Phụ huynh nộp hồ sơ cho con vào lớp 6 tại Trường THCS Quang Trung, Gò Vấp |
Giống như Hà Nội, những ngày này vấn nạn chạy trường ở TP.HCM cũng đang “rần rần”. Những phụ huynh có con vào lớp đầu cấp tìm đến các bác, các anh, các chị “có nghề” nhờ chạy cho con một chỗ học ở trường điểm.
Vào một ngày đầu tháng 5, trong lúc đang trò chuyện với tôi thì thầy Ng. (hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.Tân Bình, TP.HCM) có điện thoại. Dù không cố tình nhưng tôi cũng hiểu được, ai đó ở đầu dây bên kia đang nhờ vả thầy giúp cho một chỗ học vào lớp 1 trong năm học tới.
“Cháu ở đâu mà lắm thế”
Sau khi từ chối khéo rằng: “Vào thời điểm này, tôi chưa thể hứa là nhận hay không. Phải chờ HS đúng tuyến vào hết, nếu còn chỗ mới nhận trái tuyến”, thầy Ng. cúp máy. Quay sang tôi, thầy Ng. lắc đầu: “Năm nào người này cũng gọi điện để xin học cho cháu. Cháu ở đâu mà lắm thế”.
Những nhân vật như thầy Ng. vừa nói ở TP.HCM nhiều không đếm xuể. Nào là quan chức đương chức hoặc đã về hưu, nào là thành viên của ban đại diện cha mẹ HS… và cả nhà báo nữa.
Cô L. (hiệu trưởng một trường tiểu học ở trung tâm TP.HCM) cho biết: “Năm nào Ban giám hiệu nhà trường cũng nhận được một xấp hồ sơ của chị H. (đang công tác tại một cơ quan cấp TP – PV). Tuy chị H. nói là xin học cho cháu nhưng nhìn hồ sơ là biết không phải. Chúng tôi làm công tác tuyển sinh lâu năm nên có đủ kinh nghiệm để phân biệt đâu là cháu thật, đâu là cháu “hờ”…”.
Chị Thu Nguyên (Q.Gò Vấp) kể lại: “Cách đây 3 năm, trên địa bàn phường tôi ở xây dựng một ngôi trường mầm non rất đẹp. Trường chỉ cách nhà chưa đầy 1km, rất thuận tiện cho việc đưa đón con. Tuy nhiên, lúc đó con tôi mới 2 tuổi nên chưa cho đi học. Đến khi bé lên 3, mặc dù mới tháng 5, tôi đã tới trường hỏi mua hồ sơ nhưng nhà trường nói hết rồi. Song, mấy chị hàng xóm của tôi nói cứ nhờ các ông cán bộ phường hay khu phố là xong hết. Đúng vậy, khi tôi đặt vấn đề thì mấy ông đó ra giá luôn: 15 triệu đồng/cháu”.
Có lẽ nhiều hiệu trưởng ở Q.1 biết nhà báo T. Bởi nhà báo T. là trưởng ban đại diện cha mẹ HS một trường THCS, phó ban đại diện cha mẹ HS một trường tiểu học. Cả hai trường này đều là trường điểm ở Q.1. Thậm chí, khi con anh không còn học ở trường, anh cũng tham gia vào ban đại diện cha mẹ HS. Không phải vì nhà báo T. ham “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” nên tích cực tham gia vào ban đại diện cha mẹ HS mà bởi làm việc này thì chạy trường cho “các cháu” dễ như trở bàn tay…
Lớp học “ngoại giao”
Có lẽ không phụ huynh nào lại không muốn con mình được học trong những ngôi trường khang trang, có đầy đủ điều kiện để HS phát triển toàn diện. Song, trên thực tế, ở mỗi quận, huyện chỉ có vài ba trường/cấp, bậc học đạt được những tiêu chí trên. Chính vì vậy mà những phụ huynh có điều kiện bằng mọi giá phải chạy cho con vào các ngôi trường này. Từ đó đã “đẻ” ra các lớp học gọi là lớp “con quan” hoặc lớp “ngoại giao”.
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.1 thừa nhận: “Nếu chỉ nhận trẻ đúng tuyến (có hộ khẩu trên địa bàn phường trường trú đóng – PV) thì mỗi năm trường chỉ có 4, nhiều lắm là 5 lớp 1. Song, từ nhiều năm nay, năm nào nhà trường cũng phải nhận từ 6-7 lớp 1. Đã vậy, sĩ số/ lớp ngày càng đông, có lớp lên tới 48-50 HS…”.
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.4 cũng thừa nhận, năm nào nhà trường cũng phải dành ra hai lớp để nhận “con quan”. Ở trên đã duyệt rồi thì trường làm sao dám không nhận.
Đúng vậy. Ở “trên” đã chỉ đạo nhận thì không hiệu trưởng nào dám từ chối. Bởi, cái giá của việc “trên bảo, dưới không nghe” không rẻ chút nào. Cô H. – nguyên hiệu trưởng một trường ở trung tâm TP nhớ lại: “Cách đây mấy năm, khi tôi còn là hiệu trưởng trường THCS T.V. một vị lãnh đạo quận đã viết vài dòng vào một hồ sơ yêu cầu tôi nhận. Lúc đó, điểm chuẩn vào trường tôi là 17,5 điểm (đối với HS trái tuyến trong quận) nhưng HS này chỉ được 16 điểm nên tôi cương quyết không nhận. Tuy nhiên, tại một cuộc họp có đầy đủ hiệu trưởng các trường trên địa bàn, vị lãnh đạo này đã tới dự và khéo léo “nhắc nhở” những hiệu trưởng thiếu “linh động” giải quyết riêng cho cấp trên”.
Từ nhiều năm nay, Sở GD-ĐT TP.HCM đã ra “tối hậu thư” cho các đơn vị trường học là: Không nhận HS trái tuyến ngoài quận, huyện nhưng số HS quận này học ở quận kia không phải là hiếm…
Vấn nạn chạy trường sẽ chưa chấm dứt khi khoảng cách giữa trường điểm và trường làng chưa được xóa.
Bài, ảnh: Hòa Triều
Bình luận (0)