. Ý nghĩa trọng nhất trong buổi họp phụ huynh cuối năm là để phụ huynh hiểu và nhìn nhận đúng về giá trị của việc khen thưởng cũng như để mỗi phụ huynh tự nhìn nhận lại vai trò của mình trong việc đồng hành cùng con trong suốt năm học. Chỉ khi phụ huynh nhìn nhận đúng vai trò của mình thì mới hành động đúng, giúp con tiến bộ trong năm học tới. Đồng hành cùng con không chỉ là ngồi vào bàn chỉ con học mỗi tối, đưa đón con mà đôi khi chỉ đơn giản là tạo động lực cho học sinh đúng thời điểm, ghi nhận sự tiến bộ của con qua cả một quá trình…”.

 Bài, ảnh: Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)