Ông Phạm Ngọc Thanh – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – trao bằng khen của Chủ tịch UBND TP cho các đơn vị, cá nhân có nhiều đóng góp với chương trình
|
Chương trình tư vấn hướng nghiệp do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức mang “bản sắc” rất riêng, đi sâu vào từng đối tượng, đến những địa bàn học sinh (HS) còn thiếu thông tin… Đó là nhận định của nhiều đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình tư vấn phân luồng hướng nghiệp và tuyển sinh tổ chức tại Sở GD-ĐT TP.HCM ngày 12-6.
Theo ông Nguyễn Thanh Tú – Tổng biên tập Báo Giáo Dục TP.HCM: Sau 5 năm triển khai (bắt đầu từ năm 2009), chương trình đã không ngừng phát triển, thu hút được sự quan tâm của các trường, các em HS, phụ huynh và chính quyền địa phương.
Mang đậm tính nhân văn
Nếu như năm 2009, chương trình chỉ tổ chức tại 2 địa phương với sự tham gia của 12 trường ĐH, CĐ, TCCN và 10.000 lượt HS, phụ huynh được tư vấn thì đến năm 2013 đã phát triển vượt bậc với sự tham gia của 29 trường, diễn ra tại 72 địa điểm với 130.000 lượt HS và phụ huynh được tư vấn. Trọng tâm mà chương trình hướng đến là phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho HS nên đối tượng tư vấn được mở rộng từ HS lớp 9 tới HS lớp 12. Không chỉ tổ chức ở những trường THPT ngay trung tâm TP, chương trình còn đi về các quận/huyện ngoại thành và các tỉnh/thành thuộc khu vực Đông Nam bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long… Đặc biệt, một số tỉnh/thành còn mở thêm điểm tư vấn tại các khu vực vùng sâu, vùng xa để chương trình đến được với những HS “đói” thông tin về tuyển sinh.
Theo ông Đỗ Quốc Anh – Vụ trưởng, Giám đốc văn phòng Bộ GD-ĐT tại TP.HCM – Chương trình tư vấn phân luồng hướng nghiệp và tuyển sinh do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức tuy muộn nhưng lại sâu sắc và mang đậm tính nhân văn. Chưa có đơn vị truyền thông nào thực hiện được công tác hướng nghiệp có chiều sâu, mở rộng thông tin đến những vùng sâu, vùng xa như Báo Giáo Dục. “Ở những nơi này, giáo viên quanh năm không có nổi một tờ báo để đọc, HS còn thiếu thốn trăm bề thì làm sao có điều kiện cập nhật đầy đủ các thông tin để lựa chọn ngành nghề chính xác. Khi đi đến các tỉnh/thành thuộc khu vực phía Nam việc kết hợp giữa báo với các đài truyền hình tại địa phương đã mở rộng kênh thông tin giúp các em HS hiểu sâu về thông tin tuyển sinh và đẩy mạnh tính hiệu quả cho chương trình…”, ông Đỗ Quốc Anh chia sẻ.
Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Thanh – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – nhận định: Lãnh đạo Sở GD-ĐT rất trân trọng và biểu dương những nỗ lực mà báo thực hiện trong các năm qua. “Song song với chương trình này, Báo Giáo Dục TP.HCM còn tổ chức chuyên trang Tuyển sinh – Hướng nghiệp, có nhiều bài viết đa dạng về ngành nghề, phân luồng để có thêm thông tin hữu hiệu giúp các trường trong công tác hướng nghiệp cho HS”.
Cần chú trọng nhiều vấn đề
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia giáo dục, công tác tư vấn hướng nghiệp cho HS hiện nay còn nhiều vướng mắc.
Ông Trần Anh Tuấn – Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhân lực và thị trường lao động TP.HCM – cho rằng công tác hướng nghiệp hiện còn quá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm một kiểu, thiếu lực lượng hướng nghiệp viên, thiếu tài liệu… Công tác hướng nghiệp cần sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị (nhà trường, ban tổ chức tư vấn…) và phải được thực hiện thường xuyên.
ThS. tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng vấn đề cốt lõi của công tác hướng nghiệp là phải giúp HS hiểu được mình và hiểu nghề. “Các em cần phải định hướng được mình là “hạt giống” nào để lựa chọn “mảnh đất” phù hợp. Theo khảo sát sơ bộ của tôi thì có tới 40% SV đang “ngồi nhầm chỗ” trên ghế giảng đường hiện nay. Do đó, công tác hướng nghiệp phải giúp HS hiểu được mình để chọn đúng ngành nghề phù hợp”, ThS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu nói.
Trong khi đó, ông Đỗ Quốc Anh đã nêu lên một thực trạng đang diễn ra phổ biến ở các trường học hiện nay là chưa có giáo viên chuyên trách làm công tác hướng nghiệp, các trường sử dụng nhân viên văn phòng và giáo viên làm công tác Đoàn kiêm nhiệm hướng nghiệp cho HS. Tuy nhiên, người mà các em thường xuyên gặp gỡ trao đổi và có thể làm tốt công tác này lại là giáo viên chủ nhiệm. “Tôi nghĩ, là đơn vị thông tin của ngành GD-ĐT, báo nên tổ chức các lớp tập huấn công tác hướng nghiệp, cập nhật kịp thời các thông tin để giáo viên chủ động nắm bắt và cung cấp cho HS”, ông hiến kế.
Ghi nhận ý kiến trên, ông Nguyễn Thanh Tú khẳng định: Báo Giáo Dục TP.HCM sẽ phối hợp với Sở GD-ĐT để có kế hoạch tập huấn và hướng dẫn giáo viên làm công tác hướng nghiệp trong thời gian sắp tới.
Bài, ảnh: Linh Vy
“Theo khảo sát sơ bộ của tôi thì có tới 40% SV đang “ngồi nhầm chỗ” trên ghế giảng đường hiện nay. Do đó, công tác hướng nghiệp phải giúp HS hiểu được mình để chọn đúng ngành nghề phù hợp”, ThS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu nói. |
Bình luận (0)