Anh Lý Văn Thanh (41 tuổi, quê Lào Cai) và chị Hoàng Thị Tâm (39 tuổi, quê Cao Bằng) phải lòng nhau tại một trung tâm dạy nghề dành cho người khuyết tật. Hai con người, một số phận đến với nhau chẳng có tài sản gì quý giá, ngoài tình yêu, tinh thần và nghị lực.
Anh Thanh và chị Tâm tham gia “Đám cưới tập thể dành cho người khuyết tật 2019”
Căn phòng trọ của anh Thanh và chị Tâm nằm sâu trong một con hẻm ở quận Thủ Đức, TP.HCM nhìn rất đơn sơ nhưng ngăn nắp và luôn tràn ngập tiếng cười. Khi chúng tôi đến thăm, anh Thanh đang chuẩn bị xấp vé số và dàn karaoke di động để vừa bán vừa hát. Thấy nhà có khách, anh nán lại chuyện trò. Anh Thanh vui vẻ: “Nhờ trời thương, việc bán buôn dạo này cũng kha khá”.
Cách đây hơn 35 năm, căn bệnh quái ác đã cướp đi đôi mắt của anh Thanh. Để rồi cả cuộc đời của người con trai ấy phải sống trong bóng tối. Khuyết tật, mồ côi, anh chỉ biết cô nhi viện là nhà. Thanh xuân của anh Thanh từng bị bạn bè coi thường, chế giễu nhưng không vì thế mà làm anh buông xuôi, gục ngã.
Không chấp nhận số phận, anh Thanh quyết tâm học nghề tại một trung tâm dạy nghề dành cho người khuyết tật. Nhờ siêng năng và tinh thần ham học, anh nhanh chóng thạo nghề. “Hồi đó tôi học được nghề massage, học hát, múa… nhờ vậy mà bây giờ tôi đã có được công việc để nuôi sống vợ con” – anh Thanh tự hào về bản thân.
Cũng chính nơi học nghề ấy đã giúp anh tìm được một nửa của cuộc đời mình. Cùng cảnh ngộ với anh Thanh nhưng chị Tâm may mắn hơn vì có cha mẹ và anh em. Không nhìn thấy mặt nhau nhưng duyên nợ đã khiến hai trái tim hòa chung nhịp đập. Chị Tâm cho biết: Hồi đó cha mẹ gửi mình đến chỗ anh Thanh học nghề. Mình là đàn em nên được anh Thanh chỉ dạy. Ban đầu chỉ xem nhau như bạn, dần dần sự nhiệt tình và tính thân thiện, hay giúp đỡ người khác của ảnh đã khiến mình ngưỡng mộ rồi cảm mến”.
Ngày chị Tâm dẫn anh Thanh về ra mắt, cha mẹ chị rất e ngại vì sợ hai vợ chồng mù lòa không thể gầy dựng được gia đình, không chăm sóc được con cái. Nhưng thấy tình yêu mà anh Thanh dành cho chị Tâm quá lớn, cha mẹ cũng siêu lòng.
Sau khi kết hôn, anh Thanh để vợ ở nhà lo cơm nước, còn mình đi bán vé số. Nhờ được học hát trước đó nên anh nảy ra ý nghĩ lấy chất giọng của mình để bán vé số. “Việc bán buôn ở Cao Bằng ế ẩm. Có người quen khuyên nên vào Sài Gòn lập nghiệp sẽ sống được hơn, với lại không bị phụ thuộc vào gia đình vợ. Suy đi nghĩ lại, hai vợ chồng khăn gói lên đường. Lúc đầu rất vất vả vì mình không rành đường đi nước bước. Vợ chồng phải ngủ bờ ngủ bụi mấy ngày mới thuê được nhà trọ. Người ta thấy mình mù lòa, sợ gặp rắc rối nên đâu chịu. Nhờ may được một chú xe ôm tốt bụng chở đến một khu trọ ở quận Thủ Đức. Ở đây bà chủ giúp đỡ hai vợ chồng rất nhiều. Hằng tháng còn giảm tiền điện nước” – anh Thanh cho biết.
Ngày chị Tâm có thai, hai vợ chồng như được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua nghịch cảnh. May thay, đứa bé hoàn toàn khỏe mạnh. “Nhiều khi đêm khuya con nhỏ lên cơn sốt cao, hai vợ chồng đều mù lòa nên không biết làm sao để đưa con đến bệnh viện vì vậy phải nhờ cậy những gia đình hàng xóm giúp đỡ. Dần dần, cả hai đã tự học cách chăm con. Năm nay con gái của mình được 5 tuổi. Đó cũng là ngần ấy năm sinh sống trên mảnh đất Sài Gòn. Dòng người tấp nập, bon chen. Còn gia đình mình khiếm khuyết nhưng đầy ắp tình thương, niềm hạnh phúc” – chị Tâm nói trong niềm hạnh phúc.
Còn anh Thanh, với cái nghề hát để bán vé số không giúp anh giàu có nhưng đó là niềm vui. “Vui vì mình nuôi được vợ, con. Vui vì mình tự kiếm được đồng tiền chân chính. Cuộc đời là do mình quyết định. Hãy suy nghĩ tích cực rồi mọi chuyện sẽ tốt đẹp thôi” – anh nói!
Bài, ảnh: Kiều Khánh
Bình luận (0)