Với tổng điểm thi 21,5 ở môn văn và hai môn năng khiếu, thí sinh Đoàn Văn Tú (sinh năm 1996) vẫn không trúng tuyển vào ngành sư phạm âm nhạc của Trường ĐH Sài Gòn dù ngành này năm nay chỉ lấy 18 điểm, lý do là điểm môn văn không đạt ngưỡng sàn Bộ GD-ĐT quy định.
Thí sinh làm thủ tục xác nhận nhập học tại Trường ĐH Sài Gòn ngày 14-8
Trong thư gửi Báo Giáo dục TP.HCM mới đây, Tú cho biết đã tốt nghiệp trung cấp năm 2014, học lực của em trước đây đạt loại khá, điểm trung bình 7,2. Thí sinh này dự thi THPT quốc gia năm 2019 để lấy điểm xét tuyển vào ngành sư phạm âm nhạc của Trường ĐH Sài Gòn. Và tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Tú đạt điểm môn văn 5,5. Tại đợt thi năng khiếu vào ngành sư phạm âm nhạc (tổ hợp N01) của Trường ĐH Sài Gòn, Tú đều đạt 8 điểm ở cả hai môn năng khiếu 1 và 2.
Thí sinh này thắc mắc, ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào ngành sư phạm do Bộ GD-ĐT quy định năm nay là 18 điểm, điểm trúng tuyển ngành sư phạm âm nhạc tại Trường ĐH Sài Gòn cũng là 18. Trong khi đó, tổng điểm các môn văn và năng khiếu của em là 21,5 – vượt điểm chuẩn của trường tới 3,5 điểm tại sao vẫn không trúng tuyển?
Băn khoăn Tú đã được chuyên viên Phòng Đào tạo nhà trường giải thích, cụ thể theo quy định, thí sinh đủ điều kiện xét tuyển vào khối ngành sư phạm phải đạt ngưỡng sàn do Bộ GD-ĐT quy định. Trong đó, đối với trường hợp xét 1 môn văn duy nhất mà trường áp dụng đối với ngành này, cách tính là: điểm môn văn + 1/3 điểm ưu tiên = 6. Trong khi đó, Tú đạt lần lượt điểm văn 5,5; điểm ưu tiên 0,25; áp dụng cách tính này sẽ có tổng điểm là: 5,5 + 0,25/3 = 5,58 điểm, chưa đạt 6. Do vậy em không đủ điều kiện trúng tuyển. Tuy nhiên sau đó, thí sinh này vẫn không đồng ý với cách giải thích này, cho rằng công thức tính: “điểm môn văn + 1/3 điểm ưu tiên = 6” chỉ là quy định riêng mà nhà trường tự đưa ra.
Chiều 14-8, trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục TP.HCM, TS. Nguyễn Thanh Tân (Trưởng phòng Đào tạo, Thường trực Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Sài Gòn) cho hay không có chuyện nhà trường tự đưa ra cách xác định điểm sàn riêng như thí sinh đã phản ánh. Việc xét tuyển thí sinh, riêng đối với nhóm ngành sư phạm tại trường đều dựa vào quy định của Bộ GD-ĐT. Trong đó, tại Thông tư 02/2019/TT-BGDĐT ngày 28-2-2019 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh ĐH hệ chính quy, tuyển sinh CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy…, trong Khoản 3, điều 2 có quy định: “Điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng điểm thi THPT quốc gia của trường tối thiểu bằng điểm trung bình cộng theo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT quy định”.
Bên cạnh đó, tại Hướng dẫn triển khai công tác xét tuyển ĐH, CĐ sư phạm, TC sư phạm năm 2019 của Bộ GD-ĐT (ngày 2-7-2019) có quy định: “Việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với tổ hợp xét tuyển khi sử dụng kết quả ba bài/môn thi, hai bài/môn thi, một môn thi của kỳ thi THPT quốc gia kết hợp với các điều kiện khác để xét tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên và các ngành sức khỏe có chứng chỉ hành nghề, trong trường hợp đối với 1 môn thi thì điểm môn thi + (điểm ưu tiên khu vực, đối tượng) x 1/3 (làm tròn đến 2 chữ số thập phân) tối thiểu bằng ngưỡng ba bài thi/môn thi x 1/3 (làm tròn đến 2 chữ số thập phân)”. Dựa trên quy định này, trường hợp thí sinh Tú không trúng tuyển vào trường do không đủ điểm so với mức sàn quy định. Mặc dù tổng điểm thi của em cao hơn cả điểm chuẩn nhưng em vẫn… trượt do bị “khống chế” ở điểm sàn.
Ông Tân cho biết thêm, tại trường có 4 ngành xác định điểm sàn ở 1 môn thi, trong đó 3 ngành sư phạm chịu quy định của điểm sàn gồm: Sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật và giáo dục mầm non. “Toàn bộ danh sách thí sinh trúng tuyển đợt 1 năm nay được Bộ GD-ĐT gửi về và nhà trường xuất ra thông báo đến thí sinh”, ông Tân nói.
Ngoài ra, cũng theo ông Tân, tại trường cũng còn một trường hợp thí sinh khác bị “khống chế” điểm sàn môn văn tương tự, nhưng đó là quy định chung, trường không thể can thiệp được.
Mê Tâm
Bình luận (0)