Sau khi đổ bộ vào các tỉnh nam đồng bằng Bắc bộ và Thanh Hóa, tâm bão nằm giữa H.Hải Hậu (Nam Định) và các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc (Thanh Hóa), ngày 8.8, bão số 6 đã “chết” trên khu vực biên giới Việt – Lào.
Theo tổng hợp của Thanh Niên, tính đến chiều qua, mưa bão, lũ đã làm ít nhất 3 người chết, 4 người mất tích. Trong đó, tại Hà Nội, cây đổ đè chết 1 người đi đường; tại Hải Phòng, 1 người chết vì bị sóng cuốn trôi khi đang xem bão ngay sát mép kè ven biển Đồ Sơn; tại Thái Nguyên, 1 người dân bị điện giật chết. Lào Cai có 3 người bị lũ cuốn trôi và 1 thuyền viên trên tàu cá NA 9339 của Nghệ An bị chìm được xác định là mất tích, lực lượng chức năng đang tiếp tục tìm kiếm.
Hàng loạt cây xanh ở các huyện thị ven biển và TP.Thanh Hóa bị đổ ngổn ngang sau bão – Ảnh: Ngọc Minh |
Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, cho biết suốt cả ngày hôm qua, do tàn dư của bão số 6 kết hợp với đới gió đông nam hoạt động mạnh, ở các tỉnh Bắc bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa to đến rất to kèm giông, lượng mưa phổ biến trong khoảng 70 – 100 mm.
Mưa đã gây ngập úng cục bộ tại nhiều đô thị, trong đó, hàng loạt tuyến đường, tuyến phố của Hà Nội chìm trong biển nước, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng.
Mưa lớn cũng đã làm lũ lên nhanh trên các sông miền Bắc. Trong đó, trên hệ thống sông Thái Bình và Hoàng Long mực nước lên mức xấp xỉ và trên báo động 1. Theo ông Bùi Minh Tăng, trong 1 – 2 ngày tới, mưa vừa, mưa to tiếp tục duy trì trên khu vực Bắc bộ, ngập úng ở Hà Nội và các tỉnh vùng đồng bằng trung du còn tiếp tục. Lũ sông Thái Bình và Hoàng Long sẽ lên trên báo động 2 từ 0,3 – 0,7 m. “Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất có thể xảy ra ở các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Lào Cai, Phú Thọ, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên và Hòa Bình”, ông Tăng lưu ý.
Chiều 8.8, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Phú Thọ, ông Nguyễn Hồng Sơn cho biết, mưa kèm theo gió lớn tại địa phương này đã làm 40 nhà dân bị tốc mái, 1 người bị thương. Còn tại các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn và Yên Lập, nước mưa gây ngập úng cục bộ 60 ha lúa và hoa màu.
Thông tin tổng hợp từ Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Hòa Bình cho biết, mưa lớn đã gây sạt lở nhiều tuyến đường giao thông, ngập lụt hàng trăm héc ta hoa màu, cây ăn quả. Trên tỉnh lộ 151 từ TP.Lào Cai đi H.Văn Bàn nước lũ tràn đường khiến giao thông bị ùn tắc trong nhiều giờ.
Tại Thanh Hóa ước thiệt hại lên tới 167 tỉ đồng. Theo thống kê ban đầu, bão số 6 đã gây mưa lớn làm 753 nhà dân ở các huyện ven biển bị tốc mái; gần 8.000 ha lúa, mía và rau màu bị ngã đổ. 2.500 m2 hệ thống bờ bao, nuôi trồng thủy hải sản bị sạt, vỡ. Hệ thống các công trình xây dựng hồ đập, đê kè, đường sá cũng bị lũ làm hư hại… Đáng kể nhất là hơn 1.000 ha nuôi ngao của người dân thuộc các xã ven biển có nguy cơ mất trắng do những trận sóng lớn cuốn ngao dồn lại thành từng đống, khiến ngao bị va đập với nhau, dẫn đến chết hàng loạt.
Nhiều tàu cá và ngư dân bị nạn trên biển
Sà lan SG 6269 trọng tải 1.800 tấn trên đường trú bão số 6 bị hỏng máy, đứt neo trôi dạt cách mũi Đầu Rồng (Nghệ An) 9 hải lý đến sáng 8.8 đã được Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Nghệ An ra cứu 3 thuyền viên vào bờ, riêng sà lan đang được chủ tàu thuê phương tiện cứu kéo.
Trong khi đó, sáng 7.8 tàu cá BĐ 96431 của ông Trần Lai (trú Hoài Hương, Hoài Nhơn, Bình Định) có 10 ngư dân bị gãy trục số tại 9,4 độ vĩ bắc, 112,14 độ kinh đông, cách đảo Đá Tây, Trường Sa 50 hải lý về phía bắc nhưng vẫn chưa có tàu nào ứng cứu.
Đối với tàu cá QB 93063 của ông Nguyễn Văn Dũng (trú ở Quảng Trung, Quảng Trạch, Quảng Bình) cùng 7 ngư dân bị phá nước cách đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) 10 hải lý sáng 7.8 đến trưa cùng ngày đã được tàu QB 91299 hỗ trợ đưa vào đảo Cồn Cỏ trú nạn.
Tại Thừa Thiên-Huế, lực lượng biên phòng tỉnh đã cứu hộ thành công tàu cá BĐ 94400TS (do ông Võ Trói, 63 tuổi, trú Mỹ Thành, Phù Mỹ, Bình Định làm chủ cùng 10 thuyền viên) gặp nạn trên phá Tam Giang và đưa vào bờ an toàn.
theo TNO
Bình luận (0)