Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Người nước ngoài mưu sinh trên đất Việt

Tạp Chí Giáo Dục

Mỗi tối, anh Klaus Rutt vẫn tự mình lên xe nướng xúc xích để bán cho khách hàng

Trong khi nhiều người Việt tìm cách ra nước ngoài để được thay đổi cuộc đời thì một số người nước ngoài lại chọn mảnh đất còn nhiều gian khó này để mưu sinh. Họ đã không quản khó khăn, vất vả để ở lại đây và làm những công việc rất bình dị như bán xúc xích ở vỉa hè, bán cà phê… để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống.
Ông Tây bán xúc xích… vỉa hè
Đó là vợ chồng anh Klaus Rutt (Giám đốc Công ty TNHH Vua xúc xích Leon king) đến từ nước Đức. Khi ở phương Tây, anh là Giám đốc của một công ty lớn chuyên về xử lý rác thải, còn chị là chủ của một chuỗi nhà hàng chuyên bán về đồ ăn châu Á. Chị vốn là người Việt nên sau một chuyến về thăm quê vợ (đầu năm 2012), cảm mến tấm lòng, sự thân thiện của người dân Việt, anh Klaus Rutt đã không ngần ngại khi quyết định về Việt Nam sinh sống và đi bán xúc xích… ngoài vỉa hè ở tuổi 45.
Anh tâm sự: “Ở nước ngoài không phân biệt nghề nào sang, nghề nào hèn, những người công nhân, lao công được đánh giá và trả lương rất cao. Vì vậy, đối với tôi, làm ông chủ hay ra đứng ở vỉa hè chẳng có gì khác nhau”.
Tháng 8-2012, tạm gác việc kinh doanh ở Đức, mang theo đứa con nhỏ mới 3 tuổi (còn hai con lớn thì gửi ông bà chăm sóc), anh chị trở về Việt Nam và chọn mảnh đất Sài thành để mưu sinh. Ở đây, anh không mở công ty về môi trường mà chỉ làm xúc xích và bán trên vỉa hè đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận. Ai đi ngang qua cũng ngạc nhiên trước hình ảnh một ông Tây to lớn, da trắng hồng, tóc vàng hoe, mắt xanh biếc đứng nướng xúc xích mà miệng vẫn cười tươi.
Nói là vỉa hè nhưng anh chị vẫn làm các thủ tục pháp lý cho công ty xúc xích của mình. Những ngày đầu mới về mảnh đất này, vợ chồng anh Klaus phải tự mình thuê nhà, thuê luật sư mở công ty, mua xe để bán hàng… Cửa hàng anh không có menu, máy lạnh như mấy cửa hàng sang trọng bán đồ ăn nước ngoài mà chỉ có chiếc xe tải nhỏ để di chuyển và anh đứng nướng xúc xích cùng mấy chiếc ghế nhỏ cho khách ngồi… Ấy vậy mà cửa hàng anh ngày nào cũng “đắt khách”, nếu như những ngày đầu anh phải bù lỗ và mang xúc xích ra biếu khách hàng (lỗ 200 triệu đồng trong hai tháng đầu) thì hiện nay mới mở hàng 3 giờ chiều nhưng 9 giờ tối anh không còn hàng để bán cho khách.
Để thu hút được khách hàng, không chỉ ngẫu nhiên thấy lạ người ta đến mà cái chính là ở tâm huyết của anh khi làm ra những cái xúc xích tươi ngon. Ngoại trừ thịt phải mua ở Việt Nam, tất cả các nguyên liệu từ vỏ xúc xích đến gia vị anh đều nhập từ Đức. Gia vị này rất đặc biệt vì nó được làm từ lá cây, còn vỏ xúc xích được làm bằng lòng heo đã qua chế biến, muối cũng được nhập từ biển quê anh. Vì thế, người mới ăn xúc xích Đức thì thấy lạ, còn người đã từng ở Đức thì chỉ biết thốt lên “đây rồi, mùi xúc xích Đức đây rồi”. Với anh – người luôn đặt chất lượng lên hàng đầu nên mỗi khi chưa nhập được nguyên liệu từ Đức về, anh đóng cửa hàng chờ đợi suốt tuần lễ hay gặp phải mớ thịt chưa tốt, đã làm thành xúc xích nhưng nướng lên thấy thịt chảy nước là anh ngừng bán cho khách. Chính điều này đã làm cho khách hàng tin tưởng và ngày càng đông hơn.
Quầy xúc xích của anh hiện có 3 loại là xúc xích bò, xúc xích heo và xúc xích heo xông khói. Anh dự tính sẽ làm đủ 30 loại xúc xích Đức và sẽ khai trương thêm các cửa hàng trong thời gian tới để nhiều người biết đến xúc xích của mình hơn. Tuy nhiên, anh vẫn giữ chiếc xe tải nhỏ lại và cùng vợ đi bán vào các buổi chiều vì anh cho rằng khách hàng ăn như vậy mới cảm thấy ngon, mới đúng là xúc xích Đức.
Sinh viên Hàn mở cà phê “độc”

