Trong cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam, cô Nguyễn Thị Diến (giáo viên hóa học, Trường THPT Nguyễn An Ninh, Q.10) “nổi” lên như một nhân tố về đổi mới và sáng tạo. Bằng những nỗ lực tự học, tự thay đổi bản thân, cô đã trở thành một trong 3 giáo viên xuất sắc đại diện Việt Nam có được “tấm vé” tham gia Diễn đàn Giáo dục toàn cầu tổ chức tại Pháp năm 2019.
Cô Diến (ở giữa) đạt giải nhất Diễn đàn Giáo viên sáng tạo 2019
Trong hành trang đổi mới của người giáo viên trẻ ấy, ngoài nhiệt huyết với nghề đó còn là trách nhiệm của một nhà giáo dục, mong muốn trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng của công dân thế kỷ 21.
Không đổi mới sẽ là tụt hậu
Trong một lần lướt Facebook, cô Diến vô tình tiếp cận với “Cộng đồng giáo viên sáng tạo Microsoft Việt Nam”. Lần tiếp cận vô tình này lại trở thành “cú hích” giúp cô Diến thay đổi chính bản thân. “Mình đã thật sự hoảng khi lần giở từng “trang” trong cộng đồng. Cảm giác như là đang lạc vào một thế giới khác – thế giới của những giáo viên say mê đổi mới, sáng tạo, nỗ lực thay đổi từng ngày. Thế giới ấy giúp mình nhận ra rằng, đã đến lúc mình phải thay đổi, từ phương thức đến cách thức dạy học”, cô Diến chia sẻ.
Từ nhận thức đó, ngay lập tức, cô Diến bắt tay vào tiếp cận các khóa học online trên cộng đồng, trang bị dần kiến thức về CNTT, phương pháp giáo dục mới, đặc biệt là khuynh hướng thay đổi, đổi mới giáo dục. Song song với thay đổi bản thân, cô mạnh dạn ứng dụng những thay đổi đó vào trong giảng dạy. Bắt đầu từ những thay đổi nhỏ nhất là thay đổi hình thức kiểm tra, từ kiểm tra trắc nghiệm trên giấy sang kiểm tra trắc nghiệm trên máy tính. Cùng với đó, cô tiếp tục đưa những ứng dụng của công cụ CNTT vào trong hoạt động giảng dạy. “Mới đầu, học sinh bỡ ngỡ lắm, mình cũng lo. Nhưng sau các em dần quen, thích nghi và đón nhận những điều mới mẻ này”.
Cô Nguyễn Thị Diến cùng học trò tham gia dự án Môi trường không khói thuốc lá
Cùng với thay đổi hình thức kiểm tra, cô Diến cũng chủ động thay đổi phương pháp giảng dạy, chuyển dần từ dạy học truyền thống sang dạy học tích cực (dạy học dự án), dịch chuyển dần sang giáo dục STEM. Để “vững tay” trong đổi mới, ngoài kênh cộng đồng giáo viên sáng tạo, cô Diến còn chủ động “bỏ tiền túi” tham gia các khóa học về phương pháp dạy học tích cực, tiếp cận những khóa học theo định hướng giáo dục STEM. Trong quá trình tiếp cận các khóa học cũng là lúc cô nâng cao khả năng ngoại ngữ bằng các khóa học tiếng Anh online. “Trong hành trình đổi mới, cần nhất sự kiên trì, chủ động của người giáo viên. Làm sao tích hợp dần những phương pháp dạy học mới, bên cạnh việc trang bị kiến thức còn phải cải thiện kỹ năng cho học sinh. Cạnh đó, người giáo viên cũng phải tự mình khắc phục những khó khăn, nâng cao năng lực của chính mình”, cô Diến nhấn mạnh.
Thành quả của đổi mới
Dự án đầu tay mà cô Diến triển khai đến học sinh là dự án “Trồng rau trên sân thượng (Mái nhà xanh) và đánh giá hàm lượng NPK” dành cho học sinh lớp 11. Dự án giúp học sinh tìm hiểu ảnh hưởng của phân bón hóa học đến sự sinh trưởng và phát triển của một số loại rau. Với dự án này, lần đầu tiên học sinh được tiếp cận kiến thức bài học bằng hình thức thực tế thông qua phương pháp mới mẻ, mang đến sự thích thú không nhỏ cho học sinh.
Sau dự án Mái nhà xanh, liên tiếp những dự án được cô Diến thực hiện trong bộ môn. Trong đó, tạo nên “tiếng vang” nhất phải kể đến dự án “Môi trường không khói thuốc lá” mà cô thực hiện cho học sinh khối 12 trước thực trạng đối tượng hút thuốc lá ngày càng đang trẻ hóa. Trong dự án này, học sinh được nghiên cứu về mức độ ảnh hưởng của thuốc lá với người hút (cả chủ động và bị động) và hạn chế tình trạng hút thuốc lá. Bằng tính thực tế cùng ý nghĩa giáo dục cao, dự án đã xuất sắc vượt lên hơn 300 đề tài để đạt giải nhất trong Diễn đàn Giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT khối phổ thông năm 2019 do Cục CNTT (Bộ GD-ĐT) phối hợp với Microsoft Việt Nam tổ chức. Với giải thưởng lớn này, cô Diến đã trở thành một trong 3 đại diện của Việt Nam tham gia Diễn đàn Giáo dục toàn cầu 2019 tại Pháp.
Song song đó, để thích ứng với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, cô Diến cũng chủ động trang bị tìm hiểu thêm về công nghệ tăng cường thực tế ảo (AR), trí tuệ nhân tạo (AI), tự mình làm App điện thoại tích hợp trong các bài giảng tạo ra sự thích thú cho học sinh.
Cô Diến cùng giáo viên quốc tế trong Diễn đàn Giáo dục toàn cầu 2019
Không chỉ đổi mới mình, cô còn cùng một số giáo viên lập group “Hóa học – Vận dụng sáng tạo phương pháp dạy học” để chia sẻ những phương pháp dạy học tích cực, dạy học STEM đồng thời tạo ra môi trường để giáo viên hóa học học hỏi lẫn nhau. Group đã thu hút đông đảo giáo viên hóa học trên mọi miền đất nước.
Chia sẻ về động lực đổi mới, cô Diến cho hay, hóa học là một bộ môn mà kiến thức hết sức hàn lâm. Việc đổi mới là yếu tố then chốt để mang kiến thức thực tế đến với bộ môn, giúp học sinh yêu thích môn học từ chính những trải nghiệm trong mỗi bài học. “Hóa học không phải chỉ là phương trình phản ứng mà còn là những tồn tại hiện diện trong cuộc sống xung quanh chúng ta. Vai trò của người giáo viên là phải giúp học sinh làm rõ hơn những nội dung thực tế của hóa học trong đời sống, từ đó trang bị cho học sinh những kỹ năng cần có của học sinh thế kỷ 21”, cô Diến bày tỏ. Theo cô Diến, trong quá trình đổi mới còn rất nhiều khó khăn nhưng từ sự khích lệ của đồng nghiệp, học sinh, sự háo hức đón nhận những trải nghiệm mới mẻ từ chính học sinh trong mỗi tiết học chính là động lực để bản thân đổi mới mỗi ngày.
Yến Đỗ
Bình luận (0)