Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM – khẳng định như vậy, đồng thời cho biết TP HCM sẽ có 4 thành phố vệ tinh và không còn chính quyền quận, phường
* Phóng viên: TP HCM vừa đón tin vui khi Quốc hội (QH) chấp nhận cho thực hiện Đề án thí điểm về mô hình chính quyền đô thị (Đề án). Xin bà nói rõ về việc này?
– Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm:
Đề án chính quyền đô thị được TP HCM chuẩn bị từ rất lâu và TP cũng đã nghiên cứu nhiều mô hình, khảo sát ở nhiều nước để rút kinh nghiệm. Đã có một số lần TP HCM đề nghị cho thực hiện thí điểm và đến hôm nay thì QH chấp nhận và sẽ có nghị quyết về vấn đề này. Theo trình tự thì TP HCM phải trình Đề án để Chính phủ xem xét và Chính phủ trình Quốc hội thông qua rồi ra nghị quyết, sau đó TP HCM mới thực hiện.
* Bà có thể cho biết những nội dung cơ bản của đề án?
– Đề án đề xuất việc hình thành các đô thị vệ tinh, tức là sẽ có “thành phố trong thành phố”; với 4 TP vệ tinh ở 4 cửa ngõ TP với việc gộp lại một số quận. Ví dụ như ở phía đông sẽ có TP hình thành từ quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Bốn TP này sẽ có HĐND, UBND và được phân cấp quản lý tương đối rõ. Còn với 13 quận nội thành, với diện tích không lớn thì sẽ trở thành ủy ban hành chính thuần túy, không phải là cấp chính quyền hoàn chỉnh nên sẽ không có HĐND.
Tuy nhiên, phải nhấn mạnh rằng việc xây dựng chính quyền đô thị không có nghĩa là TP HCM bỏ HĐND mà là cơ cấu lại. Cụ thể, không có cấp phường nên không còn công chức phường mà chỉ có công chức quận, giải quyết toàn bộ các vấn đề của dân từ quận tới phường, giảm biên chế được rất nhiều, giảm mạnh thủ tục hành chính…
* Người dân sẽ được lợi gì từ mô hình này?
– Có thể nói người dân được lợi rất nhiều. Trước hết là thủ tục hành chính giảm, người dân có nhu cầu liên hệ với các cơ quan chính quyền dễ dàng hơn. Giảm biên chế hành chính thì sẽ có điều kiện tập trung nâng cao chất lượng bộ máy, đội ngũ cán bộ còn lại, nâng cao thái độ, tính chuyên nghiệp. Đặc biệt là TP có điều kiện tập trung đầu tư nâng chất lượng sống của người dân.
* Người dân thường kêu khi ra cơ quan công quyền bị sách nhiễu, phiền hà, vòi vĩnh. Mô hình chính quyền đô thị có giải quyết được bức xúc này?
– Tất nhiên là có. Đó cũng chính là một mục tiêu của đề án vì cải cách bộ máy đồng nghĩa với nâng cao năng lực thực thi công vụ để giải quyết công việc cho dân. Liên thông từ quận đến phường thì dân khỏi đi nhiều khâu. Một số quận chỉ còn tư cách quản lý hành chính thôi nên sẽ giải quyết yêu cầu của người dân rất nhanh; cấp quận sẽ không phải gánh nhiều trọng trách từ xây dựng quy hoạch mà thực quyền không có.
Với sự phân cấp nhất định của Trung ương cho chính quyền đô thị TP HCM, HĐND sẽ trực tiếp nghe yêu cầu của dân, quyết định nhiều vấn đề quan trọng không phải trình qua nhiều cấp nữa và đủ thẩm quyền giải quyết thì dân được hưởng lợi nhiều hơn. Riêng đội ngũ công chức phường dôi dư sẽ được sắp xếp trở thành công chức quận.
Ngày 18-6, QH đã biểu quyết thông qua Dự thảo Nghị quyết điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ QH khóa XIII, năm 2013 và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014. Trong nghị quyết này, QH đã chấp thuận đề nghị của các ĐBQH và Đoàn ĐBQH TP HCM về sự cần thiết phải xây dựng đề án thí điểm về mô hình chính quyền đô thị trên cơ sở tờ trình về đề án của TP HCM.
Theo NLĐ
Bình luận (0)