Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Những con số nhỏ mà không nhỏ

Tạp Chí Giáo Dục

Kỳ thi năm nay đã có một vài thay đổi để giảm áp lực cho thí sinh (TS) như thay đổi thứ tự môn thi đối với đợt 2, cải tiến hướng ra đề thi, đề thi có câu hỏi mở, phân hóa được TS, sự vào cuộc của các tổ chức xã hội… Tuy nhiên, chỉ trong vòng 45 ngày có 4 đợt thi diễn ra (1 kỳ thi tốt nghiệp, 3 kỳ thi ĐH, CĐ) thu hút hàng triệu lượt TS tham gia đã tạo một áp lực không nhỏ lên xã hội, nhất là tại các thành phố lớn.
Trước áp lực thi cử, câu hỏi liệu đến bao giờ có một kỳ thi quốc gia? Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, những thay đổi lớn sẽ chỉ diễn ra vào sau 2015. Từ nay đến 2015 sẽ vẫn 3 chung, vẫn còn kỳ thi tốt nghiệp THPT… Theo Thứ trưởng Ga, sở dĩ phải để đến sau 2015 vì để có thời gian lấy ý kiến dư luận và không gây sốc cho TS khi có đủ thời gian chuẩn bị. Tuy nhiên, trong thời gian từ đây tới năm 2015, thực hiện theo Luật Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT vẫn tiếp nhận các phương án tuyển sinh riêng do các trường đề xuất. Sau khi trưng cầu ý kiến người dân và xem xét tính khả thi, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ xét duyệt các đề án này. Trước đó, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng khẳng định sẽ cho phép các trường ngoài công lập có thêm một kỳ tuyển sinh vào mùa xuân năm tới nếu các trường có phương án tuyển sinh hợp lý.
Trong quy chế thi và tuyển sinh năm nay có quy định, trường phải thành lập ban chấm kiểm tra chấm 5% bài thi để việc chấm thi không chấm nới, chấm sót hay quá gắt đối với bài làm của TS. Quy định chỉ có một dòng chữ nhưng việc thực hiện không đơn giản như thế. Theo GS.TS Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Học viện An ninh Nhân dân, đối với các trường có số lượng hồ sơ ít, 5% là con số không đáng kể. Nhưng với các trường có số lượng lên đến vài vạn bài thi thì con số này không nhỏ. Lực lượng chấm thi, kinh phí chấm thi, quy trình chấm thi sẽ như thế nào?  Kết quả cao hay thấp so với bài thi đã được chấm trước đó thì sẽ phải xử lý ra sao? Trao đổi về vấn đề này, ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết các hội đồng thi sẽ thực hiện chấm đuổi. Kết quả chấm lại sẽ được làm cơ sở căn cứ để chủ tịch hội đồng chấm thi kịp thời điều chỉnh. Nếu ban chấm kiểm tra chấm ra kết quả có chênh lệch (theo quy định) so với kết quả chấm thi của cán bộ chấm thi thì có thể trao đổi với trưởng ban chấm thi, chủ tịch hội đồng chấm thi để đối thoại hoặc tiến hành chấm lại.
Nhưng rõ ràng, các trường sẽ phải thêm một khoản kinh phí không nhỏ cho việc này. Bởi thêm việc là thêm người, thêm người là thêm tiền. Có thể lấy ví dụ, ĐH Nông nghiệp Hà Nội, cả hai đợt có 49.454 hồ sơ đăng ký dự thi, trung bình có trên 73% TS dự thi cả hai đợt. Trong đó, TS thi khối A là 17.608 hồ sơ, số dự thi là trên 12.800 TS. Khối A có một môn tự luận là môn toán, nên sẽ có trên 12.800 bài thi trường phải chấm. Đợt 2, khối B có 31.864 hồ sơ đăng ký dự thi, con số TS dự thi thực là 23.260. Khối B có một môn tự luận là môn toán nên trường cũng sẽ phải chấm 23.260 bài. Cả hai đợt, trường sẽ phải chấm 36.060 bài. Nếu chấm kiểm tra 5%, tức là trường sẽ phải chấm thêm 1.803 bài. Con số này không nhỏ, như vậy sẽ thêm gánh nặng kinh phí và trách nhiệm cho trường. Trong khi đó, việc chấm kiểm tra lại kết quả như thế nào chưa ai có thể dự đoán được. Đó chỉ là một trường. Nếu cộng số lượng bài thi cả 3 đợt thi ĐH, CĐ lại thì con số sẽ không chỉ là vỏn vẹn 5% như bộ quy định.
Nghiêm Huê

Bình luận (0)