Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trước thềm năm học mới ở Đà Nẵng: Hàng chục giáo viên hoang mang

Tạp Chí Giáo Dục

Trong khi thầy trò cả nước đang háo hức chờ đón ngày hội hân hoan tới trường thì 34 giáo viên của Trường MN 29-3 (quận Hải Châu, Đà Nẵng) lại hết sức hoang mang vì không biết số phận mình đi đâu, về đâu?
Theo cô Nguyễn Thị Hoài Thu, Hiệu trưởng Trường MN 29-3 cho biết, theo chủ trương của TP, Trường MN 29-3 sẽ được chuyển đổi sang loại hình ngoài công lập theo mô hình xã hội hóa học tập. Theo đó, Công ty cổ phần Lương thực Đà Nẵng là đơn vị được TP thống nhất cho phép thực hiện Dự án xã hội hóa Trường MN 29-3. Đây được xem là một mô hình khá mới mẻ vì lâu nay chỉ phổ biến mô hình chuyển đổi từ trường bán công sang công lập.
Sau năm 1978, Trường MN 29-3 là một cơ sở của Trường MN Công lập 20-10. Đến năm 2009, trường được tách ra thành lập thành Trường MN Công lập 29-3. Ban đầu khi mới chia tách, nhà trường chỉ có 150 trẻ. Một năm sau đó, số trẻ tăng lên đến 350 cháu. Con số ấy duy trì cho đến năm học 2012-2013. Theo cô giáo Hoài Thu, việc duy trì sĩ số trẻ đến trường phần lớn nhờ vào chất lượng và uy tín trong việc chăm sóc trẻ. Đang là một trường công lập ổn định số trẻ đầu vào mỗi năm thì đến tháng 7-2011, TP có chủ trương chuyển đổi loại hình hoạt động của Trường MN 29-3 sang trường tư thục. Từ khoảng giữa năm 2012, cô trò nhà trường tạm thời chuyển về một cơ sở mới ở đường Lý Thường Kiệt, để đơn vị thi công xây dựng lại trường trên khu đất cũ. Và gần một năm sau, đến tháng 3-2013, lại chuyển về học tập tại cơ sở cũ đã được nhà đầu tư xây dựng. Từ đó đến nay, dù mang danh là một trường thuộc quản lý của đơn vị tư nhân nhưng cán bộ, giáo viên nhà trường vẫn hưởng lương Nhà nước. Tức là họ chịu sự quản lý từ hai phía, về phía Nhà nước quản lý nguồn lực con người và trả lương cho họ còn về phía công ty đầu tư thì quản lý cơ sở vật chất. Sẽ không có gì đáng băn khoăn nếu các cán bộ và nhân viên nhà trường vẫn tiếp tục được công tác và hưởng chế độ lương như trên. Điều đáng nói, bắt đầu từ tháng 9-2013 này, ngân sách Nhà nước sẽ không còn trả lương cho giáo viên nhà trường trong khi đó nhà đầu tư vẫn chưa trực tiếp làm việc để đưa ra kế hoạch cụ thể trong khi năm học mới chỉ còn 2 tuần nữa là bước vào khai giảng.
Hiện toàn trường có 34 cán bộ, giáo viên. Trong đó có 7 giáo viên biên chế, 18 giáo viên hợp đồng theo ngân sách Nhà nước trả lương và 9 người hợp đồng theo lương nhà trường tự trả trích từ học phí học sinh. Việc chuyển đổi từ trường công lập sang tư thục không được thực hiện theo lộ trình rõ ràng nên khiến nhiều giáo viên hoang mang. Nhà trường đã nhiều lần kiến nghị cấp trên về vấn đề này. Đến ngày 23-7-2013, TP đã có văn bản về phương án con người nhưng chỉ giải quyết cho 7 cán bộ, giáo viên biên chế được chuyển đi các cơ sở công lập khác tiếp tục công tác (chưa có quyết định cụ thể sẽ về đâu), số còn lại buộc phải kí hợp đồng với đơn vị tư nhân tiếp quản Trường MN 29-3. Cô Nguyễn Thị Hoài Thu buồn bã: “Một tập thể giáo viên, cán bộ đang hết mình công tác ở một nhà trường công lập bỗng dưng với cái quyết định nhập nhằng giữa công và tư mà họ phải ra đi, mà cũng chưa biết đi về đâu. Rồi người không biên chế phải kí hợp đồng với đơn vị tư nhân dù họ có cam kết sẽ đảm bảo trả bằng hoặc hơn mức lương mà chúng tôi nhận được nhưng họ vẫn là một đơn vị tư nhân, nếu làm ăn thua lỗ, họ lấy gì đảm bảo cho cuộc sống của những giáo viên đã có hàng chục năm, thậm chí hơn 20 cống hiến cho ngành giáo dục?”.
Theo dự kiến, đến cuối tháng 8-2013, sẽ hoàn tất các công tác từ đội ngũ đến các vấn đề liên quan để chuyển đổi sang trường tư thục. Và trên thực tế, từ 15-5, nhà trường đã chốt ngân sách ở kho bạc vì thế các hoạt động khác như chuẩn bị cho năm học mới, cho ngày khai giảng, nhà trường chưa biết trích ngân sách từ đâu. “Trong khi các trường đang háo hức chuẩn bị cho ngày hội hân hoan tới trường thì cô trò trường mình không biết sẽ đi đâu về đâu, và cũng không biết lấy gì ra để chuẩn bị cho lễ khai giảng”, cô Thu thở dài. Một vấn đề khác là tính đến thời điểm hiện tại, nhà trường chưa có quy định về các khoản thu học phí. So với các năm trước, giữa tháng 8 là nhà trường ký lại hợp đồng cho các giáo viên, nhân viên nhưng năm nay việc đó cũng dừng lại chờ quyết định.
Bây giờ, chúng tôi như ngồi trên đống lửa, không biết sẽ đi đâu về đâu. Đối với người công tác lâu năm trong ngành, việc ra đi như thế trước thềm năm học mới chẳng khác nào bỏ lại một đàn con thơ bơ vơ, lạc mẹ vì chúng đã có nhiều thời gian bên các giáo viên rồi”, cô Nguyễn Thị Hoài Thu trầm tư.
Phan Vĩnh Yên

Bình luận (0)