Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Câu chuyện bên bờ sông”: Tái hiện cuộc sống khu nhà chồ ven sông Hàn

Tạp Chí Giáo Dục

Bà Phan Th Cương – cư dân P.Ni Hiên Đông, Q.Sơn Trà – ti trin lãm. Ảnh: V.Y

Trong 3 ngày (từ 27 đến 30-11), Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức triển lãm “Câu chuyện bên bờ sông”. Triển lãm là một phần trong kết quả của dự án nghiên cứu “Di sản nghề chài và cuộc sống mưu sinh tại Đà Nẵng” do GS. Graeme Were – Trưởng khoa Nhân học – ĐH Bristol (Vương quốc Anh) làm chủ nhiệm đề tài. 

Trong những năm từ 2000 đến 2005, chính quyền TP.Đà Nẵng đã di dời những hộ dân sống trong khu nhà chồ ven bờ Đông sông Hàn đến những khu nhà ở hiện đại ở vùng Nại Hiên Đông, vùng ven đô thuộc Q.Sơn Trà. Điều này đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của TP, đưa Đà Nẵng trở thành một trong những TP phát triển nhanh nhất châu Á hiện nay. Triển lãm kể câu chuyện của một số gia đình trong cộng đồng này, sử dụng lời kể của chính họ và những hiện vật mà họ đã lựa chọn từ các bộ sưu tập của bảo tàng. Những câu chuyện này cho thấy sự mạnh mẽ của một cộng đồng, mối liên hệ của họ với dòng sông và sinh kế thay đổi của họ.

Có mặt tại triển lãm, bà Phan Thị Cương, một cư dân trú tại P.Nại Hiên Đông, Q.Sơn Trà, tâm sự: “Thời gian sống ở nhà chồ chỉ cần ra khỏi nhà, bước xuống thuyền là có thể đi đánh cá, bắt cua. Gần 10 năm nay tôi không còn làm công việc này nữa. Tôi rất nhớ công việc cũ của mình, nhất là khi nhìn thấy những ngư cụ trưng bày trong Bảo tàng Đà Nẵng”.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện – Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng – cho biết: “Triển lãm được hình thành với những nội dung lấy từ lời kể, tâm sự của chính những ngư dân từng sống ở nhà chồ ven sông Hàn ngày xưa, thông qua hiện vật bảo tàng. Những hình ảnh chúng ta thấy trong triển lãm có lẽ chỉ nói lên được một phần nhỏ trong phương pháp tiếp cận và xây dựng trưng bày dựa vào cộng đồng của GS. Graeme Were trong một tháng nghiên cứu vừa qua. Nhìn những gương mặt hạnh phúc và xúc động của người dân chài khi tham quan không gian trưng bày về nhà chồ ngày xưa của họ trong bảo tàng, chúng tôi hiểu được sự khác biệt trong phương pháp tiếp cận sẽ mang lại sự khác biệt như thế nào trong hiệu ứng của một trưng bày. Sự quan tâm đặc biệt mà dự án này dành cho cộng đồng ngư dân ở nhà chồ ven sông, cho di sản nghề cá của Đà Nẵng, giúp chúng tôi nhận thấy vai trò quan trọng của các bảo tàng địa phương trong việc bảo tồn và gìn giữ các giá trị truyền thống, trong đó có các ngành nghề truyền thống, trong bối cảnh hiện nay”, ông Thiện nói.

Vĩnh Yên

 

Bình luận (0)