Anh Kang Yoo Bin chụp hình lưu niệm trong một lần tổ chức sinh nhật cho thú cưng của khách hàng

Tọa lạc ngay trên mặt tiền đường Lê Văn Sỹ, tối nào quán cà phê Dogy & Caty cũng thu hút đông đảo giới trẻ Sài thành. Khác với những quán cà phê bình thường, khách hàng đến đây còn được chơi với những con thú cưng như chó, mèo được đưa từ các nước phương Tây như Anh, Pháp, Mỹ… về. Chủ quán này chính là anh Kang Yoo Bin, cựu sinh viên Khoa Việt Nam học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM.
Quán cà phê “độc” không rộng lắm, gồm hai tầng, mỗi tầng khoảng 30m2 được bố trí sạch sẽ, thoáng mát và có cả đồ chơi dành cho các thú cưng. Ở tầng 1 là nơi dành cho những bạn trẻ yêu mèo (với khoảng chục chú mèo đáng yêu) còn tầng hai là dành cho cún con dễ thương (4 con chó nhỏ và 12 con lớn). Anh Kang Yoo Bin chủ quán cà phê “lạ” này cho biết: “Để giữ gìn vệ sinh cho quán, ngoài việc thuê người dọn dẹp, mình còn thuê thêm hai bác sĩ thú y để chăm sóc, tắm rửa cho các thú cưng hàng ngày, mỗi tháng mình trả cho mỗi người khoảng 3 triệu đồng”.
Khách hàng đến đây mất khoảng 70 ngàn đồng vé vào cổng là được thỏa thích nũng nịu, chụp hình với những thú cưng, ngoài ra họ còn được cộng thêm một phần nước miễn phí. Bạn trẻ nào muốn đưa thêm cún cưng ở nhà đến giao lưu thì sẽ phụ thêm 40 ngàn đồng. Những ngày lễ lớn, chủ quán thường giảm 10-50% phí vào cổng cho khách hàng.
Nói về lý do mở quán cà phê này, anh Kang Yoo Bin cho biết: “Mình rất thích thú cưng, ở nhà mình nuôi rất nhiều, mình muốn chăm sóc thêm nhưng không còn chỗ cho chúng ở. Trong khi đó, mình phải vừa đi học ở Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, vừa đi làm nên trong một lần trở về Hàn Quốc, thấy dịch vụ này khá thu hút giới trẻ, mình đã nghĩ ngay đến việc mở quán. Quán cà phê này chính là nơi các bạn trẻ có dịp đến học hỏi, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc thú cưng”.
Nghĩ là làm, ông chủ trẻ này hùn vốn khi vừa đi học vừa làm thêm, cộng với việc mượn thêm chị gái một ít tiền, anh đã khai trương cà phê Dogy & Caty vào tháng 4-2012. Tuy nhiên, khi vừa mở quán, 6 tháng đầu anh chàng này không những chẳng có lãi mà còn chịu lỗ vì khi đó nhiều bạn trẻ chưa biết quán cà phê “độc” này. Ấy vậy mà chưa khi nào Kang Yoo Bin lại nghĩ đến việc bỏ cuộc. “Mình thích thú cưng, quán này mình mở chủ yếu là giúp những con thú này có một sân chơi thú vị, vì thế bước đầu tuy khó khăn nhưng mình không nghĩ là sẽ bỏ cuộc”, Kang Yoo Bin chia sẻ.
Theo cha mẹ đến Việt Nam lúc mới chừng 6-7 tuổi, đến nay Kang Yoo Bin đã 24 tuổi. Có thể nói, Việt Nam chính là quê hương thứ hai của anh nên anh chưa có ý định trở về Hàn Quốc mà sẽ tiếp tục gắn bó với mảnh đất đầy tình người này.
Bài, ảnh: Dương Bình

Bình luận (0)