Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Vì sao môn văn có nhiều đột biến về điểm?

Tạp Chí Giáo Dục

So sánh số liệu thống kê về bài làm môn ngữ văn trong 3 năm liên tục, có thể thấy, kỳ thi THPT quốc gia năm nay có nhiều đột biến về điểm số. Cụ thể là giảm nhiều điểm liệt và tăng số lượng bài điểm từ 9 trở lên. Nếu kỳ thi năm 2016 cả nước có đến 1.255 thí sinh bị điểm liệt (từ 1 điểm trở xuống), thì năm nay giảm đến gần 2/3, khi chỉ có 494 bài thi bị điểm liệt. Trong khi đó, nếu năm 2015 chỉ có 403 bài thi đạt điểm từ 9 trở lên, năm 2016 cũng chỉ có 392 bài làm đạt được ngưỡng điểm này, thì kỳ thi vừa qua tăng đột biến đến 2.104 bài. Cá biệt có 1 bài điểm 10, điểm mà nhiều năm trước đây hiếm thấy. Có nhiều nguyên nhân giúp cho môn ngữ văn năm nay có nhiều điểm từ 9 trở lên, mặc dù thời gian làm bài giảm từ 180 phút xuống còn 120 phút. Trước hết phải khẳng định rằng đề thi vừa qua khá dễ để có điểm. Cấu trúc đề cũng thay đổi giảm xuống rất nhiều, từ đọc hiểu 2 văn bản với 8 câu hỏi đã giảm xuống còn 1 văn bản với 4 câu hỏi, trong đó hầu hết các câu hỏi đều rất đơn giản. Câu hỏi viết bài văn nghị luận xã hội 600 chữ cũng được thay bằng viết đoạn văn ngắn 200 chữ, lại có sự tích hợp với văn bản đọc hiểu, nên quá nhẹ nhàng với thí sinh. Một lý do nữa khiến nhiều người băn khoăn. Đó là, có hay không, nếu hai năm trước, việc chấm thi tổ chức theo cụm, giao cho các trường ĐH đảm nhận. Thì kỳ thi vừa qua giao về cho địa phương, do các Sở GD-ĐT tổ chức. Và giáo viên chấm trực tiếp bài thi của địa phương mình, vì vậy việc cho điểm rộng hơn? Những nguyên nhân trên cho ta khẳng định rằng những đánh giá của dư luận về đề thi môn ngữ văn vừa qua như đơn giản, không hay, quá an toàn, chưa có nhiều đổi mới để… là có cơ sở. Vì vậy, thiết nghĩ, trong kỳ thi năm tới, đề thi môn ngữ văn cần phải có những điều chỉnh hợp lý để tránh những bàn luận không nên có như vừa qua.

N. Tun

Bình luận (0)