Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ diễn ra trong hai ngày với 4 buổi thi thay vì 1,5 ngày như quyết định hôm 22/4.
Như vậy, thời gian thi từng môn giống ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Tuy nhiên, số buổi được rút bớt do thí sinh không được thi cả hai bài tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội như năm trước. Hai bài thi này sẽ diễn ra song song trong một buổi.
Thí sinh tự do được dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thành phần của bài tổ hợp theo nguyện vọng, tương tự năm ngoái.
Bộ trưởng Nhạ thông tin thêm kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được các Sở Giáo dục và Đào tạo dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Học sinh học hết chương trình nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng trường THPT hoặc Giám đốc trung tâm Giáo dục thường xuyên cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT theo quy định của Luật Giáo dục 2019.
Về công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng, các trường đại học sẽ thực hiện theo tinh thần tự chủ, đúng quy định của Luật Giáo dục đại học, với các phương thức tuyển sinh, như: sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả học THPT (học bạ), phỏng vấn, kiểm tra… hoặc bổ sung cách đánh giá khác cho phù hợp.
Các trường top đầu, mức độ cạnh tranh cao có thể tổ chức kỳ thi riêng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (ví dụ kỳ thi đánh giá năng lực) để tuyển sinh. Kỳ thi này do các trường tổ chức độc lập hoặc liên kết thành nhóm tuyển sinh. Các trường cũng có thể tổ chức tuyển sinh nhiều đợt trong năm như hiện tại.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2019 tại TP HCM. Ảnh: Thành Nguyễn.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng phương án thi tốt nghiệp THPT năm nay có một số ưu điểm như kế thừa, phát huy kết quả, kinh nghiệm của các kỳ thi THPT quốc gia những năm trước. Phương án này cũng tạo động lực, thái độ học tập tích cực cho học sinh, nhất là trong bối cảnh không đến trường do Covid-19, góp phần duy trì nền nếp dạy, học trong các cơ sở giáo dục.
"Rút ngắn thời gian thi trong hai ngày với 4 buổi thi làm cho kỳ thi gọn nhẹ hơn các năm trước. Đề thi được xây dựng phù hợp với mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và nội dung chương trình tinh giản cũng sẽ giảm bớt áp lực cho học sinh", Bộ trưởng nhận định.
Tuy nhiên, phương án này cũng có một số hạn chế. Các địa phương phải chủ động tổ chức kỳ thi trong khi thời gian chuẩn bị không nhiều nên có thể phát sinh sai sót, làm ảnh hưởng đến an toàn của kỳ thi. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường các giải pháp khắc phục hạn chế này.
Ngoài ra, công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng có thể bị xáo trộn do nhiều trường chưa đủ thời gian để chuẩn bị đầy đủ cho phương án này. Việc tuyển sinh đầu vào của nhiều trường, ngành đào tạo có thể bị ảnh hưởng với các nguyện vọng ảo; thí sinh các tỉnh có thể phải tập trung về thành phố lớn để dự thi một số trường.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết căn cứ tình hình kiểm soát dịch bệnh hiện nay và dự báo thời gian tới, trên cơ sở đánh giá những ưu điểm, hạn chế của phương án, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chuẩn bị kỹ để phối hợp với các địa phương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 an toàn, nghiêm túc.
Mỗi năm có khoảng 900.000 học sinh thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Năm nay, học sinh nghỉ Tết và nghỉ phòng Covid-19 mất 3 tháng học kỳ II. Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường dạy học qua Internet, trên truyền hình, công bố chương trình tinh giản.
Ngày 22/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chấp thuận phương án thi tốt nghiệp THPT với mục tiêu chính là xét tốt nghiệp THPT. Đến chiều 27/4, sau cuộc làm việc với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ quyết định bài thi tổ hợp giữ nguyên ba đầu điểm của ba môn thành phần để thuận lợi cho thí sinh và trường đại học xét tuyển.
Trước sự thay đổi phương án thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều trường đại học liên tục điều chỉnh phương án tuyển sinh. Tối 4/5, Đại học Quốc gia Hà Nội và Ngoại thương quyết định bỏ kỳ thi đánh giá năng lực như thông báo trước đó và xét tuyển nhiều chỉ tiêu hơn bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Theo Dương Tâm/Vnexpress
Bình luận (0)